📞

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn ngại tìm đến trọng tài thương mại

15:04 | 04/04/2008
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, hoạt động thương mại quốc tế sôi động, tất yếu tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư và thương gia ngày càng nhiều hơn. Nhưng thực tế, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) vẫn chưa quen với việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nhân Hội thảo Trọng tài Thương mại Quốc tế - Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, TG&VN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Chí - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (TTTTQT VN) (ảnh bên) về vấn đề này.

Thưa ông, công tác TTQT đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu (1963). Vậy theo ông hiện nay các DNVN đón nhận thế nào về TTQT?

Việc các DNVN đón nhận công tác giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài thương mại Quốc tế còn tùy thuộc vào từng bối cảnh. VN phát triển nền kinh tế thị trường khoảng trên dưới 20 năm, nhưng chúng ta mới hội nhập kinh tế quốc tế tương đối sâu và rộng trong mấy năm gần đây, nên DNVN thực sự chưa quen lắm với việc giải quyết tranh chấp thương mại qua con đường trọng tài. Tuy nhiên, yêu cầu hiện nay của quá trình hội nhập đang buộc các DN phải biết điều đó, khi đã biết rồi, tôi hy vọng người ta tất sẽ phải ủng hộ.

Ông vừa nói, trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì DNVN nên biết và quen dần với giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài. Vậy hiện tại, ông đánh giá thế nào về số lượng DNVN đang sử dụng phương thức này?Theo tôi, qua mỗi năm số DNVN quen với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tăng hơn nhiều so với năm trước. Bởi vì, trong các hợp đồng mang tính quốc tế, các thương nhân nước ngoài đều đề nghị điều khoản, nếu có tranh chấp phải giải quyết bằng con đường trọng tài chứ không phải bằng con đường tòa án.

Trình tự thủ tục xét xử của trọng tài thương mại đơn giản, gọn nhẹ nên tiết kiệm được thời gian cho các thương nhân khi họ có tranh chấp với nhau. Thứ hai, trọng tài thương mại là xét xử kín (khác với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án), đáp ứng được yêu cầu giữ bí mật kinh doanh của các bên tham gia. Bên cạnh đó, các trọng tài viên đều là những người có chuyên môn cao, khi xảy ra tranh chấp về vấn đề gì thì đều có những trọng tài viên là chuyên gia trong lĩnh vực đó, nên việc xử lý khá chuẩn xác. Đặc biệt, các phán quyết của trọng tài thương mại cũng có hiệu lực như phán quyết của tòa án, chứ không phải là một thủ tục “tiền xét xử”, nên cũng đáp ứng được yêu cầu của thương nhân về việc giải quyết tranh chấp nhanh gọn.Rõ ràng, giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vậy TTTTQT VN đã có kế hoạch gì để các DNVN hiểu rõ hơn về công tác này. Đồng thời tự nâng uy tín của mình là địa chỉ tin cậy trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại cho các DNVN, cũng như nước ngoài?

Trong 4, 5 năm gần đây, TTTTQT VN, với tư cách là một tổ chức xét xử các tranh chấp về thương mại, trong 2 năm vừa qua và tiếp tục các năm sau nữa, TTTTQT VN và Phòng Thương mại Công nghiệp VN, phối hợp với dự án của Đan Mạch tổ chức các lớp tập huấn (sẽ tổ chức cho 64 tỉnh, thành phố; hiện nay đã làm được trên 30 tỉnh, thành).

Chúng tôi còn tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế để các DNVN nhận thức được vị trí, vai trò và ưu việt của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, để họ có thể sẵn sàng sử dụng phương thức này trong giải quyết các tranh chấp của mình. Đồng thời chúng tôi xuất bản khá nhiều ấn phẩm để quảng bá, giới thiệu về các hoạt động trọng tài. Trên cơ sở đó, các DN có thể thấy được những mặt mạnh qua việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và những ưu thế của nó khi tham gia vào các quan hệ kinh tế quốc tế, trong điều kiện hội nhập như thế nào.

Hầu như các nước đều có TT Trọng tài để giải quyết các tranh chấp về vấn đề thương mại. Việc chọn tổ chức trọng tài nào phụ thuộc vào tương quan thương mại và ý muốn của các bên khi hợp đồng. Vậy nên chọn ai, chọn tổ chức nào phụ thuộc nhiều vào uy tín của tổ chức đó. TTTTQT VN có bề dày lịch sử (tiền thân là Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (1964)) và đội ngũ 117 trọng tài viên, đều là những chuyên gia đầu ngành trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và thương mại. Các TTTTQT của Singapore, Nhật Bản… đều rất mạnh, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vươn lên để có tầm vóc không kém họ, để được các DNVN cũng như nước ngoài lựa chọn.

Vậy, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, công tác giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có gặp phải khó khăn gì?

Trước tiên, DN phải nhìn thấy những lợi ích đó, nếu muốn nhìn thấy và nhận ra được thì cũng phải có một quá trình nhất định. Qua thực tế trong hoạt động thương mại, kể cả trong nước và quốc tế, họ sẽ dần thấy các mặt ưu việt của trọng tài, phù hợp với những yêu cầu về kinh doanh của họ. Tôi chắc chắn, trong tương lai rất gần và hiện nay cũng đã như vậy rồi, các DN của chúng ta đa phần sẽ lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong điều khoản hợp đồng thương mại của họ.

Về môi trường pháp lý, chúng ta cũng đã có môi trường khá thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường trọng tài. Chẳng hạn, chúng ta đã có Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, tuy rằng pháp lệnh này chưa hoàn thiện. Năm 2009, Quốc hội sẽ thông qua Luật về trọng tài thương mại, để giá trị pháp lý của nó cao hơn. Lúc đó, toàn bộ các vấn đề có liên quan đến tranh chấp, xét xử bằng trọng tài sẽ được xử lý một cách tương đối phù hợp, nhất là sẽ có sự tương thích với các quy định của các nước trên thế giới về việc giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài.Xin cảm ơn ông!

Tuệ Minh (thực hiện)