Doanh nghiệp Việt Nam có thể vừa học, vừa làm để tự đứng vững và cạnh tranh trên thị trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: CT) |
Tận dụng cơ hội
Chuyến thăm Việt Nam ngày 10-11/9 vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng được hưởng lợi từ các dự án của DN Mỹ và các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và xuất khẩu truyền thống như may mặc, thuỷ sản, linh kiện điện tử... Tuy nhiên, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI năm 2021 đã lên tới 76,3%.
Lốp xe là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2021, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su. Việt Nam đã xuất khẩu lốp xe sang hơn 140 thị trường, trong đó Mỹ vẫn là thị trường chủ lực, chiếm gần 60%. Việt Nam xếp thứ 3 trong những nước cung cấp lốp xe tải nhẹ cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, những cái tên sản xuất lốp xe đầu ngành vẫn thiếu vắng công ty Việt Nam, chủ yếu là các DN FDI như Sailun, Kenda, Bridgestone, Kumho và Yokohama.
Tỷ trọng xuất khẩu của DN Việt Nam trong lĩnh vực này khá khiêm tốn. Năm 2022, CTCP Cao su Đà Nẵng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ tổng cộng 2.264 tỷ đồng (92,8 triệu USD). Tổng doanh thu xuất khẩu của CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam đạt 2.383 tỷ đồng (97,7 triệu USD). Trong khi đó, CTCP Cao su Sao Vàng có kết quả kinh doanh khiêm tốn nhất với doanh thu nội địa và xuất khẩu chỉ đạt 915 tỷ đồng (37,5 triệu USD).
Trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, DN Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để tận dụng các cơ hội này, cộng đồng DN Việt Nam không chỉ cần chuẩn bị đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định luật pháp của thị trường Mỹ, mà còn cần phải chủ động hơn trong việc kết nối, tìm hiểu nhu cầu của các DN Mỹ thông qua các cơ quan, tổ chức có chức năng thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng DN Mỹ-ASEAN (US-ABC).
Trong khi đó, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là một thị trường tiềm năng đang trong độ tuổi dân số vàng. World Economics dự báo, tới năm 2030, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam sẽ tăng lên 2.848 tỷ USD, tăng 85,5% so với 2022.
Với Việt Nam, GDP theo PPP năm 2022 là 1.535 tỷ USD, xếp thứ 23 trên thế giới, lớn hơn một số nền kinh tế như Australia, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Ireland... Xét riêng trong ASEAN, năm 2022, GDP theo PPP của Việt Nam đứng thứ 3, xếp sau Indonesia (4.811 tỷ USD) và Thái Lan (1.835 tỷ USD). Tới năm 2030, ước tính, thứ hạng của Việt Nam sẽ tăng từ vị trí thứ 23 (2022) lên vị trí thứ 15 (2030), vượt qua hàng loạt nền kinh tế như Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Canada, Ai Cập... và vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 tại Đông Nam Á.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Nhiều tập đoàn nước ngoài như Central Retai (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte Mall (Hàn Quốc)… đã đổ bộ vào Việt Nam với hàng loạt đại siêu thị được xây mới thời gian gần đây để đón đầu xu hướng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người dân thời gian tới. Ở lĩnh vực này, DN Việt Nam đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài khi tập đoàn Masan bao phủ thị trường với hơn 131 siêu thị Winmart và gần 3.000 cửa hàng Winmart+. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực tiềm năng khác ở thị trường nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Với quy mô dân số đạt trên 95 triệu dân năm 2020 và trên 100 triệu dân vào năm 2030, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các DN. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc tăng trưởng nhanh hơn. Thống kê cho thấy, chi tiêu cho các mặt hàng may mặc, giày dép chiếm từ 3-4% trong tổng chi tiêu của 1 nhân khẩu trong 1 tháng.
