Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và Cục trưởng Cục Ngoại vụ Phùng Thế Long. |
Khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện thì vấn đề đối ngoại ngày càng phức tạp không chỉ liên quan đến tầm vĩ mô mà ngày càng thâm nhập các lĩnh vực cũng như địa phương khác nhau. Nhận thức rõ nhiệm vụ của mình, hầu hết địa phương trong năm 2014 đã xây dựng và thực hiện Chương trình hành động nhằm chủ động thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trên tất cả lĩnh vực như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, công tác người Việt ở nước ngoài... - ông Phùng Thế Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ trong báo cáo về ngoại vụ địa phương đã khái quát hoạt động và thành tựu đối ngoại địa phương năm qua.
Ngoại giao kinh tế là quan tâm hàng đầu
Kinh nghiệm về hợp tác kinh tế quốc tế được nêu lên khá đậm trong nhiều báo cáo. Năm 2014, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế, đưa nội dung hội nhập kinh tế quốc tế vào kế hoạch hoạt động đối ngoại năm và triển khai toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Năm qua, Hải Phòng cũng tăng cường ngoại giao kinh tế nhằm thu hút FDI và ODA, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Thành phố cảng không ngừng đa dạng hóa các chủ thể đối ngoại, hướng đến các địa phương, tập đoàn đa quốc gia của các nước. Hải Phòng đã thành lập các Tổ công tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Cổng thông tin điện tử thành phố có năm ngôn ngữ, phát các bản tin truyền hình bằng tiếng nước ngoài.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhiều địa phương than phiền sự thiếu thông tin, đặc biệt là về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã hoặc đang chuẩn bị ký kết. Ngoài ra, khi hoạt động đầu tư, thương mại ngày càng nhiều thì tranh chấp kinh tế ngày càng trở nên phổ biến. Đã xuất hiện một số vụ kiện của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ Việt Nam khi việc giải quyết ở địa phương kéo dài. Đại diện Vụ Luật pháp quốc tế cho rằng nếu cán bộ đối ngoại địa phương hiểu vấn đề luật pháp tốt thì sẽ giúp cho việc kiện cáo bớt phức tạp và giảm tốn kém nếu được giải quyết sớm.
Vấn đề bảo hộ công dân và quản lý lao động
Vấn đề bảo hộ công dân đối với ngư dân là công tác phức tạp nhưng có ý nghĩa lớn bởi thực hiện tốt sẽ động viên ngư dân vươn khơi, bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu cá vi phạm vùng biển chủ quyền nước ngoài nhiều hơn, vi phạm quy định về phương tiện đánh bắt cá khiến một số nước phản ứng. Trước thực tế đó, Cục Lãnh sự đề nghị các địa phương vận động, tuyên truyền bà con tìm hiểu và chấp hành pháp luật, ngăn chặn, giảm thiểu tàu thuyền ngư dân ta vi phạm vùng biển chủ quyền nước ngoài.
Ví dụ, trong năm 2014, 16 tàu cá với khoảng 150 ngư dân của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vi phạm vùng biển Indonesia. Tỉnh và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã phối hợp chặt chẽ và giúp nhiều ngư dân được thả và mua vé về nước. Tuy nhiên, còn năm tài công bị Indonesia xử tù và thụ án cùng nhau. Cục Lãnh sự đã có ý kiến chỉ đạo Đại sứ quán đưa công dân về nước trước Tết sau khi chủ tàu và gia đình hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Một vấn đề mới là số lượng người lao động tự do vượt biên làm việc trái phép cũng như di cư bất hợp pháp không ngừng tăng ở các tỉnh giáp biên. Ở phía Bắc, tỉnh Hà Giang báo cáo, lượng người lao động tự do của tỉnh này sang Trung Quốc có xu hướng tăng, năm 2011 là 6.170 lượt đến năm 2014 là 20.000 lượt. Để khắc phục, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; đồng thời đẩy mạnh lồng ghép chương trình, đề án giải quyết việc làm, đào tạo nghề, gắn với dạy nghề...
Theo chiều ngược lại, ở biên giới Tây Nam, tình trạng một số nhóm người Campuchia vượt biên sang tỉnh Tiền Giang tụ tập sống lang thang, xin tiền tại một số điểm giao thông gây mất trật tư an ninh. Năm 2013, Tỉnh đã chuyển về Campuchia là 74 người và năm 2014 là 57 trường hợp. Về vấn đề này, Ủy ban biên giới đề nghị Tiền Giang thực hiện tốt quy chế quản lý biên giới theo thỏa thuận giữa hai nước.
Mở rộng hợp tác, kết nghĩa
Năm qua, các địa phương đã chủ động trong việc mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế cũng như địa phương nhiều nước. Cụ thể, hiện Hà Nội có quan hệ hữu nghị hợp tác với gần 100 thủ đô - thành phố, là thành viên của Mạng lưới các thành phố, Hội nghị thị trưởng các nước ASEM, ASEAN, các nước nói tiếng Pháp. Đà Nẵng cũng có quan hệ với 36 tỉnh, thành ở 16 quốc gia.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam thì việc hợp tác quốc tế trở nên vô cùng quan trọng, trong đó công tác tham mưu cho lãnh đạo Thành phố về đi công tác ngoài nước đã được Sở Ngoại vụ thực hiện tốt. Năm qua, Thành phố đã cử 24 đoàn ra nước ngoài với nhiệm vụ và con người cụ thể. Quy định mỗi cán bộ không được đi quá hai lần trong năm cũng góp phần thực hiện tiết kiệm cho ngân sách Thành phố.
Nguyên Bảo - Phạm Hằng