Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 4/5: Nga ‘đáp lễ’ vụ tấn công Điện Kremlin, Trung Quốc nói gì?

Meta chỉ trích mạng lưới có trụ sở ở Trung Quốc, Phần Lan xác nhận một điều, Thủ tướng Đức công du Đông Phi… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Điện Kremlin bị tấn công bằng 2 máy bay không người lái rạng sáng 3/5. (Nguồn: Reuters)
Quan chức Moscow cho biểt Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn làm việc bình thường sau vụ tấn công vào Điện Kremlin ngày 3/5.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nổ lớn ở Kiev và nhiều thành phố ở Ukraine: Đầu giờ sáng ngày 4/5, các quan chức và phương tiện truyền thông nước này cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ ở thủ đô và một số thành phố khác. Trên kênh Telegram, chính quyền quân sự tại khu vực Kiev cho hay: “Lực lượng phòng không đang hoạt động ở khu vực Kiev”. Các nhân chứng cũng cho biết đã có ít nhất một vụ nổ lớn.

Đài truyền hình Suspilne (Ukraine) cũng đưa tin về các vụ nổ ở Zaporizhzhia. Ông Yuri Malashko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực tại thành phố này, cho biết hệ thống phòng không đang tích cực hoạt động tại đây. Trong khi đó, truyền thông địa phương cũng đưa tin về các vụ nổ ở Odessa, khu vực Biển Đen.

Tính đến nay, các lực lượng phòng không Ukraine cho biết đã bắn hạ 18/24 UAV cảm tử mà Nga triển khai trong đợt tấn công nêu trên. Chính quyền Kiev xác nhận toàn bộ tên lửa và UAV Shahed lần thứ 3 trong vòng 4 ngày qua đã bị phá hủy. Chính quyền Odessa cho biết 12/15 UAV cảm tử tại đây đã bị phá hủy, 3 chiếc còn lại tấn công khuôn viên một trường đại học, song không gây thương vong.

Đáng chú ý, những vụ nổ liên tiếp tại Kiev và các thành phố trên diễn ra chỉ ít giờ sau khi Moscow ghi nhận một vụ tấn công bằng UAV nhắm vào Điện Kremlin, song gây thương vong về người. Nga cho rằng Ukraine đứng sau vụ tấn công trên. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ cáo buộc này. (Reuters)

* Nga: Ông Putin vẫn làm việc bình thường tại Điện Kremlin: Ngày 4/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga đang làm việc tại văn phòng ở Điện Kremlin, một ngày sau khi Moscow cáo buộc Kiev tấn công khu vực này bằng máy bay không người lái (UAV). Ông Peskov cho biết “Tổng thống sẽ có thảo luận quan trọng với Bộ trưởng phát triển kinh tế”.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng vụ tấn công của UAV nhắm vào điện Kremlin cho thấy “hoạt động khủng bố và phá hoại của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang tăng chưa từng thấy” và Moscow “có quyền trả đũa”. Bộ này cũng khẳng định vụ tấn công trên sẽ không kết thúc mà không có câu trả lời, đồng thời nhấn mạnh Kiev không hề có mong muốn kết thúc xung đột trên bàn đàm phán.

Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích sự “im lặng” của phương Tây với vụ tấn công và kêu gọi những nước khác, cũng như các tổ chức quốc tế, chỉ trích vụ việc nước này cho là nhằm mưu sát ông Putin. (AFP/Reuters)

* Nga không biết về kế hoạch hòa bình của Vatican: Trả lời họp báo ngày 4/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng Giáo hoàng không ngừng suy nghĩ về hòa bình. Chúng tôi cũng hiểu là Giáo hoàng đang suy nghĩ về cách thức chấm dứt xung đột. Song chúng tôi không biết về bất kỳ kế hoạch chi tiết nào mà Vatican đã đề xuất trong bối cảnh hiện nay”.

Tuần trước, Giáo hoàng Francis cho hay Vatican đang tham gia vào sứ mệnh hòa bình để giải quyết xung đột, song thông tin này “chưa được công khai”. (Reuters)

* Báo chí Trung Quốc nói gì về vụ tấn công Điện Kremlin? Nhận định về vụ việc, cựu Tổng biên tập Thời Báo Hoàn cầu (Trung Quốc) Hu Xijin cho hay: “Theo tôi, mục đích thực sự của hành động này không phải là thực hiện thành công vụ ám sát, điều này không quá quan trọng. Mục đích là gây chấn động, chứng tỏ rằng Moscow không ở xa khu vực xung đột, rằng giao tranh đã đến đây và làm xói mòn niềm tin vào chiến thắng của xã hội Nga”. Ông lưu ý từ khi xung đột bắt đầu, Nga đã nhiều lần tấn công vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, song chưa nhắm tới văn phòng của Tổng thống Zelensky.

