Đối đầu với trừng phạt từ phương Tây, Trung Quốc không muốn hay không thể giúp Nga?. Trong ảnh: Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay tại một sự kiện thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). (Nguồn: Reuters) |
Trang mạng phân tích tình hình chính trị khu vực Á-Âu (eurasianet.org) mới đây có bài nhận định, cho rằng, Trung Quốc không hề muốn thế chỗ các công ty phương Tây đã rút ra khỏi thị trường Nga. Đánh giá về hành động của Trung Quốc trong hơn hai tháng qua, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Bắc Kinh dường như chỉ ủng hộ về mặt chính trị và không có gì khác.
Trung Quốc có lý do riêng?
Việc Trung Quốc không mong muốn xích lại gần Nga là điều dễ hiểu. Một số ngân hàng đầu tư lớn đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay. Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng GDP thêm 5,5%, nhưng hiện nay hầu hết tin rằng, sẽ chỉ có thể đạt được khoảng 4,5% (thậm chí là 3,9%). Hơn nữa, khoản đầu tư 17,5 tỷ USD chưa từng có đã được rút khỏi Trung Quốc vào tháng Ba là một điềm báo không tốt đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn làm chao đảo con thuyền thêm nữa, các đại diện của chính phủ Mỹ, trước đó đã cảnh báo Bắc Kinh “chắc chắn sẽ có hậu quả” nếu hỗ trợ cho Nga, đồng thời cũng cho biết vào đầu tháng 5/2022 rằng, cho tới nay không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cung cấp cho Điện Kremlin bất kỳ hỗ trợ quân sự hoặc kinh tế nào, kể cả là ý định để giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt.
Nga dường như cũng nhận thức được điều này. GS. Aleksey Maslov, Giám đốc Viện các nước châu Á và châu Phi, thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow, quyền Giám đốc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng, “Trung Quốc sẽ không giải quyết vấn đề của chúng ta”. “Thị trường Nga đối với Trung Quốc không quan trọng, không giống như thị trường Mỹ hoặc châu Âu. Tuy nhiên, về mặt chính trị, chúng ta rất quan trọng, bởi vì Trung Quốc không muốn đơn độc đối đầu với Mỹ”. GS. Aleksey phân tích.
Không mua thêm dầu?
Có thể Moscow từng hy vọng, Trung Quốc sẽ giúp đỡ né tránh các lệnh trừng phạt, ít nhất là bằng cách mua dầu, khí đốt và các hàng hoá bị các quốc gia “không thân thiện” từ chối. Nhưng thực tế đã không như vậy.
Không chỉ như thế, đã xuất hiện một số thông tin về việc các công ty lớn của Trung Quốc rời bỏ thị trường Nga, cũng như việc họ không muốn mua các nhà máy thuộc sở hữu của các công ty phương Tây đã rời khỏi nước này. Nỗ lực từ bỏ đồng USD cũng không tỏ ra không hiệu quả. Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ (NDT) trong thanh toán quốc tế giảm xuống còn 2%, đồng Ruble gần như bằng 0, trong khi ngược lại vị thế đồng USD được củng cố.
Trên trường quốc tế, Bắc Kinh tiếp tục đưa ra những tuyên bố ủng hộ Nga và lên án phương Tây. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga đã từng đề cập “quan hệ thân thiết Nga-Trung Quốc đã vượt lên trên mô hình liên minh quân sự-chính trị của Chiến tranh Lạnh”, là “một mô hình mới” trên thế giới, trái ngược với “tâm lý Chiến tranh Lạnh” mà “một số quốc gia” đang thể hiện.
Thực tế, theo số liệu thống kê được công bố gần đây của Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 1,5 triệu thùng dầu Nga/ngày trong tháng 3/2022, tức là lượng mua đã giảm khoảng 4%. Như vậy, Bắc Kinh không thể hoặc không muốn mua những gì mà Nga hiện không thể bán cho Mỹ, châu Âu và các thị trường khác do các lệnh trừng phạt? Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn đang chuẩn bị gói trừng phạt tiếp theo, theo đó sẽ hạn chế hơn nữa việc mua năng lượng của Nga. Thậm chí có thể là một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga.
Trong bão trừng phạt và trả đũa với phương Tây, sản lượng dầu ở Nga trong năm nay có thể giảm 17%. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov trao đổi với các phóng viên cho rằng, khó dự báo được tương lai của ngành năng lượng Nga.
Trước đó, Báo cáo của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, có sự suy giảm chung trong hợp tác thương mại của Trung Quốc với Nga sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine diễn ra.
... Cũng không mua tài sản Nga?
