📞

Đối thoại cấp Bộ trưởng Việt-Mỹ lần thứ nhất: Mở lối đi cả trước mắt và lâu dài

Phương Hằng 07:00 | 24/03/2024
Chuyến công tác sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tới Mỹ sẽ có nhiều điểm mới, nói lên khí thế và tính chất “chiến lược” và “toàn diện” của quan hệ hai nước, đưa quỹ đạo của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện chuyển dịch thuận lợi.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Hà Nội, ngày 11/9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Việt Nam-Mỹ lần thứ nhất (25-27/3), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã chia sẻ ý nghĩa quan trọng của “lần thứ nhất” này cũng như bầu không khí hồ hởi, phấn chấn của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Cùng với đà phát triển trong quan hệ hai nước, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác. Song có lẽ đây là lần đầu tiên giữa hai nước có cơ chế Đối thoại định kỳ ở cấp Bộ trưởng. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của cơ chế này?

Ngày 25/3, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đồng chủ trì Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng lần đầu tiên giữa hai nước. Đây là cơ chế mới, được thỏa thuận tại Tuyên bố chung thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện (ĐTCLTD) vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững tháng 9/2023.

Thời gian qua, giữa Việt Nam và Mỹ đã có một số cơ chế đối thoại được thiết lập ở cấp lãnh đạo Bộ và chuyên viên, như các cuộc Đối thoại chính trị - quốc phòng - an ninh, Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương, đối thoại về các vấn đề lao động, an ninh năng lượng, khoa học công nghệ, thương mại hay quyền con người. Những cơ chế này đã và đang hoạt động tốt, góp phần thúc đẩy hợp tác hai nước trong những lĩnh vực, ưu tiên cùng quan tâm, cũng như giúp chia sẻ thông tin, nâng cao hiểu biết, thu hẹp khác biệt, bất đồng.

Với việc nâng cấp lên ĐTCLTD với 10 trụ cột, quan hệ hợp tác giữa hai nước trở nên sâu, rộng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, lãnh đạo hai nước đã quyết định thiết lập cơ chế Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao nhằm tạo ra cơ chế điều phối, đôn đốc và phối hợp ở mức cao hơn, tổng hợp hơn, hiệu quả hơn phù hợp với tính chất “chiến lược” và “toàn diện” của quan hệ hai nước.

Với ý nghĩa quan trọng nêu trên, xin Đại sứ cho biết Đối thoại cấp Bộ trưởng lần đầu tiên này sẽ có những trọng tâm gì? Ngoài Đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có những hoạt động song phương nào khác tại Mỹ, thưa Đại sứ?

Với ý nghĩa và mục tiêu nêu ở trên, Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần này dự kiến tập trung rà soát lại quá trình triển khai quan hệ ĐTCLTD giữa hai nước trên cả 10 trụ cột hợp tác, qua đó ghi nhận những việc đã làm, những kết quả đã đạt được, cũng như xác định những tồn tại, trở ngại, và những lĩnh vực cần tập trung và nỗ lực hơn nữa.

Việc thiết lập quan hệ ĐTCLTD đã tạo động lực và hứng khởi rất lớn cho triển vọng hợp tác giữa hai bên. Rất nhiều cơ quan, tổ chức của hai bên đang vào cuộc. Hai nước đã cử nhiều đoàn sang nhau để trao đổi các biện pháp hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo hay hợp tác giữa các địa phương. Mong muốn của hai bên rất nhiều. Vấn đề là các mong muốn và ưu tiên phải khớp được với nhau. Đối thoại cấp Bộ trưởng lần này sẽ tập trung làm rõ các ưu tiên, mục tiêu chung của hai bên, cả trước mắt và lâu dài, cũng như xác định cách thức phù hợp và lộ trình triển khai cụ thể.

Ngoài cuộc gặp với Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự kiến có cuộc gặp Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, làm việc với các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia và tiếp đại diện một số tập đoàn, công ty lớn của Mỹ. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Viện Brookings, một trong những viện nghiên cứu uy tín hàng đầu của Mỹ, qua đó giúp dư luận, công chúng Mỹ hiểu thêm về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam và những tiến triển trong quan hệ Việt - Mỹ.