Chuyên gia này nhận định: “Bây giờ, chúng ta cần xem liệu Nga có tấn công Văn phòng của ông Zelensky hay không. Nếu hai nước bắt đầu công khai tấn công Văn phòng Tổng thống của nhau, điều này có nghĩa là cuộc chiến đã bước vào giai đoạn khó kiểm soát hơn, khốc liệt hơn và tổn thất của cả hai bên sẽ tăng lên”.

Trên WeChat, ông Liu Hong, Phó Tổng Biên tập tạp chí Global của Tân Hoa Xã (Trung Quốc), lưu ý: “Vụ tấn công Điện Kremlin là tín hiệu xấu, cho thấy một số ranh giới đỏ đã bị phá vỡ và thậm chí một loạt giao tranh đẫm máu đã bắt đầu”. (Thời báo Hoàn cầu)

TIN LIÊN QUAN
Điện Kremlin bị tấn công: Nga phản pháo phát ngôn của giới chức Mỹ là 'đáng ngờ', Venezuela tỏ đoàn kết với Moscow

Mỹ-Trung

* Meta: Mạng lưới có trụ sở tại Trung Quốc gieo rắc thông tin sai lệch ở phương Tây: Trong bản báo cáo về mối đe dọa đối thủ hàng quý công bố ngày 3/5, chủ sở hữu mạng xã hội Facebook, tập đoàn Meta (Mỹ) cho biết các tài khoản truyền thông xã hội của một mạng lưới trực tuyến tại Trung Quốc - từ Facebook, YouTube, TelegramTwitter - đã thúc đẩy nội dung tập trung vào các vấn đề chính trị gây bức xúc ở châu Âu và Mỹ. Từ đó, mạng lưới này đã cố gắng gắng tuyển mộ những người biểu tình ở châu Âu và thành lập một công ty truyền thông ở Vương quốc Anh như một phần của chiến dịch gieo rắc thông tin sai lệch.

Về phần mình, Meta đã xóa hơn 100 trang Facebook, hồ sơ và tài khoản Instagram liên quan vì vi phạm chính sách chống lại hành vi không trung thực có phối hợp. Ngoài ra, 50 tài khoản khác liên kết với mạng lưới cũng đã bị gỡ xuống.

Meta nhấn mạnh: “Các mạng lưới mới nhất này đã thử nghiệm một loạt chiến thuật chúng tôi chưa từng thấy trong các chiến dịch trước đây của Trung Quốc. Các hành vi mới nhất bao gồm thành lập một công ty truyền thông bình phong ở phương Tây, thuê các nhà văn tự do trên khắp thế giới, đề nghị tuyển dụng những người biểu tình và hợp tác với một tổ chức phi chính phủ ở châu Phi”. (AFP)

TIN LIÊN QUAN
Các công ty truyền thông Mỹ đòi quyền lợi từ các 'gã khổng lồ công nghệ'

Đông Nam Á

* Trung Quốc lo Biển Đông là “khu vực săn bắn” của thế lực ngoài khu vực: Ngày 4/5, trả lời câu hỏi về thông tin chính quyền Mỹ tái khẳng định liên minh an ninh kéo dài hàng thập kỷ với Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Biển Đông là nhà của tất cả các nước trong khu vực, và không nên là ‘khu vực săn bắn’ của các lực lượng bên ngoài”. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Tổng thống Mỹ: Cam kết về bảo vệ đồng minh Philippines là 'không gì lay chuyển'

Nam Á

* Ấn Độ kỳ vọng về Hội nghị Ngoại trưởng SCO: Ngày 4/5, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) Trương Minh ở bang Goa, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng SCO ngày 4 và 5/5.

