Hà Nội trang hoàng, lộng lẫy cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. |
Đặc điểm của công tác tuyên truyền của Đảng là tính tiên phong (dẫn dắt, định hướng) đối với toàn bộ xã hội và hệ thống tuyên truyền, tuyên truyền có tính chính thống (hợp hiến, hợp pháp, đúng định hướng của Đảng).
Đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu câu cấp bách
Trong 92 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam lập nên những kỳ tích trong thế kỷ hai mươi. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm, đánh giá về những hạn chế, khuyết điểm này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 30/10/2016 đã thẳng thắn chỉ rõ:
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu... Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu... Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái... Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức... Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi...; Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao...
Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Nhóm 1: Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình
Nhóm 2: Về cơ chế, chính sách
Nhóm 3: Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
Nhóm 4: Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội.
Trong 4 nhóm giải pháp trên, nhóm giải pháp được đặt lên hàng đầu là nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, gồm có 9 giải pháp. Mặc dù các giải pháp có nội dung khác nhau, nhưng chúng ta đều nhận thấy rõ có dấu ấn của công tác tuyên truyền trong đó: hoặc là biện pháp tuyên truyền trực tiếp, hoặc biện pháp truyên truyền gián tiếp.
Một là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là: Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay.
Ba là: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân.
Bốn là: Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Năm là: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Sáu là: Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền.
Bảy là: Xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tám là: Hoàn thiện Quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên... Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chín là: Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Mười là: Giải pháp về đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, trong đó đề cao kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Có thể khẳng định rằng, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vô cùng quan trọng, từ đó, góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước luôn chú trọng, đề cao công tác này.
Về định hướng và thể chế: Nghị quyết Đại hội Đảng các kỳ Đại hội đều nêu rõ định hướng trong công tác tuyên truyền của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, gần đây nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Quốc hội đã ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng.
Về nhân sự làm công tác tuyên truyền: Trong cơ cấu tổ chức của Đảng, ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đều Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận. Trong cơ cấu tổ chức các cơ quan hành pháp, cấp trung ương có Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp; cấp tỉnh có Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp. Ở cấp huyện và cấp xã, cán bộ tư pháp có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật (tuy là cơ quan tuyên truyền thuộc Bộ Tư pháp. công tác tuyên truyền pháp pháp luật luôn đi liền với tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng). Ở mỗi địa phương, đều có “Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật” ở cấp tỉnh và cấp huyện.
Cùng với bộ máy nhân lực hùng hậu là mạng lưới rộng khắp các cơ quan báo chí chính thống từ trung ương đến địa phương, gồm báo hình, báo nói, báo viết... cùng với phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin.
Những thành quả từ công tác tuyên truyền của bộ máy làm công tác này đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo sự nhất trí cao về tư tưởng trong Đảng và sự thống nhất về chính trị, tinh thần trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, động viên cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền hiện nay đang đứng trước thách thức to lớn
Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn dao động, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới; không ít người mơ hồ, lệch lạc trong nhận thức đối với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước
Các thế lực thù địch trong và ngoài nước bằng nhiều âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt, dưới nhiều hình thức, phương pháp tinh vi, nguy hiểm hơn so với trước đây, đặc biệt là lợi dung không gian mạng xã hội, đang tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, phủ định chủ nghĩa Marx-Lenin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng tìm mọi cách can thiệp sâu vào công việc xây dựng và phát triển đất nước ta, phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị xã hội.
Chính vì vậy, cùng với việc nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận về công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian qua, chúng ta cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất, thực hiện đổi mới nội dung, phương thức của công tác này.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin mạnh dạn nêu đề xuất một số ý kiến của bản thân về đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các đề xuất nêu trong bài viết này có thể chưa đầy đủ, có thể chưa phải là đề xuất hiệu quả nhất, nhưng là những ý tưởng xuất phát từ thực tiễn học tập, nghiên cứu, công tác mà bản thân đã trải qua.
Bản thân tôi đã có gần 16 năm công tác trong ngành tư pháp, trong đó có 6 năm làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, 6 năm là Báo cáo viên pháp luật của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh. Trong thời gian là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, nhiệm vụ chính của tôi là tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, song, bất cứ văn bản pháp luật nào cũng xuất phát từ đường lối, chủ trương của Đảng và được thể chế hóa phủ hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuyên truyền pháp luật không thể tách rời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, và ngược lại, tuyên truyền trong Đảng không thể tách rời tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước.
