📞

Đối ngoại 2018: Một sức hút mang tên Việt Nam

17:38 | 15/01/2019
Trong môi trường đối ngoại năm qua có nhiều diễn biến bất thường, Việt Nam vẫn tiếp tục nâng cấp quan hệ với một số nước, đẩy mạnh đối ngoại đa phương và đặc biệt đã thu hút được nhiều nước tới dự các diễn đàn tổ chức tại Việt Nam. Đây là một điều không dễ làm trong bối cảnh phức tạp của năm vừa qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh như vậy khi đánh giá về đối ngoại Việt Nam 2018 và nêu những định hướng đối ngoại trong năm 2019 khi trả lời báo chí sáng 15/1 tại Hà Nội. Báo TG&VN xin giới thiệu một số nội dung nổi bật. 

Xin Phó Thủ tướng đánh giá chung về công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018?

Tình hình thế giới trong năm qua diễn biến bất thường, nhưng xu hướng chung vẫn là hòa bình, ổn định. Có những diễn biến không như chúng ta dự đoán, như chiều hướng một số nước quay lại chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề dân túy… Điều này khiến nhiều nước cảm nhận được sự bất ổn, điều chỉnh không kịp dẫn đến nhiều hệ lụy trong quan hệ quốc tế. Quan hệ giữa một số nước trên thế giới, dù là đồng minh của nhau nhưng cũng có những diễn biến khác thường.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí sáng 15/1. (ảnh: Nguyễn Hồng)

Xu thế những năm qua cũng cho thấy các cơ chế đa phương vẫn tiếp tục phát triển, tinh thần tôn trọng các cam kết quốc tế ký kết dựa trên luật pháp quốc tế tiếp tục được tôn vinh. Một số trào lưu muốn rũ bỏ các cam kết đã có hay nhìn nhận lại các cơ chế đa phương, nhưng dù vậy, Việt Nam và đông đảo quốc gia khác vẫn đang phát triển dựa trên các cơ chế đa phương, định chế sẵn có này. Chưa kể đến những vấn đề tranh chấp, xung đột tiếp tục diễn ra.

Trong bối cảnh đó, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta vẫn được triển khai đầy đủ trên mọi phương diện. Chúng ta tiếp tục mở rộng các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao. Trên thực tế, năm nào cũng có các hoạt động của lãnh đạo nước Việt Nam ra nước ngoài, nhưng trong năm 2018, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có những chuyến thăm đến các nước quan trọng. Đặc biệt, việc các nước mong muốn được đón tiếp Lãnh đạo Việt Nam đã nói lên vai trò, vị thế của đất nước ta, đồng thời một lần nữa khẳng định những hoạt động này là hiệu quả và hết sức cần thiết.

Về số lượng lãnh đạo, nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam, dù họ đến từ các khu vực đang tồn tại nhiều vấn đề nóng bỏng của thế giới và ngay trong nội bộ nước họ cũng còn nhiều việc phải giải quyết, nhưng họ vẫn dành các chuyến thăm tới Việt Nam. Điều này là rất có ý nghĩa bởi nó cho thấy, mặc dù có khó khăn đến từ nhiều phía, nhưng các hoạt động đối ngoại và nhất là các chuyến thăm quan trọng vẫn diễn ra và mang lại những kết quả thiết thực. Việt Nam đang tiếp tục mở rộng và nâng cấp quan hệ với một số nước. Đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh phức tạp của năm vừa qua.

Một dấu ấn hết sức quan trọng là việc Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động đa phương: Chúng ta đã tổ chức thành công các diễn đa phương quan trọng. Việc tổ chức các diễn đàn này có thể vẫn là hoạt động thường niên nhưng nó được diễn ra tại Việt Nam, trong đó chúng ta đã đóng vai trò dẫn dắt, đặt ra những vấn đề trúng với mối quan tâm chung của các nước.

