Doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn có nhiều đóng góp lớn vào phát triển quan hệ Việt Nam-Philippines. |
Từng là một trong những người đi tiên phong, góp sức vào hành trình phá thế bao vây cấm vận của đất nước đến hôm nay với sự thành đạt của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) do ông xây dựng và điều hành, dấu ấn Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn còn nguyên giá trị nhân văn sâu sắc, đặc trưng trong cách kinh doanh của vị doanh nhân Việt kiều này.
Những năm 1980, đất nước lao đao giữa muôn trùng khó khăn sau khi vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, Mỹ cấm vận và nghèo đói. Như định mệnh, Johnathan Hạnh Nguyễn, khi đó là thanh tra tài chính của Boeing Subcontractor, có công việc tốt và cuộc sống gia đình êm ấm ở nước ngoài, bỗng được quê nhà gọi tên để rồi sau đó chính ông đã tự nguyện nhập cuộc vào vòng xoáy cả nước đang vật vã phá cấm vận, thoát thế cô lập, mở cửa ra thế giới. Đất nước đặt lên vai ông trọng trách vô cùng quan trọng: mở đường bay từ Việt Nam sang Philippines. Có lẽ, chính hai chữ “Việt Nam” thiêng liêng đã giúp ông vượt lên mọi nỗi lo sợ, ngăn cách, nghi ngại lúc bấy giờ, có đủ bản lĩnh, sự tỉnh táo và dũng cảm để bộc lộ tình yêu, khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc.
Sinh năm 1951 tại Nha Trang, năm 23 tuổi, Johnathan Hạnh sang Phillipines định cư và sau đó du học tại Mỹ. Năm 1984, khi trở về quê hương và được lãnh đạo đất nước tin cậy ủy thác nhiệm vụ mở đường bay Việt Nam - Philippines, ông là đại diện của hãng hàng không Phillipines Airlines tại châu Á - Thái Bình Dương lúc bấy giờ. Ngay lúc ấy và sau này nhớ lại, ông vẫn thấy đó là trọng trách to lớn và rất thử thách.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng các tập thể, cá nhân được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. |
Ông Trần Tiến Vinh, nguyên Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines giai đoạn 1984-1987, vẫn nhắc đến sự kiện mà ông gọi là “Vào Dinh xin chữ ký Tổng thống”. Nhân kỷ niệm 30 năm mở đường bay Việt Nam-Philippines (1985-2015), ông nêu lại: “Có thể nói, sự kiện tối hôm 4/9/1985 là minh chứng rõ nhất về những phẩm chất tốt đẹp của con người Johnathan Hạnh Nguyễn - một Việt kiều yêu nước nhiệt thành. Chính lòng yêu quê hương sâu sắc đã thôi thúc ông Hạnh có hành động rất dũng cảm, xả thân vì đất nước”. Để có thể sớm mở đường bay Việt Nam - Philiipines, ông Hạnh đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị bỏ tù, bị trừng phạt nghiêm khắc theo lệnh của Tổng thống Marcos. Ông Marcos đã ra lệnh cấm nêu lại đề nghị mở đường bay (sau khi Tổng thống đã hai lần bác đề nghị này), sẵn sàng bỏ tù và trừng phạt nghiêm khắc những ai trái lệnh. Vào thời khắc lịch sử đó, ông Trần Tiến Vinh đã ôm ông Hạnh Nguyễn, thốt lên: “Hạnh, em là anh hùng của dân tộc!”.
Đúng vào dịp Tết cách đây 40 năm, Johnathan Hạnh Nguyễn trở về quê hương lần đầu tiên sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Có thể nói, lần trở về đó chính là thời khắc quyết định đã tạo nên một Johnathan Hạnh Nguyễn như hôm nay. |
Tối 4/9/1985, Johnathan Hạnh Nguyễn đã vượt qua thử thách và làm tròn trọng trách mà trực tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao gửi: Xin được chữ ký phê duyệt của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho phép mở đường bay giữa hai nước. Ông kể lại: Nhìn thấy chữ ký chấp thuận, ông muốn sụm đầu gối, không nhắc chân lên nổi. Từ bàn Tổng thống ra đến cửa chỉ vài bước chân mà ông cảm giác như cả ngàn cây số! Ông đã bật khóc ở sân bay khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên cửa sổ chiếc máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines đang lăn trên đường băng sân bay Malina lúc 9h sáng 9/9/1985. “Giờ phút vinh dự, hạnh phúc và tự hào nhất của cuộc đời mình”, ông Jonhnathan Hạnh Nguyễn bồi hồi nhớ lại. Ông Trần Tiến Vinh coi sự kiện là khởi đầu cho sự thành đạt của doanh nhân Việt kiều yêu nước Johnathan Hạnh Nguyễn trên quê hương!
Đập chắn làm cản dòng chảy con sông Việt Nam ra biển cả thế giới đã bắt đầu được khơi lạch từ một trong những sự khởi đầu ấy. Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI quyết định những vấn đề chiến lược về đổi mới, mở cửa đất nước. Năm 1994, Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới. Riêng lĩnh vực hàng không, Việt Nam đã có 5 hãng bay thương mại, 72 hãng quốc tế và 4 hãng trong nước khai thác hơn 200 đường bay quốc tế.
Với cá nhân ông Johnathan Hạnh Nguyễn, từ đóng góp ban đầu, nhiệt huyết và khát vọng của ông đối với đất nước được khai mở, tiếp thêm năng lượng và từng bước biến thành các hoạt động cụ thể. Năm 1985, ông đã thành lập Công ty IPPG được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh và đến nay, IPPG đã đóng hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước mỗi năm. Với việc mở các ngành sản xuất có ích cho xã hội, thu hút nhiều lao động, tích cực làm từ thiện, IPPG là điển hình của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lấy mục tiêu và trọng tâm là song hành cùng đất nước phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Nhưng đất nước cũng sẽ không bao giờ quên những năm tháng gian khó, cũng như ghi nhận những đóng góp thầm lặng của mỗi cá nhân, trong đó có những Việt kiều như Johnathan Hạnh Nguyễn.