Nâng cao năng lực ngay trên “sân nhà”
Mặc dù thị trường có quy mô không nhỏ, nhưng hiện nay, các DN trong nước vẫn chưa làm chủ được thị trường trong nước, một phần do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu hoặc hàng gia công không rõ xuất xứ, một phần khác do chưa chú trọng đầu tư khai phá thị trường. Tổng doanh thu bán hàng nội địa và xuất khẩu của Tập đoàn dệt may Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 17.612 tỷ (722 triệu USD) - con số khá khiêm tốn với ước tính quy mô thị trường tiêu dùng hàng may mặc, giày dép trong nước của Bộ Công Thương (khoảng 7 tỷ USD).
Ngoài những vấn đề nêu trên, ngành dệt may Việt Nam còn thiếu sự liên kết giữa các công đoạn, đặc biệt giữa kéo sợi dệt vải và may mặc. Dệt may Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc, nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu để xuất khẩu. Trong khi đó, vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu trong nước khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại.
Hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung vải, mẫu mã thiết kế nhập khẩu từ nước ngoài, khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh với các hãng thời trang nước ngoài như Uniqlo, Zara... Bộ Công Thương đánh giá, công nghiệp hỗ trợ trong ngành may mặc chưa phát triển do chưa thu hút được sự quan tâm của các DN trong nước và nước ngoài, dẫn đến sự khan hiếm nguồn nguyên liệu trong nước.
Việc nhiều DN Việt Nam cạnh tranh trên thị trường nội địa không chỉ giúp đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, mà còn giảm tình trạng “chảy máu ngoại tệ” và gia tăng sức cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam có gần 700 DN Nhà nước, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước, trách nhiệm đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất để tiến tới hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín và gia tăng tỷ trọng lợi nhuận/sản phẩm có xu hướng đè nặng lên vai các DN này. Các DN tư nhân mặc dù năng động hơn, hệ thống quản trị hiệu quả hơn nhưng lại thiếu nguồn vốn, sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ và mối quan hệ trên thương trường.
Trong giai đoạn 1999-2002, việc xe máy Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam đã góp phần khiến giá xe máy giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Những ngày đầu, xe Trung Quốc vào Việt Nam, người tiêu dùng nhận thấy ngoại hình na ná xe Nhật nhưng giá chỉ bằng một nửa, thời điểm đó giá xe máy 100ml của Nhật là 2.100 USD, trong khi đó giá bán buôn của Lifan chỉ là 700 USD và được bán lẻ với giá khoảng 1.200 USD.
Chiến lược cạnh tranh về giá đã khiến các DN sản xuất xe máy nước ngoài khác như Honda (Nhật Bản), Yamaha (Nhật Bản), Piaggio (Italy), Suzuki và SYM (Đài Loan-Trung Quốc) gặp khó khăn. Hầu hết các hãng xe máy Trung Quốc như Loncin, Lifan, Zongshen… đều là thương hiệu liên doanh với Nhật Bản. Mặc dù sau cùng, các hãng xe máy Trung Quốc đều rút khỏi thị trường do không cạnh tranh được về độ bền bỉ của sản phẩm.
Do thị trường Việt Nam tương đối nhỏ so với thị trường Trung Quốc, Việt Nam khó có thể áp dụng chính sách của Trung Quốc trong việc bắt buộc các DN FDI phải liên doanh với DN nội địa và bàn giao công nghệ. Chính sách này mặc dù có thể giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP xấp xỉ 9-10%/năm trong nhiều chục năm qua, nhưng nó lại hạn chế sự sáng tạo của các DN, dẫn tới sức cạnh tranh của DN suy giảm dần theo thời gian. Việt Nam có thể cân nhắc phương hướng phát triển khác như vừa học, vừa làm… để có thể tự đứng vững và cạnh tranh trên thị trường.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Thị trường “sân nhà” đang là “miếng bánh béo bở” mà các DN ngoại đều khao khát. Do đó, DN Việt cần nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh để giữ và chiếm lĩnh thị trường nội địa.