📞

"Doanh nghiệp xăng dầu lỗ có thể nghỉ”

12:53 | 21/09/2011
“Chúng tôi điều hành giá xăng dầu vì trách nhiệm với hơn 80 triệu người dân chứ không vì lợi ích của một bộ phận hay một doanh nghiệp nào cả. Nếu doanh nghiệp nào cảm thấy lỗ quá, không thể kham nổi thì chúng tôi sẵn sàng cử doanh nghiệp khác thay thế”.
Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Bên lề hội thảo “cơ chế kinh doanh xăng dầu” do cơ quan này tổ chức ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã trả lời báo giới liên quan đến những vấn đề nổi cộm của hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu cũng như cơ chế điều hành mặt hàng này.

Ông nói: Giá xăng dầu sẽ dần dần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, phải tùy vào tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, các cân đối vĩ mô ổn định, khi đó mới có thể tính đến việc đó. Có thể Nhà nước sẽ quy định một mức trần, các doanh nghiệp có thể điều chỉnh trong giới hạn đó.

Tuy nhiên, các đầu mối xăng dầu vẫn phải đảm bảo dự trữ và lưu thông xăng dầu bình thường theo quy định, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhà nước và người dân sẵn sàng chia sẻ, bù đắp các thiệt hại của doanh nghiệp nếu những vấn đề đó là do khách quan gây ra.

Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, tôi không chấp nhận bất kỳ một khoản chi phí nào do chủ quan doanh nghiệp gây ra, người dân họ cũng không thể chấp nhận được.

Doanh nghiệp đang lãi

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và Bộ Công Thương có cho rằng, cách điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính vừa phi thị trường, vừa mâu thuẫn?

Tôi nghĩ không có gì là mâu thuẫn hết, bởi rất nhiều quốc gia trên thế giới sau khi khủng hoảng tài chính, họ mới ngẫm ra một điều rằng, ngoài yếu tố thị trường vẫn cần phải có bàn tay vô hình, đó là sự can thiệp của quản lý Nhà nước.

Không phải chỉ có Nhà nước Việt Nam mới tăng cường kiểm soát đâu. Nếu thiên quá về Nhà nước thì đó mới là sai lầm. Yếu tố thị trường và yếu tố Nhà nước luôn phải được cân nhắc trong mỗi quyết định.

Nhưng họ cho rằng, vừa qua, trong khi doanh nghiệp đang lỗ thì ông lại ký quyết định giảm giá xăng dầu?

Tôi khẳng định, nếu không giảm giá xăng dầu vừa qua thì làm sao chúng ta có thể giảm được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống, làm sao có thể kiểm soát được lạm phát giảm. Đó cũng là cơ sở để các ngân hàng hạ được lãi suất.

Hơn nữa, tại thời điểm đó, theo số liệu cập nhật của cơ quan hải quan, tính toán giá cơ sở của Petrolimex, ngoài 300 đồng/lít lãi định mức, mỗi lít xăng dầu các doanh nghiệp còn lãi khoảng 780 đồng/lít nữa. Và tôi đã trực tiếp gọi anh Bảo (Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex - PV) lên hỏi rằng: Có giảm được không? Anh Bảo nói giảm được, chứ không phải là chúng tôi quan liêu gì đâu.

Các doanh nghiệp đầu mối vừa qua đã "dọa", nếu cứ điều hành kiểu này khiến họ triền miên thua lỗ, họ sẽ ngừng cung cấp xăng dầu?

Hiện chúng tôi đang chờ báo cáo chính thức của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay. Lỗ là lỗ như thế nào, lỗ khâu nào. Sau khi có đầy đủ số liệu, chúng tôi sẽ công bố và có giải pháp phù hợp.

Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi yêu cầu, nếu vẫn tiếp tục kinh doanh, không được doanh nghiệp nào bỏ nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu. Khó khăn nào chúng tôi cũng có thể giải quyết được. Tại thời điểm giảm giá vừa qua, tôi chưa thấy một văn bản nào của 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu về việc họ sẽ bỏ viêc cung cấp xăng dầu cho thị trường cả.

Còn nếu anh nào không tham gia cuộc chơi này thì Nhà nước cũng sẵn sàng chấp nhận cho thôi. Không thể đưa lý do nọ, lý do kia để bỏ nhiệm vụ đó được.

Chúng ta sẽ phải kiên trì theo nguyên tắc điều hành giá theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước, lộ trình phải thích hợp với các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Nếu bỏ, đồng ý ngay

Nhưng nếu họ bỏ thật thì ai sẽ đứng ra nhập khẩu xăng dầu?

Từ ngày tôi nhận chức về Bộ Tài chính, tôi chưa có một thông tin chính thức nào về việc này. Tôi cho rằng, nếu trong điều kiện kinh doanh bình thường như hiện nay thì vẫn đảm bảo được, còn từ giờ đến cuối năm mà khó khăn thì Nhà nước sẽ đứng bên cạnh doanh nghiệp chứ không bỏ doanh nghiệp.

Nhà nước cũng đã từng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để chia sẻ với doanh nghiệp thì cũng phải chia sẻ với Nhà nước. Nếu doanh nghiệp đầu mối nào dọa bỏ, tôi nói thẳng là chúng tôi không cần. Tôi cũng đã điện cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí rồi, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động 100% công suất, vì vậy nếu doanh nghiệp nào bảo bỏ thì chúng tôi đồng ý ngay.Tôi đã có 10 năm làm phó, rồi Tổng kiểm toán Nhà nước nên tôi biết rõ hơn ai hết từng doanh nghiệp như thế nào.

Không tăng giá xăng đến cuối năm

Bộ Tài chính làm quyết liệt như thế nhưng người tiêu dùng vẫn cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện vẫn rất mập mờ, thiếu minh bạch?

Hiện nay thuế xăng dầu đã giảm xuống 0% thì việc công bố giá là hoàn toàn minh bạch, không có gì là không minh bạch cả, dù cho thị trường chia 3 hay 5 phần thì nó vẫn thế.

Còn vấn đề giá cơ sở mà nhiều người băn khoăn cũng không có gì mù mở ở đây cả, chúng tôi đã cho công bố lên mạng nhưng không thấy có ý kiến gì, trong khi giá xăng Singapore thì họ công bố hằng ngày. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng là thẩm quyền của Quốc hội, Bộ Tài chính chỉ có quyền điều chỉnh thuế nhập khẩu thôi.

Tất nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, minh bạch về chính sách là trách nhiệm của Nhà nước và chúng ta phải đối xử với nhau thật công bằng. Trong câu chuyện này, ai vi phạm thì phải thẳng thắn xử lý để công luận biết được có minh bạch hay không minh bạch.

Ông có thể cho biết, từ nay đến cuối năm giá xăng có tăng hay không?

Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc vào tình hình thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến kinh tế trong nước.

Hiện có rất nhiều các ý kiến khác nhau nhưng tôi khẳng định chúng ta chưa thể điều hành giá xăng dầu theo thị trường được. Nếu bỏ hoàn toàn theo thị trường tự do với một anh Petrolimex có khoảng 60% thị phần cộng với SaigonPetro là tới 90% thì rất nguy.

Từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng không thể để giá theo nghị định 84 được. Trong điều kiện hiện nay cũng không nên tăng giá xăng dầu mà sẽ sử dụng hết cách để bù Bộ trưởng

Theo VNEconomy