Một điểm mới trong chuyến công tác lần này là ngoài các hoạt động của Bộ trưởng, sẽ diễn ra một loạt cuộc gặp ở cấp làm việc của Việt Nam với các đối tác của chính quyền, Quốc hội Mỹ. Các cuộc gặp này nhằm triển khai ngay những chỉ đạo, kết quả cụ thể đạt được trong các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các quan chức chính quyền Mỹ.

“Có thể nói đang có một bầu không khí hồ hởi, phấn chấn đang bao trùm lên các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp giữa hai nước. Đây là điều rất tốt, rất đáng phấn khởi vì qua các chuyến thăm thực tế, gặp gỡ trao đổi, hai bên thấy rõ hơn các cơ hội hợp tác, các điểm mạnh, điểm hạn chế của nhau để tận dụng hoặc có biện pháp khắc phục”. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng

Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn diễn ra ngay sau chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Mỹ, cũng như chuyến thăm Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước nay do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức. Xin Đại sứ chia sẻ cảm nhận về bầu không khí trao đổi đoàn sôi động giữa hai nước? Các hoạt động này phản ánh điều gì về hợp tác Việt-Mỹ?

Quan hệ Việt – Mỹ vốn đã rất sôi động, và càng trở nên sôi động hơn sau khi hai nước thiết lập quan hệ ĐTCLTD. Ngay sau khi nâng cấp quan hệ, ngoài các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao, đã có rất nhiều đoàn các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam sang thăm Mỹ, đến nhiều tiểu bang của Mỹ để tìm kiếm và trao đổi biện pháp hợp tác trong những lĩnh vực, dự án cụ thể.

Ở chiều ngược lại, chúng ta đón hàng loạt các đoàn của Mỹ thăm Việt Nam, trong đó có đoàn của Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế, nhiều nghị sĩ Mỹ và các đoàn doanh nghiệp, trong đó có đoàn của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) với đại diện từ hơn 50 doanh nghiệp công nghệ, năng lượng, hàng không, quốc phòng, nông nghiệp, thực phẩm hiện đang ở Việt Nam.

Có thể nói đang có một bầu không khí hồ hởi, phấn chấn đang bao trùm lên các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp giữa hai nước. Đây là điều rất tốt, rất đáng phấn khởi vì qua các chuyến thăm thực tế, gặp gỡ trao đổi, hai bên thấy rõ hơn các cơ hội hợp tác, các điểm mạnh, điểm hạn chế của nhau để tận dụng hoặc có biện pháp khắc phục. Điều quan trọng là cần tranh thủ tối đa các cơ hội và sự hào hứng này và biến chúng thành các dự án, kế hoạch, hoạt động hợp tác cụ thể.

Xin Đại sứ chia sẻ những kế hoạch, trọng tâm công tác của Đại sứ quán trong thời gian tới để tiếp tục duy trì đà tiến triển trong quan hệ?

Đại sứ quán tiếp tục nỗ lực hết sức mình để phát huy vai trò cầu nối giữa hai nước, không chỉ ở giữa các cơ quan chính quyền, Quốc hội, mà còn cả giữa các địa phương, doanh nghiệp, và tổ chức của hai nước, phục vụ tốt các chuyến thăm, các hoạt động giao lưu giữa hai bên.

Thời gian tới, Đại sứ quán xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tham gia thúc đẩy triển khai quan hệ ĐTCLTD giữa hai nước, trong đó có việc phối hợp biến các cam kết, thoả thuận ở cấp lãnh đạo thành những biện pháp, hoạt động hợp tác cụ thể, xác định lộ trình thực hiện và cơ quan đầu mối, từ đó tham gia thúc đẩy triển khai. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng phối hợp với các bên giám sát chặt chẽ tiến độ, kịp thời phát hiện các khó khăn, tồn tại, từ đó sớm bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ.

Ngoài ra, trong bối cảnh nước Mỹ đang ở trong năm bầu cử, Đại sứ quán tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình để kịp thời báo cáo, kiến nghị về những chủ trương, chính sách nhằm duy trì động lực và đà tiến triển trong quan hệ, hướng tới chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025.

(thực hiện)