Ảnh minh họa. (nguồn: NHS) |
Trong xu hướng toàn cầu hóa, khi mà thế giới ngày càng phẳng, công nghệ ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Việt cần luôn sáng tạo và đổi mới để theo kịp đà phát triển của thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhìn nhận đổi mới là chiến lược, động lực, và mục tiêu quan trọng trong sự phát triển.
Những công nghệ đột phá, những mong đợi ngày càng phức tạp của khách hàng và thị trường toàn cầu hóa đã khiến các doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh nhạy, nhận dạng và nắm bắt cơ hội mới nhanh hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đang khá vất vả để có thể nắm bắt được tất cả những khía cạnh quan trọng của đổi mới hoặc hiểu rõ cách thức nào có thể theo đuổi được mục tiêu vô hình này trong các hoạt động của mình.
Nghiên cứu theo quý gần đây của MacKinsey cho thấy, đổi mới rất phức tạp vì quy mô triển khai của đổi mới luôn phải là toàn doanh nghiệp. Và nhiều doanh nghiệp cảm thấy mục tiêu này không dễ để thực hiện.
Phóng viên TG&VN đã có các cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Bros; ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược mỹ phẩm CVI và bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Giám đốc điều hành Dale Carnegie Vietnam về chủ đề nói trên.
“Cạnh tranh tốt nhất là bằng cách đổi mới sáng tạo liên tục”
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Bros cho rằng, internet như mạch máu và công nghệ số là công cụ sắc bén không thể thiếu trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Chia sẻ về đổi mới toàn diện doanh nghiệp, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Bros cho biết, công ty ông không áp dụng chính xác một mô hình đổi mới nào. “Chúng tôi có khẩu hiệu: "Cạnh tranh tốt nhất là bằng cách đổi mới sáng tạo liên tục", ông Vinh chia sẻ.
Do đặc thù của lĩnh vực hoạt động kinh doanh, từ lâu Lê Bros đã đề cao tính trải nghiệm và hướng vào khách hàng. “Chúng tôi xây dựng hoạt động của mình dựa trên việc chủ động tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thiết kế các sản phẩm, dịch vụ của mình để giải quyết các nhu cầu về truyền thông marketing. Ngay cả nội dung các tạp chí và công cụ kỹ thuật số của chúng tôi được xây dựng cũng là nhằm tới nhu cầu của khách hàng”, ông Vinh nói.
“Nói về cá nhân hóa chính là nói đến chiến lược chia nhỏ thị trường để xây dựng các kế hoạch truyền thông thương hiệu. Chúng tôi cũng đã áp dụng chiến lược này bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như mạng xã hội, ứng dụng di động và các công cụ trực tuyến khác”.
Về trải nghiệm đổi mới trong công ty, Lê Bros cũng đang hướng tới môi trường làm việc thân thiện. Trước hết là ở quan hệ con người với con người rồi mới đến môi trường vật lý. Văn hóa học hỏi liên tục là đương nhiên. “Lập các khóa đào tạo chuyên biệt và khuyến khích anh em học hành từ trải nghiệm thực tế cũng được quan tâm”, ông Vinh chia sẻ.
Đặc thù của Lê Bros là linh hoạt trong thời gian và địa điểm làm việc. Hầu như các nhân viên có thể làm việc ở bất cứ đâu. Quán cà phê hay ở nhà. Nhất là khi có các công nghệ họp hành giao tiếp trên mạng và Facebook thì không gian không còn quan trọng nữa. “Chúng tôi cũng coi việc làm trái giờ là bình thường, tuy nhiên không thể tuyệt đối tự do giờ giấc, vì hoạt động của mỗi người đều có thể liên quan, ảnh hưởng đến nguời khác”.
Hiện nay, internet như mạch máu và công nghệ số là công cụ sắc bén không thể thiếu trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp. “Ai biết sử dụng hiệu quả hai yếu tố này thì cơ hội thành công sẽ cao hơn”, ông Vinh nhấn mạnh.
“Khách hàng không mua sản phẩm mà mua giá trị và sự trải nghiệm sản phẩm”
Đó là quan điểm của ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Mỹ phẩm CVI khi được hỏi về tầm quan trọng của sự đổi mới. Tại CVI, tuy còn non trẻ nhưng những đổi mới đã được áp dụng khá triệt để.
Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Mỹ phẩm CVI trả lời phỏng vấn báo giới. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Ông Hiệu quan niệm, khách hàng không mua sản phẩm mà mua giá trị và sự trải nghiệm sản phẩm. “Sản phẩm chỉ bán được khi đáp ứng nhu cầu của khách hàng và doanh nghiệp chỉ tồn tại, phát triển khi thấu hiểu được trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm và dịch vụ của mình. Do vậy, đổi mới mang tính trải nghiệm của khách hàng là yếu tố quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp”.
Về cá nhân hóa thông qua công nghệ, ông Hiệu cho rằng, điều này chính là để ngày càng thấu hiểu khách hàng hơn. Nhu cầu của khách hàng là đa dạng và ngày càng mang tính cá nhân hoá, mỗi khách hàng sẽ có nhu cầu, có "gu" khác nhau về sản phẩm. Những cảm nhận, trải nghiệm của họ về sản phẩm, dịch vụ cũng không hoàn toàn giống nhau.
