📞

Đối tác của Apple không muốn chuyển cơ sở sang Mỹ

16:55 | 30/12/2016
Trong khi Foxconn – một trong những đối tác sản xuất của Apple hào hứng với việc chuyển một phần hoạt động tại Trung Quốc về xứ cờ hoa thì những nhà sản xuất khác trong chuỗi cung ứng sản phẩm của Apple lại không mấy mặn mà.

Theo trang tin điện tử QQ (Trung Quốc), phần lớn các hãng đều lo ngại giá nhân công và chi phí vận hành tại Mỹ sẽ đắt đỏ. Đơn cử, Lens Technology, một nhà cung cấp kính phủ được dùng trên iPhone tuyên bố hãng này sẽ không xây dựng dây chuyền sản xuất tại Mỹ. Bất chấp việc giá đất và năng lượng tại Mỹ thấp hơn nhưng nguồn lao động giá rẻ dồi dào tại Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến Lens Technology quyết tâm không thay đổi quyết định.

Lens Technology hiện đang sử dụng tới 70.000 công nhân Trung Quốc, tất cả đều đang ở độ tuổi dưới 45. Trong khi đó, tại Mỹ, phần lớn lao động làm công việc lắp ráp đều trên 45 tuổi.

Một công ty giấu tên khác thuộc chuỗi cung ứng của Apple tại Thâm Quyến cũng từ chối mở rộng hoạt động tại Mỹ vì đã có một chuỗi cung ứng ứng hoàn chỉnh tại Trung Quốc giúp công ty có thể xử lý được các vấn đề cũng như thay đổi phát sinh một cách nhanh chóng. Ví dụ, với các đơn đặt hàng về chi tiết kim loại đúc khuôn, nếu sản xuất tại Trung Quốc chỉ mất 10 ngày, trong khi tại Mỹ phải lên tới 1 tháng do thiếu nguồn cung nguyên liệu.

Nhân công giá rẻ vẫn là yếu tố giữ chân các nhà sản xuất của Apple ở lại Trung Quốc. (Nguồn: 9to5mac)

Sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, “gã khổng lồ” Apple đang chịu nhiều sức ép về việc chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ. Ông Trump từng tuyên bố sẽ “khiến Apple phải sản xuất máy tính và nhiều thứ khác tại Mỹ” và đưa ra nhiều hỗ trợ về thuế nếu Apple chấp nhận điều kiện này.

Trên thực tế, trước đây, CEO của Apple Tim Cook đã từng đề cập đến tính khả thi của việc chuyển dây chuyền sản xuất từ các nước khác về Mỹ. Tuy nhiên, khả năng này sau đó đã bị Apple bỏ qua do việc chuyển dây chuyền từ Mỹ vừa đắt đỏ, thậm chí là không khả thi do thiếu nguồn cung lao động.

Foxconn cho biết việc mở rộng quy mô này sẽ tốn 7 tỷ USD và 50.000 nhân công trong khi đó Pegatron cho rằng chi phí phát sinh sẽ là một trở ngại lớn.

(theo 9to5mac)