Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh điều đó trong trả lời phỏng vấn về kết quả phiên họp thông qua Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 27/9 đồng thuận quyết định thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam, đánh dấu hoàn thành rà soát chu kỳ IV liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và bước sang giai đoạn thực hiện các khuyến nghị.
Phiên họp do bà Heidi Schroderus-Fox, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền chủ trì. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Phiên họp thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), trong đó có các tổ chức NGO của Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, tuyệt đại đa số các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, sự tham gia của đoàn Việt Nam trong trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn, có nhiểu thông tin hữu ích, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, các ý kiến đánh giá toàn diện, khách quan và cũng rất sát với thực tế ở Việt Nam cho thấy các đối tác quốc tế có sự quan tâm tích cực, hiểu biết sâu sắc với thông tin được cập nhật về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển ở Việt Nam, cũng như thể hiện vị thế, uy tín quốc tế của chúng ta tại các diễn đàn đa phương. Đây là điểm chúng ta cần tiếp tục bồi đắp, phát huy trong thời gian tới.