Doanh nghiệp Việt Nam đang rất kỳ vọng vào thị trường chiếm tới 50% dân số thế giới. |
Mục tiêu chính trong đàm phán RCEP là thiết lập một “siêu” hiệp định thương mại, đồng bộ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã có với các đối tác nhưng phát triển thêm nội dung cao hơn để mở cửa thị trường, kết nối các khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.
“Siêu” hiệp định thương mại
Từ đây, 16 nước bắt đầu cuộc hành trình với mục tiêu thiết lập một siêu hiệp định thương mại tự do, kết nối các khu vực kinh tế được xem là năng động nhất thế giới là Đông Nam Á, Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. Tại Hội thảo “Hiệp định RCEP: Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Trưởng đoàn đàm phán RCEP của Chính phủ cho biết, đến tháng 5/2019, RCEP đã trải qua 25 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên giữa kỳ, 13 phiên đàm phán cấp bộ trưởng, 2 hội nghị cấp cao.
Đến nay, đàm phán RCEP đã cơ bản kết thúc đàm phán ở 6 chương, bao gồm: hợp tác kinh tế, kỹ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, mua sắm của chính phủ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Hiện các nội dung đang được tập trung đẩy nhanh đàm phán là mở cửa thị trường và quy tắc xuất xứ. Các nước đều hy vọng đàm phán sẽ kết thúc vào cuối năm.
RCEP có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, nhất là khi khối này bao trùm phần lớn hoặc toàn bộ chuỗi sản xuất (từ nguồn cung nguyên phụ liệu đến thị trường tiêu thụ) của nhiều sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như: dệt may, thiết bị điện tử… Với quy tắc xuất xứ nội khối, điều này có nghĩa là các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguồn phụ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước trong RCEP cũng sẽ được xem như có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường RCEP.
Từ đây, các sản phẩm này sẽ đáp ứng được các quy tắc xuất xứ RCEP để hưởng thuế quan ưu đãi từ Hiệp định này. Theo các nhà đàm phán, mức thuế quan ưu đãi này được kỳ vọng sẽ giảm xuống chỉ còn 5%-0% cho toàn bộ Biểu thuế.
Cũng theo cách này, với RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Bên cạnh đó, với các cam kết khác của RCEP, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Kỳ vọng và quan ngại
Về kỳ vọng của doanh nghiệp đối với RCEP, trao đổi với TG&VN, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, RCEP là một thị trường rất lớn, chiếm xấp xỉ 50% dân số toàn cầu, đang có sự tăng trưởng mạnh trong thu nhập và tiêu dùng, có nhu cầu cao đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh đặc biệt là dệt may, thiết bị điện tử, nông sản nhiệt đới, thực phẩm, chế biến. Thế nên, doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào cơ hội xuất khẩu ở thị trường RCEP.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang |
Đó có thể là các ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn so với hiện trạng; là các quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn; là sự thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; là các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan; hay cơ hội giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất.
Chia sẻ riêng về cơ hội dịch vụ, đầu tư đối với doanh nghiệp, bà Trang cho rằng, nếu RCEP được ký kết, một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, cạnh tranh và mang lại nhiều cơ hội hơn cho cả nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như logistics, viễn thông; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn; môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định hơn. RCEP cũng có thể là sự bảo đảm cho tương lai tự do hóa cho khu vực trước xu hướng bảo hộ thương mại, cũng là nơi “dự trữ” cho doanh nghiệp trước nguy cơ bảo hộ ở các thị trường xuất khẩu lớn khác.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, bên cạnh những kỳ vọng, doanh nghiệp cũng còn nhiều quan ngại. Cụ thể, quan sát từ hiện trạng đàm phán, từ sự ngập ngừng của nhiều đối tác trong mục tiêu tự do hóa, nếu các nước không cùng quyết tâm nỗ lực, rất có thể RCEP sẽ chỉ có mức mở cửa dịch vụ dè dặt; các hàng rào phi thuế quan giảm không đáng kể, môi trường đầu tư kinh doanh ít được cải thiện. Thêm vào đó, RCEP lại là khu vực tập trung nhiều nhất các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, cũng là khu vực Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Thêm vào đó, RCEP lại là khu vực tập trung nhiều nhất các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, cũng là khu vực Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Cạnh tranh sau RCEP có thể sẽ gay gắt hơn.
Ngoài ra, các thị trường cũng có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa có thể khiến cho doanh nghiệp Việt Nam vấp phải khó khăn trong điều chỉnh sản xuất phù hợp với từng thị trường.
Khuyến nghị với đàm phán RCEP của Việt Nam thời gian tới, bà Trang cho rằng cần chú trọng yêu cầu đối tác cắt giảm mạnh thuế quan không chỉ cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, mà còn cả cho các sản phẩm hiện Việt Nam chưa xuất khẩu nhiều nhưng đối tác nhập khẩu lớn. Về phía các doanh nghiệp, bà Trang nhấn mạnh bên cạnh việc phải chú ý theo dõi, tìm hiểu cụ thể các cam kết RCEP để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực cạnh tranh, chú ý các thị trường ngách và các khía cạnh mà Việt Nam có ưu thế. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp hưởng lợi từ RCEP cũng như vượt qua thách thức cạnh tranh từ Hiệp định này, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường RCEP.