Trên Twitter, ông Jaishankar miêu tả cuộc gặp trên là “hiệu quả” và nhấn mạnh vai trò Chủ tịch của Ấn Độ được thúc đẩy bởi “cam kết đối với SCO an toàn”. Ông cũng đánh giá cao “sự hỗ trợ của ông Trương đối với vai trò Chủ tịch luân phiên SCO của Ấn Độ”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Jaishankar sẽ gặp gỡ song phương với những người đồng cấp Nga, Trung Quốc và Uzbekistan. (TTXVN)

TIN LIÊN QUAN
Cuộc sống đời thường ở Ấn Độ - quốc gia đông nhất thế giới

Đông Bắc Á

* Trung Quốc đề cao cảnh giác trước hiện diện của NATO tại châu Á: Ngày 4/5, phát biểu trước thông tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có kế hoạch mở văn phòng tại khu vực này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết châu Á là “miền đất hứa cho sự hợp tác và phát triển và không nên là đấu trường về địa chính trị”, song khẳng định: “Sự mở rộng liên tục của NATO sang phía Đông ở châu Á-Thái Bình Dương, can thiệp vào các vấn đề khu vực, nỗ lực phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như việc thúc đẩy sự đối đầu với các khối đòi hỏi các nước trong khu vực phải cảnh giác cao”.

Về phần mình, người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết liên minh sẽ không đi vào chi tiết những cuộc thảo luận của các đồng minh: “NATO có các văn phòng và dàn xếp liên lạc với nhiều tổ chức quốc tế và các nước đối tác, và các đồng minh thường xuyên đánh giá các sắp xếp liên lạc đó để đảm bảo rằng chúng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của cả NATO và các đối tác của chúng tôi”.

Theo bà, NATO có quan hệ đối tác gần gũi, đang tiếp tục phát triển với Nhật Bản.

Trước đó, Nikkei Asia (Nhật Bản) ngày 3/5 cho biết NATO dự định mở văn phòng đại diện đầu tiên tại châu Á, ở Nhật Bản vào năm sau để thuận tiện cho các cuộc đàm phán với các đối tác an ninh như Hàn Quốc, Australia và New Zealand, nhằm ứng phó với những thách thức địa chính trị từ Trung Quốc và Nga. (Reuters)

TIN LIÊN QUAN
Vụ rò rỉ tài liệu mật: Ukraine ‘tính kế’ tấn công cơ sở quân sự Nga ở Syria, Trung Quốc sản xuất vũ khí mạng công nghệ cao vì điều gì?

Châu Âu

* Tổng thống Ukraine muốn lập tòa án đặc biệt về Nga: Ngày 4/5, phát biểu trước các nhà ngoại giao và quan chức tại trụ sở Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague (Hà Lan), nơi đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến “tội ác chiến tranh”, ông Volodymyr Zelensky khẳng định ông Putin cần bị kết án. Ông nói: “Chúng ta đều muốn thấy ông Putin bị trừng phạt vì hành động của mình tại The Hague, thủ đô của luật pháp quốc tế”.

Dự kiến, ông Volodymyr Zelensky cũng sẽ có cuộc gặp gỡ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo trong hôm nay. (AFP/Reuters)

* Hungary muốn mua khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan: Ngày 4/5, phát biểu với các phóng viên tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đang đàm phán để mua khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ và vận chuyển khí đốt của Azerbaijan tới Hungary qua lãnh thổ của Ankara.

Ông nói: “Nếu không có hoạt động quá cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không có nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho Hungary...Chúng tôi tin tưởng vai trò quá cảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn tiếp theo. Trước hết, thực tế là thỏa thuận đang được ký kết với Azerbaijan về việc mua khí đốt của nước này. Chúng tôi sẽ chỉ có thể vận chuyển khí đốt của Azerbaijan nếu Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện”.

Ông Szijjarto cũng cho hay Hungary đang đàm phán với công ty năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Botas để mua “khí đốt, khí hóa lỏng hoặc các năng lượng khác”. (UNI)

* Phần Lan điều tra vụ tấn công Lãnh sự quán Nga: Ngày 3/5, liên quan tới vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Nga ở Mariehamn, thủ phủ của lãnh thổ tự trị Aland, Ngoại trưởng Pekka Haavisto xác nhận rằng Bộ Ngoại giao đã nhận được công hàm ngoại giao của Nga và cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc. Trước đó, cảnh sát quần đảo Aland chưa ghi nhận về vụ việc nêu trên.

