Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn. |
Tham dự Diễn đàn về phía Nhật Bản có Tỉnh trưởng Fukioka Ogawa Hiroshi, Cục trưởng cục Kinh tế Công nghiệp Kyushu Hirozane Ikuro, Phó Chủ tịch thường trực Đại diện Kyukeiren. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư Đào Quang Thu, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Bùi Quốc Thành và gần 250 đại biểu là các doanh nhân vùng Kyushu, doanh nhân Việt Nam và đại diện một số tỉnh, thành của Việt Nam.
Giới thiệu về cơ hội hợp tác và phát triển giữa doanh nghiệp hai nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đào Quang Thu nhắc lại nội dung cơ bản về Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp ưu tiên thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. Đó là các ngành: Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Các ngành được ưu tiên phát triển trong Chiến lược công nghiệp hóa giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Để xúc tiến đầu tư, hợp tác cụ thể, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giới thiệu về chính sách đầu tư công nghệ cao, các hạng mục đang xúc tiến kêu gọi đầu tư của khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo đó, dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản qua các dự án ODA khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thành thiết kế chi tiết, bắt đầu đi vào xây dựng cơ bản, đang trong giai đoạn đấu thầu các hạng mục. Đây là dự án thí điểm nên được Chính phủ hết sức quan tâm và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: giảm giá thuê đất, thủ tục 1 cửa, ưu đãi thuế…
Các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Thái Bình, Bình Dương cũng đã mang đến những thông tin hữu ích về tiềm năng của địa phương và nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản. Nếu tỉnh Lạng Sơn đưa ra khá nhiều nhu cầu cần đầu tư về hợp tác xây dựng hạ tầng cơ bản, khu trung chuyển hàng hóa, phát triển trồng rừng, giáo dục… thì tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu cụ thể về cơ sở hạ tầng tương đối tốt của cảng nước sâu và khu kinh tế Dung Quất với nhà máy lọc dầu, đóng tàu… đang có nhu cầu kêu gọi đầu tư cho các hạng mục phát triển cảng, ngành công nghiệp đóng tàu. Ngay tại Diễn đàn một công ty của vùng Kyushu đã hỏi trực tiếp ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích, có thật Quảng Ngãi quan tâm đến ngành đóng tàu không? Liệu có cơ sở hạ tầng để phát triển ngành này tại tỉnh này hay không? Được tỉnh trả lời ngay, nhu cầu đầu tư này đã nằm trong mục tiêu phát triển được Chính phủ phê duyệt, bằng chứng là các chương trình này đang được xúc tiến và khởi động khá mạnh mẽ.
Với tư cách là doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam, Công ty TOTO Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, mà đang phát triển thì tất nhiên sẽ có nhiều vấn đề, thậm chí chưa ổn, tuy nhiên, với riêng TOTO thì việc sản xuất kinh doanh của họ tại Việt Nam tương đối tốt. Bởi quá trình phát triển sẽ cần rất nhiều thứ để hoàn thiện, đó chính là mảnh đất tốt cho những nhà đầu tư mạnh dạn.
Nói về kinh nghiệm đầu tư và hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam, Đại diện Trung tâm hỗ trợ đầu tư Nhật Bản (BTD Japan) cho biết, thông thường các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có tỷ lệ lợi nhuận tốt hơn, do họ đầu tư thận trọng hơn. Những công ty có lãi cao trong 5 năm đầu tiên thường là những doanh nghiệp tận dụng tốt những điều kiện mà thị trường sở tại có sẵn. Những thứ đó không phải là khó tìm thấy ở thị trường Việt Nam.
