TIN LIÊN QUAN | |
BIDV mở gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi virus corona | |
Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Hàng loạt ngân hàng thương mại bắt đầu triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Nguồn: ĐT) |
Tín dụng đã sẵn sàng…
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, các ngân hàng đã đăng ký cung ứng với tổng số vốn 300.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 0,5%-1% và chủ động xác định tiêu chí giải ngân cho khách hàng.
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỷ đồng; cho vay mới 165.208 tỷ đồng với 354.286 khách hàng.
Dư nợ của toàn ngành tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng); bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ đồng); nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản (16.000 tỷ đồng).
Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5% một năm, đặc biệt cho doanh nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Vietcombank dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.
Agribank khẳng định tung gói ưu đãi lãi suất quy mô khoảng 100 nghìn tỷ đồng, triển khai từ 1/4, trong đó hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.
VietinBank cho biết, từ 31/3, ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với các doanh nghiệp, người dân, và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Còn BIDV cũng đã chuẩn bị gói tín dụng 125.000 tỷ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này. Các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành nghề ảnh hưởng rất nặng của dịch như: vận tải, hàng không, khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ được ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm đối với VNĐ, 0,5-1% đối với USD.
Như vậy, về mặt tín dụng, tất cả đã sẵn sàng cho doanh nghiệp cần vay vốn.
Tin liên quan |
Chuyên gia nước ngoài mách nước CEO Việt đón cơ hội từ ‘thế giới khác hậu khủng hoảng’ Covid-19 |
… Nhưng cần đúng đối tượng
Chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng lại kêu "khó" tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu được doanh nghiệp đưa ra là ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh và yêu cầu có tài sản thế chấp nếu tiếp tục vay vốn. Thậm chí, ở cấp quản lý, Bộ Công Thương mới đây cho biết, hầu như các doanh nghiệp thuộc ngành này rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.
Tuy nhiên, đại diện một số ngân hàng, chuyên gia kinh tế lại cho rằng vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, ngân hàng đang có nhiều tiền nhàn rỗi và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng trong tình hình dịch bệnh, các hoạt động sản xuất ngưng trệ khiến thị trường khó hấp thụ nguồn vốn. Như với khách hàng của VietinBank, từ sau Tết Nguyên đán, ngân hàng đã có hai đợt giảm lãi suất cho vay tới 2,5%-3%/năm, nhưng nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Thực tế, tính đến cuối tháng 3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,68% so với cuối năm 2019. Tạm tính trong khoảng 80 ngày đầu năm, toàn hệ thống mới giải ngân thêm khoảng 55.700 tỷ đồng tín dụng với nền kinh tế. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong khoảng 5-6 năm trở lại đây.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã cần thêm nguồn vốn do gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là việc quan trọng nhất hiện nay.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng là giải pháp cơ cấu lại nợ, kể cả nợ gốc và nợ lãi.. (Ảnh: Lê Tiên) |
Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng phải tính toán rất chi li về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp yếu hoặc không chứng minh được khả năng trả nợ ngắn hạn thì chắc chắn không thể tiếp cận được.
Triển khai cụ thể, nhanh hơn
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh hỗ trợ tiếp cận tín dụng là giải pháp cơ cấu lại nợ, kể cả nợ gốc và nợ lãi. Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại cần chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, dành nguồn lực kéo dài chính sách hỗ trợ sau khi dịch bệnh kết thúc.
Trước mắt, các ngân hàng thương mại tìm hiểu nhu cầu từng nhóm khách hàng để có chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Các ngân hàng thương mại đã dự kiến đưa ra những gói sản phẩm, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp... cần công bố, triển khai thực hiện ngay.
Trước phản ánh của một số doanh nghiệp về việc khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi chi nhánh các tỉnh, thành phố yêu cầu thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu dịch còn kéo dài, không ít doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, thậm chí là phá sản. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là cần có tiền để giúp doanh nghiệp duy trì, giúp họ trả được tiền hàng, trả một phần tiền mặt bằng sản xuất, tiền lương cho nhân công... Đồng thời, cần có các giải pháp giám sát và thanh kiểm tra để tránh tình trạng chính sách đến không đúng đối tượng.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất, đã đến lúc cần tính toán và thực hiện càng nhanh càng tốt một gói cứu trợ dành cho cả những doanh nghiệp yếu hơn với tiêu chuẩn dễ hơn chương trình đang được các ngân hàng thương mại áp dụng. Theo đó, có thể cho doanh nghiệp được vay trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm mà không trả lãi. Các tổ chức tín dụng cũng cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên thực tế, với diễn biến phức tạp hiện nay, dịnh bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ 6 đến 12 tháng tới. Theo ước tính từ một số ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng chiếm khoảng 40%-60%, một số doanh nghiệp có đơn hàng với các đối tác châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đều bị dừng 100%; các đơn hàng trong nước giảm từ 40%-60%. Sau thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp cần phải có thời gian phục hồi, khôi phục hoạt động sản xuất.
Với những phân tích đó, có lẽ ngành ngân hàng cũng cần điều điều chỉnh, có thể kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng chứ không chỉ 1 năm như hiện nay.
GS. Hà Tôn Vinh: Covid-19 là 'ngọn lửa thử vàng' cho doanh nghiệp Việt TGVN. Chia sẻ với TG&VN, GS. Hà Tôn Vinh tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ là nước phục hồi sớm nhất trên thế giới và Covid-19 ... |
Hậu dịch Covid-19: Cần ít nhất 2 năm để nền kinh tế phục hồi TGVN. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh trăn trở về những ... |
Nền tảng số - 'bệ phóng' giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ‘sống chung’ với dịch Covid-19 TGVN. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thay đổi cách thức quản lý, kinh doanh, áp dụng nền tảng số để "sống chung" với đại ... |