Về phần mình, trước đó cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Lãnh sự quán Nga ở Mariehamn đã bị tấn công đêm 30/4. Bà cho biết “một nhóm người đã ném thiết bị gây choáng bằng chất nổ, cũng như các vật dụng khác, vào cơ quan đại diện của Nga”, gây thiệt hại cho tòa nhà của cơ quan đại diện. Theo quan chức này, “hành động của những kẻ xâm nhập đã gây hậu quả trực tiếp, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe nhân viên phái bộ Nga”.

Đại sứ quán Nga tại Helsinki đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao sở tại với yêu cầu “thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa thủ phạm ra trước công lý”. (UNI)

TIN LIÊN QUAN
Phát hiện mỏ dầu cực lớn, Thổ Nhĩ Kỳ tự tin không cần nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài

Châu Mỹ

* Ngoại trưởng Hàn Quốc sắp thăm Mexico, Guatemala: Ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Ngoại trưởng Park Jin sẽ thăm Mexico và Guatemala vào tuần tới để thảo luận về hợp tác song phương, cũng như tham dự cuộc họp khu vực của các nước Caribe, Nam và Trung Mỹ.

Cụ thể, ông sẽ thăm Mexico từ ngày 8-10/5 để tìm kiếm cách thức cải thiện hợp tác trong các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng, an ninh kinh tế và công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như ô tô điện và chất bán dẫn. Trong ngày 11/5, Ngoại trưởng Park Jin sẽ đến Antigua, Guatemala để tham dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng lần thứ 28 và Thượng đỉnh lần thứ 9 của Hiệp hội các quốc gia Caribe (ACS).

Tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, nhà ngoại giao Hàn Quốc sẽ có bài phát biểu và đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề hàng hải. Ông Park Jin cũng sẽ hội đàm với các quan chức cấp cao từ các nước thành viên ACS và kêu gọi họ hỗ trợ cho Hàn Quốc đăng cai tổ chức Triển lãm World Expo 2030 tại thành phố Busan, Đông Nam Hàn Quốc. (Yonhap)

TIN LIÊN QUAN
Viện trợ Ukraine: Tổng thống Zelensky ‘tha thiết’ sự ủng hộ từ Mỹ Latinh, Colombia vẫn một mực khước từ

Trung Đông-Châu Phi

* Thủ tướng Đức bắt đầu chuyến thăm Đông Phi: Ngày 4/5, ông Olaf Scholz đã bắt đầu chuyến công du với chặng dừng chân đầu tiên là Ethiopia trước khi sang nước láng giềng Kenya. Đây là lần thứ hai ông đến châu Phi trên cương vị Thủ tướng. Cùng đại diện một số công ty Đức, chuyến thăm của nhà lãnh đạo này nhằm mục đích thúc đẩy vai trò của Đức như một đối tác đáng tin cậy để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Thủ tướng Olaf Scholz được cho là cũng cũng cố gắng tập hợp nhiều hơn sự ủng hộ với Ukraine.

Phát biểu với tập đoàn truyền thông RND (Đức), nghị sĩ Michael Roth thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz cho biết: “Chuyến đi không chỉ đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Đức và châu Âu quan tâm đến xung đột Nga - Ukraine, mà chúng tôi cũng đang hành động vì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới”.

Về phần mình, Nghị sĩ Jürgen Trittin thuộc đảng Xanh, đối tác trong liên minh cầm quyền của ông Scholz, nói rằng chuyến đi có mục tiêu rõ ràng là hợp tác công bằng, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chống lại nạn đói và xung đột (TTXVN)

Sudan: Quân đội đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 7 ngày; Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn

Sudan: Quân đội đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 7 ngày; Tổ chức Hợp tác Hồi giáo họp khẩn

Ngày 3/5, quân đội Sudan tuyên bố chấp thuận một đề xuất của Cơ quan liên chính phủ vì phát triển (IGAD) về việc gia ...

Bất chấp khó khăn trong chế tạo vũ khí mới, Nga vẫn có thể kéo dài xung đột ở Ukraine?

Bất chấp khó khăn trong chế tạo vũ khí mới, Nga vẫn có thể kéo dài xung đột ở Ukraine?

Mặc dù tổn thất về vũ khí và lệnh trừng phạt của phương Tây khiến quân đội Nga không tránh khỏi tình trạng suy yếu, ...

Dùng tài sản Nga tái thiết Ukraine – Tưởng dễ mà rất khó, 'vũ khí' của Mỹ và phương Tây lộ rủi ro

Dùng tài sản Nga tái thiết Ukraine – Tưởng dễ mà rất khó, 'vũ khí' của Mỹ và phương Tây lộ rủi ro

Việc tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga rất hấp dẫn - nhưng việc sung công mà không có bằng chứng phạm tội của ...