Trên tinh thần Đối tác chiến lược, hai nước Việt Nam – Nhật Bản hiện đang duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, nguồn nhân lực, du lịch… các giao lưu hợp tác đó ngày càng được tăng cường và phát triển. Bên cạnh đó, các mối giao lưu liên kết, giữa các địa phương hai nước ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Tại khu vực Kyushu: Tỉnh Fukuoka và TP. Hà Nội vừa qua đã kỷ niệm 5 năm Ký kết thỏa thuận hợp tác Hữu nghị; TP. Kitakyushu và TP. Hải Phòng đang cùng triển khai các dự án xử lý nước sạch và giao lưu văn hóa, kỹ thuật; TP. Kumamoto và tỉnh Hải Dương đang có những giao lưu hợp tác; Tỉnh An Giang và Kagoshima cũng như các tỉnh khác bước đầu đã có những giao lưu song phương, hứa hẹn mở ra những khả năng hợp tác mới đầy tiềm năng trong tương lai.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka – Bùi Quốc Thành:Chúng tôi đề xuất tổ chức diễn đàn “Diễn đàn Đầu tư và Hợp tác khoa học kỹ thuật Nhật Bản – Việt Nam” tại Fukuoka là một trong những sự kiện “Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản”, kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bởi vì hiện nay vùng Kyushu là một trong những khu vực mà đã có những làm ăn, đầu tư lâu năm tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan, đến nay họ đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Diễn đàn ngày hôm nay là một trong những điểm nhấn để giúp cho các doanh nghiệp vùng Kyushu hiểu biết thêm về Việt Nam, đặc biệt để họ đi đến quyết định lựa chọn việc chuyển hướng sang đầu tư ở Việt Nam. Tôi thấy rằng, hôm nay, Diễn đàn đã diễn ra hết sức thành công, các thành viên tham gia Diễn đàn đã vượt quá mức mà Ban tổ chức dự kiến. Theo dự kiến sẽ có khoảng 150 đại biểu, nhưng đã có gần 250 thành viên đến tham gia và nhiệt tình giao lưu tìm hiểu. Có một số doanh nghiệp vùng Kyushu biết thông tin về diễn đàn khá muộn, nhưng họ đã cố gắng tìm mọi cách liên hệ để đến đây ngày hôm nay. Tổng lãnh sự quán của chúng tôi được thành lập tại Fukuoka từ tháng 4/2009. Trong thời gian qua, công việc của Tổng lãnh sự quán đã tập trung rất nhiều vào công tác ngoại giao kinh tế. Để chuẩn bị cho Diễn đàn ngày hôm nay, chúng tôi đã triển khai từ đầu năm và kết hợp hiệu quả với liên đoàn kinh tế vùng Kyushu – là một trong những hiệp hội kinh tế lớn nhất vùng này. Thông qua hệ thống các doanh nghiệp của Liên đoàn, đồng thời liên hệ với Hội Công thương, các tỉnh của khu vực Kyushu để giúp quảng bá cho hội thảo này và mời các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hội thảo. Cho đến giờ tôi có thể “thở phào” vì hội thảo đã rất thành công, được sự ủng hộ tích cực từ các cơ quan, đơn vị trong nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan ban ngành, đặc biện là Ủy ban Nhân dân các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bình Dương đã không quản ngại xa xôi đến đây tham dự hội thảo và có những bài phát biểu rất hữu ích, cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư Nhật Bản. |
Fukuoka là thành phố của tỉnh Fukuoka, thuộc đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản. Fukuoka là một trong hai thành phố hay được nhắc đến nhiều nhất khi nói đến Kyushu (thành phố kia là Kitakyushu cũng thuộc tỉnh Fukuoka). Không chỉ là trung tâm của Kyushu với 15 triệu dân, Fukuoka được nhiều công ty và cơ quan giáo dục chuyên môn đặt là cứ điểm quan trọng ở thị trường châu Á. Hơn nữa, Fukuoka được điều hòa sinh thái và đô thị, so với Tokyo và Osaka thì vật giá ổn định, môi trường sống và giáo dục tốt làm cho cuộc sống thoải mái. Để đi đến Fukuoka, có nhiều phương tiện như sân bay Fukuoka, tàu siêu tốc shinkansen tại nhà ga Hakata, tàu điện ngầm hoặc đường thủy. |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn. |
Tỉnh trưởng tỉnh Aichi – Omura Hideachi phát biểu khai mạc Diễn đàn hợp tác đầu tư và KHCN Việt Nam - Nhật Bản tại Nagoya |
Tổng Lãnh sự Bùi Quốc Thành giao lưu với các đại biểu trong chương trình kết nối địa phương, doanh nghiệp. |
Các doanh nhân vùng Kyushu hào hứng tìm hiểu các thông tin chi tiết về đầu tư ở Việt Nam. |
Các đại biểu tham gia Diễn đàn. |