📞

Doanh nhân Pháp: Tổng thống Putin đã thua! Châu Âu nhanh chóng học cách sống thiếu khí đốt Nga

Linh Chi 17:39 | 13/02/2023
Chia sẻ với Financial Times, doanh nhân người Pháp Pierre Andurand - hiện đang quản lý một quỹ đầu tư chuyên về xăng dầu nhận định - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thua trong "cuộc chiến" năng lượng và giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt ở châu Âu đã qua.
Cơ sở khai thác ở mỏ dầu Vankorskoye phía bắc thành phố Krasnoyarsk, Nga. (Nguồn: Reuters)

Trong ba năm thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, ông Andurand đã thu được lợi nhuận khủng nhờ giá xăng, dầu tăng cao. Ông cho rằng, giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục năm ngoái và khó có thể lặp lại. Châu Âu nhanh chóng học cách sống thiếu khí đốt Nga.

Nga đã cắt giảm sâu xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để trả đũa việc phương Tây hỗ trợ cho Ukraine. Điều này đã đẩy giá tiêu chuẩn châu Âu lên trên 300 Euro một megawatt giờ vào tháng 8/2022, gấp hơn 10 lần mức bình thường.

Trong những tháng gần đây, giá khí đốt đã giảm xuống còn khoảng 50 Euro/MWh-vẫn ở mức cao trong lịch sử nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của các nền kinh tế châu Âu.

Thương nhân người Pháp Pierre Andurand cho hay: “Tôi nghĩ ông Putin đã thua trong cuộc chiến năng lượng. Giá năng lượng và khí đốt tự nhiên rất cao ở châu Âu là điều cực kỳ tồi tệ đối với nền kinh tế thế giới nhưng giờ đây, giá đã trở lại mức hợp lý hơn. Nếu giá xăng giữ nguyên ở mức hiện tại thì nỗi lo lạm phát và lãi suất tăng sẽ bớt đi rất nhiều. Châu Âu đã quen với việc sống mà không có khí đốt của Nga.

Bên cạnh đó, Nga mãi mất đi khách hàng lớn nhất của mình và sẽ mất ít nhất một thập niên để xây dựng hệ thống đường ống nếu muốn chuyển hướng sang thị trường châu Á. Nếu quốc gia này chỉ bán khí đốt cho Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có quyền quyết định giá".

Ông Andurand lập luận rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt và năng lượng sắp kết thúc, tuy nhiên, vẫn có khả năng xảy ra những biến động lớn đối với một số mặt hàng.

Ông nói: "Giá dầu đã giảm nhiều trong những tháng gần đây và khả năng thị trường phục hồi nhanh khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa. Dầu có thể đạt 140 USD/thùng vào cuối năm 2023. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sẽ dẫn đến tăng trưởng nhu cầu dầu nhiều hơn dự kiến".

Theo doanh nhân Pháp, mức tiêu thụ dầu toàn cầu do Trung Quốc dẫn đầu có thể tăng tới 4 triệu thùng/ngày trong năm nay so với mức trên 1 triệu thùng/ngày. Điều đó có nghĩa là lượng hàng tồn kho thực sự lớn và thị trường sẽ trở nên khan hiếm.

Dầu đã tăng nhanh lên 139 USD/thùng vào năm ngoái, ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, giá đã giảm trở lại mức 83 USD/thùng sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã thực hiện mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Với mức giá trần đó, phương Tây cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, khối 27 quốc gia thành viên này cũng đã cấm mua và nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/12/2022.

Mới đây nhất, ngày 5/2, G7, EU và Australia thống nhất áp giá trần đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga. Hành động này nhằm hạn chế Moscow tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Chia sẻ về những biện pháp trừng phạt nói trên của phương Tây với dầu Moscow, doanh nhân Andurand cho rằng, Nga có thể chọn bán dầu với giá chiết khấu để thu hút khách hàng mới, đơn cử như ở châu Á.

Ông Andurand cho biết: “Tôi không muốn đặt cược vào sự gián đoạn nguồn cung lớn từ Nga vì họ đã thể hiện sự sẵn sàng chuyển đi các thùng dầu, ngay cả khi ở mức giá rất thấp".

(theo Financial Times)