Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. |
Hội thảo nhằm giới thiệu các thế mạnh, năng lực doanh nghiệp của tỉnh, kêu gọi các đối tác Hà Lan đầu tư và kết nối với Gia Lai.
Được tổ chức tại hai điểm cầu chính là Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự gồm các tổ chức xúc tiến thương mại, trồng trọt, tư vấn, NGO, doanh nghiệp của Hà Lan, cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã của Gia Lai và giới truyền thông.
Gia Lai là tỉnh lớn thứ hai của Việt Nam với nhiều tiềm năng về nông nghiệp, nhân lực và có nhiều doanh nghiệp đã thành công. Tỉnh cần kêu gọi thêm sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức sản xuất hiện đại.
Trong khi đó, những thế mạnh của Hà Lan là rất phù hợp để Gia Lai tiếp thu và học hỏi. Dù diện tích và số dân chỉ tương đương với Đồng bằng sông Cứu Long, chỉ có 2% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nhưng Hà Lan đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) về xuất khẩu nông sản nhờ áp dụng công nghệ chính xác cao, tối ưu hóa nguồn lực và bền vững với môi trường.
Đại sứ Phạm Việt Anh phát biểu. |
Trong video phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh nhấn mạnh, phục vụ phát triển là một trong những nhiệm vụ lớn của ngành Ngoại giao. Sự kiện kết nối doanh nghiệp Gia Lai và Hà Lan hôm nay chính là hoạt động nhằm phục vụ phát triển của Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng.
Đại sứ Phạm Việt Anh tin tưởng sẽ có nhiều sự hợp tác giữa Gia Lai và các nhà đầu tư Hà Lan, mang lại thịnh vượng và mô hình sản xuất bền vững với môi trường cho tỉnh.
Theo Đại sứ, triển vọng hợp tác sẽ còn thuận lợi hơn nữa khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, gỡ bỏ nhiều rào cản về thuế, và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho cả hai phía.
Các đại biểu tham gia hội thảo tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. |
Tại sự kiện, ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu bật những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chia sẻ những ưu đãi và kêu gọi các nhà đầu tư Hà Lan tham gia vào 5 lĩnh vực chính bao gồm: Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất và chế biến hoa, rau, quả chất lượng cao; sản xuất và chế biến nông sản đặc sản của tỉnh Gia Lai; chăn nuôi công nghệ cao; trồng dược liệu dưới tán rừng.
Các doanh nghiệp tiêu biểu như Vĩnh Hiệp, Hoàng Anh Gia Lai, Doveco, Trường Sinh, VOS đã trình bày về những thành tựu của mình và mời gọi kết nối kinh doanh.
Về phía Hà Lan, các đối tác như Hiệp hội chuyên gia PUM, Tổ chức Liên minh hợp tác xã Agriterra, Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan ở Việt Nam, Hiệp hội trồng trọt Hà Lan Việt Nam, Phòng Thương mại Hà Lan-Việt Nam, công ty De Heus, công ty Nedspices đã tham gia phát biểu và trả lời các câu hỏi.
Các đối tác Hà Lan đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai cũng như những doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Nhiều đối tác mong muốn sẽ đến thăm và làm việc tại Gia Lai khi các chuyến bay quốc tế được mở lại và đề nghị xin thông tin một số doanh nghiệp lớn của tỉnh.
Với hội thảo lần này, hai bên đã có bước khởi đầu tốt đẹp để mở ra những cơ hội hợp tác mới.