Hoạt động nghiên cứu khoa học được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua, trong đó có các chương trình hợp tác với Australia. (Nguồn: Vietnamplus) |
Những năm gần đây, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Từ chính sách đúng đắn…
Quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ với điểm nhấn là việc chính thức thiết lập quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia vào ngày 8/11/2017 tại Sự kiện "Đối tác đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam" trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Riêng với Bộ Khoa học và Công nghệ, hợp tác giữa Cơ quan Khoa học quốc gia Australia và Bộ này chính thức được thiết lập năm 2018 với Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tháng 6/2023, mối quan hệ này tiếp tục được củng cố thông qua một Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam được ký kết trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Năm 2018, Chính phủ Australia đã hỗ trợ phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua Chương trình Aus4Innovation. Đây là chương trình của Chính phủ Australia nhằm hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực: Kinh tế số tương lai (bao gồm công nghệ chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo); nông nghiệp và thực phẩm; đổi mới sáng tạo; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu của cả Việt Nam và Australia, ứng phó rác thải nhựa đại dương.
Mới đây, Chương trình đã chính thức được kéo dài đến năm 2028, đưa cam kết của Chính phủ Australia lên 10 năm với tổng ngân sách hỗ trợ là 33,5 triệu AUD. Được thực hiện thông qua quan hệ đối tác ba bên giữa Bộ Ngoại giao và thương mại Australia, Cơ quan Khoa học quốc gia Australia cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sau 5 năm triển khai hoạt động ở 37 tỉnh, thành, Chương trình đã đạt được một số thành tựu. Chương trình đã đặt nền móng cho 82 quan hệ đối tác giữa các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ cao và các nhà hoạch định chính sách của hai nước, thành lập đội ngũ gần 900 giảng viên và chuyên gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, triển khai 12 giải pháp đổi mới sáng tạo, sử dụng các công nghệ cao để giải quyết các thách thức về kinh tế xã hội.
Đồng thời, Chương trình cũng đóng góp vào các chính sách quốc gia về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển các công cụ thiết thực để xây dựng các chính sách, tạo dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đánh giá về quá trình hợp tác lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước, Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski cho rằng, mặc dù Australia và Việt Nam đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau nhưng hai nước đều có chung mục tiêu đặt nền tảng cho tăng trưởng tương lai dựa trên khoa học và công nghệ, thúc đẩy tiềm năng hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo toàn cầu và khu vực. Quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước rất thực chất, hiệu quả; được xây dựng dựa trên sự tin tưởng ở mọi cấp độ cá nhân, tổ chức, Chính phủ và hướng tới sự bền vững.
Trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Australia tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có trao đổi tri thức và đổi mới sáng tạo.
Cùng chia sẻ tầm nhìn về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, tại Chiến lược Khoa học và đổi mới quốc gia năm 2016 của Australia, Việt Nam là một trong 17 quốc gia thuộc danh mục ưu tiên hợp tác trong bối cảnh Chính phủ Australia chú trọng đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa Australia và Việt Nam cũng đem đến cơ hội, tiềm năng cho hợp tác giữa các tổ chức của Australia và Việt Nam về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định: "Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia là một ví dụ của đổi mới và sáng tạo trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng sáng tạo, cùng đổi mới để đưa quan hệ đối tác này là một trong 3 trụ cột vững chắc và thành công nhất của hai quốc gia".
… đến những kết quả cụ thể
Từ tầm nhìn chung giữa hai nước, những kết quả cụ thể trong hợp tác lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia đã được nhìn thấy, đã mở ra những định hướng hợp tác trong tương lai.
Theo ông Jonathan Law, Giám đốc điều hành phụ trách tăng trưởng của Cơ quan Khoa học quốc gia Australia, sau 5 năm đồng hành thông qua Chương trình Aus4Innovation, một loạt công nghệ sáng tạo được hai quốc gia cùng phát triển. Có thể kể đến như: Dự án mắt thông minh; giải pháp đánh giá sức khỏe cây mía bằng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo; dự án đẩy mạnh năng suất nuôi hải sâm giá trị cao bằng công nghệ sinh học mới; dự án giải pháp hỗ trợ từ xa, sử dụng công nghệ thực tế tăng cường trong việc khám, chữa bệnh cho người bệnh ở nông thôn.
"Một trong những điều thú vị nhất là chúng ta có thể thấy được cụ thể người dân Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ các nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo này. Mỗi công nghệ đều có ứng dụng trực tiếp và thực sự quan trọng đối với tương lai phát triển của Việt Nam", ông Jonathan Law khẳng định.
Cho rằng, việc kết nối cung cầu, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là công việc không dễ dàng, ông Jonathan Law khuyến nghị, việc này cần đảm bảo nằm trong khuôn khổ pháp luật phù hợp. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ. Quan trọng là, phải tính tới các kết quả của nghiên cứu khoa học ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu nhằm đưa ra mục tiêu cuối cùng: Phát triển được các sản phẩm này trên thị trường và thực tế.
Chia sẻ kế hoạch cụ thể trong quá trình hợp tác tiếp theo giữa hai Chính phủ, ông Jonathan Law, cho biết, bên cạnh lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giai đoạn 5 năm tiếp theo của Chương trình Aus4Innovation sẽ tập trung mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như: Nông nghiệp và lương thực bền vững; hoạt động phục vụ cho kỷ nguyên số bao gồm trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.
Cơ quan Khoa học quốc gia Australia cũng tiếp tục đóng vai trò cầu nối trong việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và kết nối khu vực tư nhân Australia và Việt Nam.