📞

Đối ngoại Đảng - cơ sở chính trị cho quan hệ của Việt Nam với các nước

07:52 | 30/10/2014
Trả lời phỏng vấn TG&VN nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương (1/11/1949-1/11/2014), ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho biết, trong suốt 65 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đối ngoại nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung.
Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, tháng 12/2013.

Ông có thể giới thiệu đôi nét về quá trình phát triển cũng như thành tựu nổi bật của Ban Đối ngoại Trung ương trong 65 năm qua?

Lịch sử 65 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương được chính thức bắt đầu từ ngày 1/11/1949, với sự ra đời của Phòng Lào - Miên Trung ương – cơ quan chuyên trách đối ngoại đầu tiên của Trung ương Đảng, tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương sau này. Cùng với tiến trình của cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại Đảng không ngừng phát triển, từ Phòng Lào - Miên Trung ương (1949) đến Ban Lào - Miên Trung ương (năm 1955) đến Ban Biên chính Trung ương (1957), đến Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng (1958), đến Ban Công tác Đối ngoại Trung ương (1960) và Ban Đối ngoại Trung ương ngày nay.

Suốt 65 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương đã nối tiếp nhau, nỗ lực cống hiến và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đối ngoại nói riêng và sự nghiệp cách mạng nói chung của Đảng và nhân dân ta.

Những ngày đầu mới thành lập, trong điều kiện rất khó khăn, công tác đối ngoại Đảng đã góp phần hết sức quan trọng vào việc hoạch định đường lối, chiến lược, sách lược về đối ngoại, xây dựng, củng cố liên minh kháng chiến Việt – Lào - Campuchia, tăng cường quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN, các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả hình thành mặt trận vô cùng rộng rãi của nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, đóng góp xứng đáng cho thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Trong giai đoạn tái thiết đất nước, đối ngoại Đảng đã góp phần quan trọng vào việc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, bảo vệ chủ quyền đất nước, xóa bỏ chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch.

Trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại Đảng tích cực tham gia xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tăng cường và mở rộng quan hệ với các chính đảng làm cơ sở chính trị cho quan hệ của nước ta với các nước; góp phần thiết thực vào việc củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; mở rộng quan hệ với các nước khác trên thế giới, vận động các lực lượng trên thế giới ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam; tham gia xử lý có hiệu quả nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ với các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với hơn 200 đảng ở 114 nước trên thế giới. Đồng thời, thực hiện chức năng, nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Đối ngoại Trung ương đã nỗ lực chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng xã hội hữu nghị lâu bền cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Ông cho biết thêm về vai trò của hoạt động đối ngoại Đảng trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chủ động, tích cực hội nhập quốc tế?

Thực tiễn lịch sử 65 năm qua cho thấy đối ngoại Đảng có vị trí đặc biệt và vai trò hết sức quan trọng trong công tác đối ngoại và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong bối cảnh đất nước đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đối ngoại Đảng càng có vai trò quan trọng.

Trước hết, đó là vai trò nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, dự báo chiến lược, phối hợp tham mưu cho Trung ương về các vấn đề đối ngoại để góp phần xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa đối nội và đối ngoại, giữa các vấn đề trước mắt và cơ bản, lâu dài... nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay.

Đồng thời, đối ngoại Đảng có vai trò là cơ sở chính trị trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Đối với các nước có chế độ chính trị tương đồng, đối ngoại Đảng có vai trò định hướng cho quan hệ song phương; là kênh đặc biệt góp phần xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ. Đối với các nước khác, đối ngoại Đảng có tác dụng tạo nền tảng chính trị, hỗ trợ cho quan hệ nhà nước, đối ngoại nhân dân; quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng các nước tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ song phương, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác. Thực tiễn thời gian qua cho thấy mặc dù có sự khác biệt về ý thức hệ nhưng hầu hết các chính đảng các nước đều rất coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hoạt động đối ngoại Đảng, cả song phương và đa phương, là kênh quan trọng để góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ cả các chính đảng, của các lực lượng trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; mặt khác, thông qua hoạt động đối ngoại Đảng, ta tham khảo, học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, nâng cao hiểu biết quốc tế và trình độ mọi mặt cho cán bộ lãnh đạo các cấp, góp phần thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Với chức năng chỉ đạo, hướng dẫn công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại Đảng đã và đang có vai trò rất quan trong trong việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới đối với Việt Nam.

Theo ông, đâu là những thách thức của công tác đối ngoại Đảng hiện nay và giải pháp vượt qua những thách thức đó?

Đúng là bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hoạt động đối ngoại Đảng vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tôi cho rằng có hai loại thách thức lớn:

Thứ nhất là diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, đặc biệt là an ninh, chính trị, theo đó là tình hình chính trị ở các nước diễn ra mau lẹ, khó lường, quan hệ giữa các chính đảng phức tạp và không ít biến thái mới.

Thứ hai là những hạn chế, thách thức nội tại mà chúng ta cần tập trung khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trong đó gồm cả các nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ rõ.

Công tác đối ngoại Đảng trong thời gian tới cần tập trung để nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tình hình, nghiên cứu, dự báo và tham mưu kịp thời, nâng cao chất lượng thẩm định các vấn đề đối ngoại; chủ động thúc đẩy và tăng cường chiều sâu trong quan hệ với các chính đảng, thực hiện đột phá là tăng cường quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng có tương lai chính trị, tích cực tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương chính đảng, tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin đối ngoại, công tác chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân và hướng dẫn công tác đối ngoại của các cấp ủy; chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.

Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân? Cần làm gì để việc phối hợp đạt kết quả cao nhất?

Những năm qua, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng, ngày càng chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại.

Có thể nói đây là sự phối hợp rất quan trọng của ba lĩnh vực có quan hệ rất chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đối ngoại. Đối ngoại Đảng là cơ sở chính trị, đối ngoại nhân dân là nền tảng xã hội hữu nghị, ngoại giao Nhà nước là hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực. Vấn đề quan trọng là sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm và chia sẻ trên các lĩnh vực: phối hợp trong đánh giá tình hình và đề xuất chủ trương; phối hợp trong tổ chức hoạt động đối ngoại; phối hợp trong quản lý các hoạt động đối ngoại; phối hợp trong xử lý tình huống và phối hợp trong đào tạo cán bộ. Có thể gọi tắt là “năm phối hợp”.

Khôi Nguyên (thực hiện)