Trong thực tiễn công tác tại cơ sở, đã từng đến các thôn xóm, vào tận nhà dân... tôi có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các cán bộ làm công tác tuyên truyền từ cấp tỉnh, cấp huyện, đến cấp xã; được tiếp xúc, gặp gỡ với những người dân tại cơ sở với nhiều đối tượng: nam, nữ, già, trẻ; thành phần là nông dân, công nhân, tiểu thương, viên chức, công chức... Do đó, tôi may mắn có cơ hội lắng nghe tâm tư, băn khoăn, chia sẻ của nhiều người...về mong muốn, nguyện vọng tiếp cận với các nguồn thông tin chính thống của Đảng, nhà nước. Tôi nhận ra một điều tưởng như rất giản dị, mà nhiều khi người cán bộ tuyên truyền có thể không coi là quan trọng, nhưng thực ra, điều này vô cùng quan trọng để công tác tuyên truyền có thể thành công: Mỗi người dân, ở mọi tầng lớp và thành phần, “nam, phụ, lão, ấu”, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, đều có một “nền tảng tri thức” và “vẻ đẹp tâm hồn”, tuy khác nhau về trình độ tri thức và đạo đức tâm hồn, nhưng từ sâu thẳm, “nền tảng tri thức” đó luôn có nhu cầu và sẵn sàng được bồi đắp; “vẻ đẹp tâm hồn” đó luôn khát khao được khơi dậy và tỏa sáng... Chỉ cần người làm công tác tuyên truyền chọn đúng “mức độ” và “cung bậc” phù hợp với tri thức và tâm hồn mỗi người, thì hạt giống tuyên truyền tư tưởng của Đảng sẽ được ươm mầm, thấm nhuần và lan tỏa.
Đảng bộ Bộ Ngoại giao có nhiều bài thi dự thi nhất cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Để nền tảng tư tưởng của Đảng được ươm mầm, thấm nhuần và lan tỏa
Một là, “xây dựng thế chân kiềng”, chúng ta phải làm từng bước, chắc chắn, không nóng vội. Đầu tiên là phải “ươm mầm”. Ươm mầm vững chắc thì tiếp tục bồi đắp để “thấm nhuần”. Thấm nhuần rồi thì mới từ đó tiếp tục “lan tỏa”. Không thể “lan tỏa” khi mà nền tảng tư tưởng đó chưa được “ươm mầm”. Để “lan tỏa” mạnh mẽ và vững chắc thì trước hết tư tưởng đó phải được “thấm nhuần”. Không thể thiếu 1 trong 3 giai đoạn này, như là chiếc kiềng 3 chân sẽ đổ kềnh nếu thiếu chân.
Muốn vậy, công tác tuyên truyền phải đảm bảo, nội dung tuyên truyền phải hợp hiến, hợp pháp, đúng định hướng của Đảng. Hình thức, cách thức tuyên truyền phải linh hoạt, đa dạng, thích ứng. Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải sắc bén về lý luận, tâm lý trong giao tiếp, có phương pháp, kỹ năng truyền đạt, biểu đạt.
Hai là, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”: Phải quan tâm đến từng đối tượng tuyên truyền, với mỗi đối tượng phải lựa chọn nội dung và phương thức tuyên truyền khác nhau. Nếu chúng ta gặp đối tượng nào cũng “nói y như thế, đọc y như thế, yêu cầu y như thế”, thì vừa không có tác dụng, vừa dễ gây nhàm chán, thờ ơ. Nhiều lần như thế, người dân sẽ không còn hứng thú, không quan tâm đến những gì chúng ta mong muốn tuyên truyền. Họ sẽ dành thời gian quan tâm đến những chủ đề khác, hấp dẫn hơn và “dễ nghe” hơn.
Về đổi mới nội dung tuyên truyền
Đổi mới nội dung tuyên truyền không phải là thay đổi nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng cho “mới” hơn, mà là thay đổi trong việc lựa chọn nội dung truyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Lựa chọn nội dung nào mà đối tượng đó dễ hiểu nhất, cảm thấy thiết thực với đời sống của mình nhất. Nếu đó là nội dung mang tính khái quát, phổ biến, thì cần nhấn mạnh, đi sâu, liên hệ nội dung đó với những vấn đề thiết thực với bà con. Ví dụ, tuyên truyền về tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, nếu đối tượng tuyên truyền là nông dân, thì cần nhấn mạnh các thủ đoạn nào của địch mà chúng thường nhắm đến đối tượng là bà con nông dân... bà con muốn đấu tranh phòng, chống thì làm như thế nào...
Các vấn đề cần tuyên truyền trong Đảng là rất rộng, song xuyên suốt về định hướng, nguyên tắc. Người làm công tác tuyên truyền, các cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền cần xây dựng một “bản đồ tuyên truyền”: Tuyên truyền cho đối tượng nào/ khu vực nào/ thời gian nào/ nội dung nào... Nơi nào cần tăng cường tuyên truyền vấn đề gì, cần điều chỉnh thời gian, tần suất, nội dung như thế nào... Cần tuyên truyền bền bỉ, kiên trì, vừa làm vừa hoàn thiện “bản đồ tuyên truyền này”, có đánh giá và rút kinh nghiệm. Tránh cách lựa chọn nội dung “an toàn”, né tránh những nội dung mà người dân mong muốn được tiếp cận.
Về đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền
Tuyên truyền miệng: Báo cáo viên trong công tác Đảng phải là người có trình độ vững vàng, lý luận sắc bén, giọng nói truyền cảm, có kiến thức về tâm lý học. Thực tế hiện nay có báo cáo viên do trình độ chưa vững, chưa nghiên cứu kỹ văn kiện của đảng, khi nói về các từ ngữ, nội hàm khái niệm... còn nhầm lẫn, sai sót.