Moscow được cho là đã cung cấp cho Bắc Kinh một danh sách các ngách thị trường xuất hiện những “chỗ bỏ trống” sau sự ra đi của các công ty phương Tây. Ông Sergey Nosov, Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh thuộc Bộ Công thương Nga, cho biết: “Các thị trường ngách khổng lồ đang xuất hiện dành cho các công ty Trung Quốc, vốn đã bị bỏ trống bởi các công ty nước ngoài rút ra khỏi thị trường Nga. Chúng tôi đã xây dựng nhu cầu của mình theo lĩnh vực và chuyển cho các đồng nghiệp Trung Quốc… Điều này tạo ra cơ hội lớn cho việc củng cố vị thế của các công ty Trung Quốc tại đây”.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã không vội vàng đầu tư vào Nga, thậm chí, đã xuất hiện một số doanh nghiệp đóng băng hoạt động hoặc rời bỏ thị trường Nga hoàn toàn. Chợ điện tử AliExpress của Trung Quốc đã ngừng chấp nhận thanh toán từ thẻ ngân hàng của Nga và cũng đang trì hoãn đáng kể việc giao hàng.
Cũng vào cuối tháng 4/2022, có thông tin cho rằng, hệ thống thanh toán UnionPay (của Trung Quốc), tương tự như của Visa và Mastercard, của Trung Quốc đã từ chối hợp tác với các ngân hàng Nga bị trừng phạt. Trước đó, các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc cũng đã ngừng hợp tác với Nga.
Công ty Trung Quốc DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới, đã tuyên bố đóng băng các hoạt động tại Nga. Nguyên nhân được đưa ra là, công ty này lo ngại về thông tin Nga sử dụng máy bay không người lái của họ sản xuất cho mục đích quân sự ở Ukraine.
Nhà sản xuất ô tô Pháp Renault đã đề nghị bán các nhà máy sản xuất ô tô ở Nga của mình cho một trong những đối tác Trung Quốc, doanh nghiệp ban đầu tỏ ra quan tâm, nhưng sau đó cũng khéo léo từ chối. Hoạt động kinh doanh của Renault tại Nga chiếm gần 30% thị trường xe hơi trong nước.
Thư ký Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất Andrey Turchak đánh giá, việc Trung Quốc không muốn mua các cổ phần trên ở Nga là một vấn đề lớn, bởi vì khoảng 2 triệu người Nga đang làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có khoảng 600.000 người đã mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm.
Nhưng vấn đề còn lớn hơn, khi các công ty Nga trong các ngành liên quan cũng đang phải gánh chịu. Ví dụ, nhà máy Avtotor của Nga, nơi lắp ráp ô tô của Đức và Hàn Quốc, đã ngừng sản xuất, theo đó hơn 30.000 việc làm bị mất, do cả Đức và Hàn Quốc đều áp đặt lệnh cấm vận Nga. Do lệnh cấm vận của Mỹ và EU cấm linh kiện và vật tư xuất sang Nga, nên nước này có nguy cơ “phải ngừng hoạt động từ 1 nửa đến 2/3” đội máy bay...
Trên "mặt trận" tiền tệ, theo Sở giao dịch Moscow, vào tháng 3/2022, khối lượng giao dịch đồng NDT trên thị trường ngoại hối đã tăng gấp 8 lần so với tháng trước đó. Nhiều khả năng các công ty Nga đang sử dụng tiền Trung Quốc để thanh toán cho các nhà cung cấp của họ từ Trung Quốc. Nhưng nhìn chung, những nỗ lực này chỉ là các giọt nước trong đại dương. Thực tế, tỷ trọng đồng NDT và đồng Ruble trong thanh toán quốc tế đã giảm trong tháng Ba, mặc dù trước đó đã rất kém. Đặc biệt, tỷ trọng của Trung Quốc đã giảm gần 1/3 – từ khoảng 3% xuống còn khoảng 2% và tỷ trọng của Nga thực tế là đã về 0, do nhiều ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi SWIFT.
Trong khi đó, đồng USD, ngược lại, phần nào củng cố được vị thế của mình, tăng tỷ trọng lên mức 41,1%. Tiếp theo là Euro với 35,4% và sau đó là bảng Anh, Yen (Nhật Bản), CAD (Canada) và AUD (Australia).
Như vậy, các kế hoạch loại bỏ vai trò bá chủ của các đồng tiền phương Tây để sử dụng đồng NDT và đồng Ruble vẫn còn rất xa so với thực tế. Hơn nữa, sự giảm mạnh về tỷ trọng của NDT cho thấy mối lo ngại của các nhà đầu tư quốc tế về các kế hoạch của Trung Quốc, nhằm biến đồng NDT thành một loại tiền tệ toàn cầu. Về mặt này, thực tế có thể trở thành một lý do nữa để Bắc Kinh không căng thẳng với cộng đồng quốc tế để bảo vệ lợi ích của Nga.
| Giá cà phê hôm nay 24/5: Xu hướng giảm lấn át trong phiên đầu tuần, giá thế giới khó tăng ổn định Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay đã giảm 1,4% xuống 59,3 triệu bao. ... |
| Tham gia WEF Davos 2022, Việt Nam góp phần định hướng ý tưởng, tư duy chính sách chiến lược trong giai đoạn bước ngoặt Nhận lời mời của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Phó Thủ ... |