Tổng thống Hàn Quốc sắp cải tổ nội các?

Tổng thống Hàn Quốc sắp cải tổ nội các?

Theo truyền thông Hàn Quốc, Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol đang chuẩn bị cải tổ nội các để cải cách các vấn đề ...

Chuyến thăm sớm Hàn Quốc và những tính toán 'vừa vặn' của ông Kishida

Chuyến thăm sớm Hàn Quốc và những tính toán 'vừa vặn' của ông Kishida

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến tiến hành chuyến thăm Hàn Quốc sớm hơn dự kiến để có được một tháng 5 kết ...

Tin cũ hơn

Tin thế giới 21/11: Ông Trump được hoãn tuyên án, mặt trận miền Đông Ukraine nguy cơ sụp đổ, Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông Tin thế giới 21/11: Ông Trump được hoãn tuyên án, mặt trận miền Đông Ukraine nguy cơ sụp đổ, Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Nga đã phản đòn tấn công tầm xa của Ukraine, nỗi lo sợ của Kiev về thứ 'vũ khí nóng' thành hiện thực? Nga đã phản đòn tấn công tầm xa của Ukraine, nỗi lo sợ của Kiev về thứ 'vũ khí nóng' thành hiện thực?
Mỹ chỉ cho phép đòn tấn công hạt nhân đối kháng có điều kiện, Trung Quốc thẳng thừng nói 'lạc hậu' Mỹ chỉ cho phép đòn tấn công hạt nhân đối kháng có điều kiện, Trung Quốc thẳng thừng nói 'lạc hậu'
Thủ tướng cùng chính phủ Mali bị cách chức, đây là lý do Thủ tướng cùng chính phủ Mali bị cách chức, đây là lý do
Ukraine được 'cởi trói', Hungary khẩn cấp đưa hệ thống phòng không đến gần, Kiev lần đầu dùng thứ vũ khí này tấn công Nga Ukraine được 'cởi trói', Hungary khẩn cấp đưa hệ thống phòng không đến gần, Kiev lần đầu dùng thứ vũ khí này tấn công Nga
New Zealand chính thức coi Hezbollah và Houthi là các tổ chức khủng bố New Zealand chính thức coi Hezbollah và Houthi là các tổ chức khủng bố
Xung đột Gaza: Israel lại không kích gây chết người, Mỹ dứt khoát phủ quyết nghị quyết ngừng bắn, Palestine phản đối, gạt mọi kế hoạch lập vùng đệm Xung đột Gaza: Israel lại không kích gây chết người, Mỹ dứt khoát phủ quyết nghị quyết ngừng bắn, Palestine phản đối, gạt mọi kế hoạch lập vùng đệm
Iran bất ngờ rẽ hướng 'lạ' liên quan chương trình hạt nhân, IAEA lên tiếng Iran bất ngờ rẽ hướng 'lạ' liên quan chương trình hạt nhân, IAEA lên tiếng
Chính quyền Tổng thống Biden 'vớt vát' vì Ukraine trước khi mãn nhiệm: Thay đổi chính sách viện trợ vũ khí, xóa nợ hàng tỷ USD Chính quyền Tổng thống Biden 'vớt vát' vì Ukraine trước khi mãn nhiệm: Thay đổi chính sách viện trợ vũ khí, xóa nợ hàng tỷ USD
Brazil, Trung Quốc nâng cấp quan hệ, ký kết gần 40 văn bản hợp tác Brazil, Trung Quốc nâng cấp quan hệ, ký kết gần 40 văn bản hợp tác
Ông Trump có hành động đầu tiên với NATO, hứa hẹn sẽ lật ngược chính sách của Tổng thống Biden Ông Trump có hành động đầu tiên với NATO, hứa hẹn sẽ lật ngược chính sách của Tổng thống Biden
Điểm tin thế giới sáng 21/11: Mỹ-Nhật-Hàn thành lập Ban thư ký, Iran và IAEA cam kết đối thoại, Phần Lan mua siêu máy tính quốc gia Điểm tin thế giới sáng 21/11: Mỹ-Nhật-Hàn thành lập Ban thư ký, Iran và IAEA cam kết đối thoại, Phần Lan mua siêu máy tính quốc gia