Nếu các phần tử xấu mà ghi âm, ghi hình lại, lấy đó là tư liệu để thổi phồng, làm mất uy tín của Đảng... thì rất nguy hiểm. Báo cáo viên phải khéo léo lồng ghép các ví dụ sinh động, thú vị, dễ hiểu... để người nghe cảm thấy rất dễ hiểu, dễ nhớ, không nhàm chán, tránh tình trạng báo cáo viên lên diễn đàn là “mắt nhìn, mồm đọc tài liệu”, không quan tâm người nghe ở dưới có tiếp thu được hay không.
Tuyên truyền thông qua các loại hình báo chí: Các bài viết, báo hình, báo phát thanh không chỉ tuyên truyền thông qua những bài viết chính luận, tác phẩm chính luận, mà cần xuyên suốt trong định hướng biên tập. Các bài viết, tác phẩm chính luận cần sắc bén, thẳng thắn khi phân tích văn kiện của Đảng, tránh qua loa, đại khái. Cần giảm bớt các bài viết chính luận lan man, mờ nhạt, ưu tiên đăng tải các bài viết chính luận dễ hiểu, có sức lan tỏa.
Tuyên truyền bằng lồng ghép khéo léo nội dung tuyên truyền dưới hình thức là các tác phẩm văn học - nghệ thuật, điện ảnh, sân khấu, cuộc thi. Những tác phẩm nghệ thuật này nếu xây dựng hình tượng thành công, thì hiệu quả công tác tuyên truyền tuy gián tiếp nhưng rất mạnh mẽ. Hình thức này thu hút công chúng và có sức lan tỏa.
Tuyên truyền thông qua mạng xã hội: Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi” với công tác tuyên truyền, nhưng chúng ta không thể coi nhẹ. Theo công bố của Statista, đến tháng 6/2021, có khoảng 61,3 triệu smartphone đang được sử dụng tại Việt Nam và Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số lượng smartphone cao nhất.
Còn trên toàn thế giới, đến đầu năm 2022, tổng số lượng người dùng điện thoại di động (bao gồm smartphone, điện thoại phổ thông - đây là loại điện thoại di động bình thường, không có ứng dụng và hệ điều hành) là 7,26 tỷ người, chiếm 91,54% dân số toàn cầu.
Với độ phủ sóng này, trong công tác tuyên tuyền nền tảng tư tưởng của Đảng, phát hiện ngăn chặn các thông tin xấu độc, các trang web/ trang mạng xã hội đăng tải nội dung xấu độc....là yêu cầu cấp thiết trong “chống”; phát triển các kênh thông tin chính thống để “ươm mầm, thấm nhuần và lan tỏa” là yêu cầu cấp thiết trong “xây”.
Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, để điện thoại/máy tính của người dân không bị tràn ngập các thông tin xấu độc, mà có cơ hội được biết đến, tiếp cận với các trang thông tin chính thống, nội dung minh bạch.
Tuyên truyền thông qua việc nêu gương của cán bộ, đảng viên: Đây cũng là một giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TWngày 30/10/2016 của BCHTƯ khóa XII. Đây chính là “tài liệu tuyên truyền sinh động nhất”, hiệu quả nhất, có sức lan tỏa nhất đối với nhân dân. Và ngược lại, khi cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, tha hóa về đạo đức, thì sẽ làm “tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.
Để làm tốt điều này, cán bộ, đảng viên cần có “tâm, tầm, tài”, mà Nghị quyết số 04-NQ/TW của BCHTƯ đã chỉ rõ: “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân”
Ba là, đổi mới về nhân sự làm công tác tuyên truyền: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cái gốc yếu, còi cọc, thậm chí bị sâu bọ đục khoét... thì cây không thể nào tươi tốt được. Hiện nay, do hạn chế, bất cập trong khâu tuyển chọn, bố trí cán bộ, nên ở rất nhiều nơi - đặc biệt là tuyến cơ sở - cán bộ làm công tác tuyên truyền còn rất yếu về lý luận, hạn chế về phương pháp cũng như kỹ năng tuyên truyền. Đổi mới nhân sự làm công tác tuyên truyền là nhân tố trung tâm để thực hiện đổi mới về nội dung và phương thức tuyên truyền.
Bốn là, “có thực mới vực được đạo”: Chúng ta không thể tuyên truyền cho người dân về nền tảng tư tưởng của Đảng, về các mục tiêu, quan điểm của Đảng... nếu như người dân “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nếu như người dân còn canh cánh chực chờ nỗi lo thiếu đói, thất nghiệp, vô gia cư...
Chính vì vậy, ở tầm vĩ mô phải chăm lo phát triển kinh tế-xã hội , ở tầm vi mô cần chăm lo, quan tâm đến đến đời sống của người dân từ lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, điều kiện học tập, đi lại...
Chỉ khi đời sống của người dân được ổn định cả về đời sống vật chất và tinh thần, thì các nền tảng tư tưởng của Đảng, về các mục tiêu, quan điểm của Đảng mới thực sự được ươm mầm.