Về địa điểm tổ chức các diễn đàn đa phương, trên thế giới hàng năm có rất nhiều diễn đàn và có nhiều lựa chọn về địa điểm tổ chức, tuy nhiên, các nước đã lựa chọn Việt Nam và chúng ta cũng đã thu hút được sự tham gia của lãnh đạo cấp cao nhiều nước, cũng như đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Những nội dung mà Việt Nam dẫn dắt đã thể hiện được sự quan tâm chung nhưng vẫn đáp ứng được mục đích, lợi ích của chúng ta.

Trong năm 2018, chúng ta đã có rất nhiều hoạt động và đạt được những thành công đáng kể trong hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Để khái quát, tôi chỉ xin trích lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, trong đó khẳng định hoạt động đối ngoại là một điểm sáng trong thành công chung của Việt Nam trong năm 2018.

 WEF ASEAN 2018 là sự kiện đối ngoại đa phương lớn tổ chức tại Việt Nam. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Về bảo hộ công dân, năm qua, công tác này đã được triển khai như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Công tác bảo hộ công dân là một nhiệm vụ quan trọng của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, quan hệ ngày càng rộng mở, nhu cầu đi lại giao thương, du lịch ở nước ngoài của người dân ngày tăng thì công tác bảo hộ công dân càng có vai trò quan trọng. Trong năm 2018, theo số liệu thống kê, số lượng các trường hợp bảo hộ công dân tăng 22% so với năm 2017, trên 10.000 người được bảo hộ công dân dưới nhiều hình thức, từ những thuyền viên, cho đến người lao động, đi du lịch, học tập… ở nước ngoài.

Đơn cử là ngay trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, một đoàn khách du lịch Việt Nam đã tình cờ trở thành nạn nhân của vụ đánh bom khủng bố tại Ai Cập. Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã chủ động, tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân ngay khi vụ việc xảy ra; Một ví dụ khác là vụ việc đoàn khách du lịch Việt Nam sang Đài Loan rồi bỏ trốn. Đây là hành vi chúng ta cực lực phản đối vì nó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước.

Với bất cứ tình huống nào xảy ra, công tác bảo hộ công dân của chúng ta đã được triển khai hết sức tích cực, đảm bảo người dân chúng ta đi ra bên ngoài, trước tiên là tôn trọng luật pháp sở tại, thứ hai là luôn luôn được bảo vệ, được đối xử một cách nhân đạo. Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai tổng đài Bảo hộ công dân, trực 24/24h, để xử lý các thông tin, đảm bảo làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. 

Trên nền tảng thành công đã đạt được, Phó Thủ tướng có thể chia sẻ những định hướng đối ngoại Việt Nam trong năm 2019?

Năm 2019, chúng ta sẽ triển khai các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước đến một số nước có vai trò, vị thế quan trọng. Năm 2018, trong 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước thì có khoảng 13 chuyến thăm tới châu Âu. Năm nay, chúng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ với một số nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước ít có các chuyến thăm khác.

Tôi được biết, trong năm 2019 sẽ có rất nhiều đoàn tới thăm Việt Nam. Cho tới thời điểm này, nhiều nước đã đề xuất thăm Việt Nam - số lượng cao hơn năm 2018 là khoảng 33 đoàn. Điều đó cho thấy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước sẽ tiếp tục được củng cố.

Năm 2019 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện ở chỗ đi sâu, tích cực chủ động để tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương. Muốn vươn lên, chúng ta cần đưa ra được những sáng kiến, đề xuất tại các diễn đàn đa phương. Đây không phải là điều dễ dàng bởi những sáng kiến này cần đáp ứng được mong đợi chung, quan tâm chung của các nước và phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Năm 2018, chúng ta đã có một số sáng kiến ở các diễn đàn đa phương, cho đến nay, đã tạo được sức thu hút rất lớn, ví dụ như diễn đàn liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó chúng ta tiếp tục các mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, bảo hộ công dân và ngoại giao văn hóa…

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!