Chính vì vậy, nhu cầu quản lý khách hàng thông qua các công cụ mang tính công nghệ như áp dụng các phần mềm CRM (Customer relationship mannagement) giúp cá nhân hoá và quản lý thông tin khách hàng về nhu cầu sở thích, thói quen tiêu dùng, lịch sử sử dụng sản phẩm, các phản hồi, các hoạt động marketing hay tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp với khách hàng ngày càng trở lên quan trọng.
Chủ tịch HĐQT CVI đặc biệt nhất mạnh đến vai trò của công nghệ trong phát triển đổi mới doanh nghiệp. “Đây không chỉ là hệ thống dữ liệu về khách hàng và thị trường mà còn là công cụ để quản lý và tương tác, thấu hiểu và tối ưu nhu cầu của khách hàng với các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp”.
Ông cũng đánh giá cao việc sử dụng đại sứ thương hiệu. Lựa chọn đại sứ thương hiệu có hình tượng gần với “style” của nhóm khách hàng mục tiêu là vô cùng quan trọng, giúp nhãn hàng dễ định vị hơn với nhóm khách hàng tiềm năng. Áp dụng vào thực tế, sản phẩm Cumargold của CVI đã lựa chọn diễn viên Chi Bảo làm đại sứ thương hiệu. “Chi Bảo giúp truyền tải thông điệp: Cumargold giúp người đàn ông thành đạt vượt qua áp lực, hết đau dạ dày, tận hưởng cuộc sống”.
Ông Hiệu cũng cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là gắn hoạt động của doanh nghiệp với việc tạo ra giá trị thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Tìm hiểu và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, đồng thời kết nối nhu cầu của khách hàng với chuỗi giá trị các sản phẩm của công ty mang lại là trung tâm cho mọi hoạt động của công ty.
Doanh nghiệp cần đổi mới theo hướng nào?
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam. (Ảnh: H.N) |
Trả lời câu hỏi này, tại hội thảo “Báo cáo xu hướng chiến lược toàn cầu 2016 - Đổi mới mang tính trải nghiệm 3+3”, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dale Carnegie Việt Nam cho biết, tổ chức Dale Carnegie đã tiến hành 60 cuộc phỏng vấn chuyên sâu, khảo sát hơn 500 lãnh đạo, quản lý cấp cao của hơn 12 quốc gia tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Theo đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi được hỏi về những rào cản và thách thức từ bên ngoài tác động vào doanh nghiệp đã cho rằng “Áp lực về giá” là quan trọng trọng nhất (35%); tiếp đến là các Quy định của Chính phủ (32%); Cạnh tranh (29%); Nhu cầu của khách hàng (27%) và Chi phí nguyên vật liệu là (26%).
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng chỉ ra những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp phải xử lý nội bộ là: Phát triển năng lực lãnh đạo (35%); Xây dựng tinh thần cho nhân viên (33%); Cân bằng công việc và cuộc sống (29%); Thu hút nhân tài (27%); Giữ chân nhân tài (26%).
Thông qua kết quả nghiên cứu này, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh chia sẻ, đổi mới chính là chiến lược, đổi mới chính là chìa khóa thành công của doanh nghiệp. “Sự đổi mới không chỉ ở sản phẩm, đặc tính hay quy trình mà là sự đổi mới mang tính trải nghiệm”, bà Linh nói. Đó là sự hoàn thiện, cải tiến sáng tạo của tất cả mọi người, cả trong và ngoài doanh nghiệp, được tích hợp tại mọi cấp độ của tổ chức.
Vì vậy, Dale Carnegie đã chia sẻ mô hình “Đổi mới mang tính Trải nghiệm 3 + 3”. Mô hình này được tiếp cận theo hai hướng chính: Ngoài thị trường và Trong công ty, phân bổ trong sáu lĩnh vực quan trọng.
Đổi mới Ngoài thị trường là hướng đến khách hàng. Hướng này chú trọng vào việc củng cố sâu sắc mối quan hệ với khách hàng thông qua ba lĩnh vực: Chủ động tìm hiểu nhu cầu khách hàng; Cá nhân hóa thông qua Công nghệ và Phát triển Đại sứ Thương hiệu có Năng lực nổi trội.
Đổi mới Trong công ty là đổi mới môi trường làm việc, đổi mới nội bộ. Hướng này tập trung vào ba lĩnh vực để làm thế nào: Biến công ty thành nơi làm việc lý tưởng; Xây dựng Văn hóa liên tục học hỏi; Linh động trong thời gian và địa điểm làm việc.
Nghiên cứu này của Dale Carnegie cho thấy, cách tiếp cận một chiều dành cho đổi mới đã thực sự lỗi thời và không có tác dụng và những công ty thành công trong tương lai là những công ty biết kết hợp những quan điểm và viễn cảnh mới quan trọng cho tất cả các cấp độ trong công ty, thông qua các chiến lược, chính sách, cách tiếp cận giúp đẩy nhanh sự đổi mới về môi trường, con người và sản phẩm. Thông qua việc đáp ứng hiệu quả và nhanh chóng hơn các nhu cầu và mong đợi của từng cá nhân, các công ty có thể tạo ra sự hợp tác chặt chẽ cả với khách hàng và nhân viên, tạo điều kiện cho sự đổi mới cần thiết cho sự phát triển xảy ra.