Theo chuyên gia, cần đổi mới nội dung và hình thức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong kỷ nguyên mới. |
Ngày 24/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024 của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết: Sau 10 năm triển khai Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Hoạt động ngày càng đi vào nề nếp và luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ trí thức để đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước. Thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa lĩnh vực tâm huyết với đất nước, ngành, lĩnh vực và địa phương.
TSKH. Phan Xuân Dũng. |
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cung cấp thêm thông tin, tư liệu khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan trước khi ra quyết định, đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả các đề án/dự án quan trọng của ngành, lĩnh vực và địa phương.
Theo bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp hội Việt Nam), hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng được Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên coi trọng. Các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được nhiều chuyên giỏi về chuyên môn và tâm huyết; sẵn sàng gia tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án với Đảng và Nhà nước...
Trong giai đoạn 2021-2024, mỗi năm Liên hiệp Hội Việt Nam góp ý khoảng 10-15 dự thảo chủ trương, chính sách, đề án, dự án quan trọng theo đề nghị của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, đồng thời, chủ động tổ chức khoảng 10-12 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội có tính thời sự cao, tác động đến cộng đồng xã hội, hoặc trí thức quan tâm, nhất là các vấn đề về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các vấn đề về công tác trí thức.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn do các nhiệm vụ thường có khối lượng tài liệu lớn, nội dung mới và phức tạp, thời gian thực hiện ngắn, chế độ chưa tương xứng. Một số vấn đề tư liệu, tài liệu không đầy đủ, đã ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn, phản biện.
Việc đặt hàng của cơ quan Đảng và Nhà nước chưa gắn với các điều kiện như kinh phí và các điều kiện khác, khiến cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các hội, nhất là các hội chuyên ngành gặp khó khăn và bị động. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học còn có tâm lý e ngại, nể nang nên tiếng nói phản biện của Liên hiệp Hội và các hội thành viên còn chưa mạnh mẽ...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong bối cảnh đặc biệt, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần đổi mới cả về nội dung và hình thức. Việc đổi mới này đòi hỏi tư duy phát triển cũng như đổi mới trong xây dựng chính sách pháp luật, do đó, những kiến nghị sửa đổi Quyết định số 14 là cần thiết. Theo đó, cần xác định địa vị pháp lý của Liên hiệp Hội và các hội thành viên trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Theo ông Tạ Đình Thi, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cần đánh giá sâu hơn, kỹ lưỡng hơn những tồn tại, hạn chế của Quyết định số 14 bằng những số liệu, phân tích cụ thể. Điều này đòi hỏi Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên phải có những cuộc làm việc với một số Bộ ngành liên quan để tạo được sự đồng thuận trong cách thức thực hiện, sửa đổi Quyết định số 14, đưa ra phương hướng cụ thể. Bên cạnh đó, cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm, cơ sở pháp lý của các cơ quan, Bộ ngành trong xây dựng chính sách.
Dưới góc nhìn của mình, TS. Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị cần đổi mới cơ chế chính sách về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua việc ban hành văn bản mới có giá trị pháp lý cao hơn, hoặc sửa đổi, bổ sung Quyết định 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong các cơ quan, tổ chức và xã hội về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Theo ông Mậu, cần làm rõ và có chế tài cụ thể nâng cao tính pháp lý về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đồng thời, quy định cụ thể về trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức có đề án, dự án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ cho hoạt động này của Liên hiệp Hội Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sửa đổi để chính sách tài chính cho hoạt động này không khập khiễng so với hoạt động khoa học và công nghệ khác.