📞

Đối ngoại nhân dân 2023: Phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

TRỌNG VŨ 08:00 | 24/01/2023
Chia sẻ với TG&VN về trọng tâm công tác trong năm 2023, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga cho biết toàn hệ thống VUFO sẽ bắt tay xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể, bám sát chủ đề “Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga cùng bạn bè quốc tế tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam tại Đại hội Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ 22. (Nguồn: VUFO)

Nhìn lại hoạt động sau một năm đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, VUFO đã đạt được những thành quả quan trọng gì trong năm 2022?

Năm 2022, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ tới Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động đối ngoại nhân dân.

Tuy nhiên, năm qua cũng gắn với nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng làm tiền đề giúp chúng tôi có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả:

Thứ nhất, VUFO đã nỗ lực củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, bạn bè và đối tác quốc tế trên mặt trận đối ngoại nhân dân song phương và đa phương. Các hoạt động đối ngoại nhân dân được triển khai với hình thức và nội dung đa dạng theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bảo đảm kế hoạch và yêu cầu đề ra.

Triển khai trọng tâm đối với năm 2022 là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, chúng tôi đã tham gia và trực tiếp chủ trì nhiều hoạt động nổi bật như: các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Việt Nam-Hàn Quốc; Thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Áo, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal; Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Lào lần thứ V; Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia; tham gia tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore, Campuchia; Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz thăm Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội Mozambique thăm Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia Nguyễn Thị Thanh thăm Campuchia....

VUFO và các tổ chức thành viên đã thực hiện khoảng 470 hoạt động đối ngoại nhân dân với nhiều hình thức, quy mô đa dạng. Nhiều hoạt động đã có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ.

Chúng tôi tiếp tục tham gia và tích cực triển khai hoạt động tại nhiều diễn đàn như: Diễn đàn đối tác ECOSOC năm 2022; Diễn đàn Chính trị Á-Âu (AEPF); Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF); tổ chức Đại hội Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ 22 tại Việt Nam; Liên hiệp đã tích cực thông tin về thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và phát huy quyền con người, vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025…

Thứ hai, VUFO đã thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ và đầu mối xử lý cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi Giấy đăng ký các loại cho 436 tổ chức PCPNN đang có hoạt động thường xuyên. Giá trị giải ngân nguồn viện trợ PCPNN cho Việt Nam sáu tháng đầu năm 2022 đạt hơn 108,8 triệu USD, dự kiến đạt trên 200 triệu trong cả năm 2022.

Thứ ba, công tác thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, hiệu quả trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, bám sát chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chức năng, tạo thành các đợt tuyên truyền mạnh mẽ, thống nhất và rộng rãi về các hoạt động đối ngoại lớn của đất nước và các hoạt động của VUFO.

Đại biểu tham dự Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia. (Nguồn: VUFO)

VUFO cùng Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ 22 tại Việt Nam. Bà có đánh giá gì về sự kiện lần đầu được tổ chức tại Việt Nam?

Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên thế giới; tạo dấu mốc mới trong lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển của Hội đồng.

Thành công của Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới thể hiện thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm, nỗ lực tăng cường đoàn kết, tăng cường tập hợp các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới để bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, công lý, dân chủ, công bằng xã hội và phát triển bền vững, chống lại chiến tranh, áp bức, bóc lột, bất công, có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ chiến tranh, các thách thức an ninh phi truyền thống và cả những vấn đề rất nghiêm trọng như suy thoái môi trường.

Có thể thấy, Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới và Hội nghị Hòa bình Hà Nội đã tạo nên một bức tranh rất mới về các hoạt động của Hội đồng. Các cuộc trao đổi, tiếp xúc đều diễn ra trong không khí chân thành, cởi mở, tích cực.

Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò nước chủ nhà, mang đến cho các đại biểu quốc tế hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình; một Việt Nam thủy chung, son sắt, một Việt Nam với đoàn kết quốc tế cao cả.

Thành công của Đại hội thể hiện Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tri ân, luôn ghi nhớ tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với đất nước và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và phong trào hòa bình thế giới.

Đại hội đã qua đi nhưng vang vọng trong trái tim chúng ta là khẩu hiệu mà các đại biểu đã hô vang “Việt Nam, tên anh, tên tôi, tên chúng ta”, là tình cảm ngưỡng mộ của các đại biểu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng như dân tộc Việt Nam anh hùng.

Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga.

Bước sang năm 2023, bà nhận định đâu là những khó khăn và thuận lợi cho công tác đối ngoại nhân dân?

Năm 2023 được dự đoán là một năm tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp về tình hình quốc tế và khu vực. Tác động của dịch bệnh Covid-19 và những biến động địa chính trị, suy thoái kinh tế, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine, diễn biến tình hình các điểm nóng ở khu vực, trong đó có Biển Đông… sẽ có những tác động nhất định tới công tác đối ngoại nhân dân nói riêng và hoạt động của VUFO nói riêng.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại ngoại nhân dân của Việt Nam đang có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện hơn.

Trước tiên, phải thấy rằng Đảng, Nhà nước ta đang ngày càng quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân, có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao về công tác và tạo điều kiện nhất định để chúng tôi phát huy mạnh mẽ trên mọi mặt.

Thứ hai, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Đảng, Nhà nước ta xác định công tác đối ngoại nhân dân hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Vì vậy, lực lượng làm công tác đối ngoại hiện nay rất phong phú, đa dạng từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương, cho đến những nhà doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, người dân… đều tham gia mặt trận này.

Một thuận lợi nữa rất quan trọng để chúng tôi làm tốt công tác trong năm tới là hiện chúng ta có một lực lượng rất lớn bạn bè, đối tác quốc tế tích cực tham gia vào công tác này trên cơ sở tình yêu, tình đoàn kết và hợp tác với Việt Nam.

Vậy đâu là mục tiêu hoạt động trọng tâm của VUFO trong Năm mới, thưa bà?

Trong năm 2023, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi cạnh tranh chiến lược và xung đột.

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, VUFO sẽ tiếp tục triển khai công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 theo hướng chủ động và hiệu quả, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Chúng tôi sẽ bắt tay xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể bám sát chủ đề của năm 2023 “Đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” để góp phần có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

(thực hiện)