Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Thành công của hai chuyến thăm đã đánh dấu bước phát triển, xung lực mới trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức và là dấu mốc tái khởi động một cách toàn diện khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam'New Zealand.
Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Đức… Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và tham dự một số sự kiện của doanh nghiệp hai nước...
Bất chấp nhiều thách thức
Các chuyến thăm đều diễn ra trong bối cảnh đặc biệt trong quan hệ với Việt Nam.
Chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz là “cuộc hẹn” sau hơn 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011, cùng bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern là “cú hích” khi hai nước đã mở cửa hoàn toàn biên giới, nỗ lực kết nối trở lại với bên ngoài sau đại dịch Covid-19.
Trong trao đổi, các nhà lãnh đạo Đức và New Zealand đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ủng hộ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ truyền thống và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, trong khi Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh New Zealand mong muốn củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, một đối tác chiến lược của New Zealand trong ASEAN và khu vực. Đáp lại, Việt Nam cũng đề cao quan hệ với Đức và New Zealand trong chính sách đối ngoại của mình.
Đối với quan hệ Việt Nam-Đức, các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ song phương bất chấp tác động của đại dịch: Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên, đầu tư-thương mại tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ngày 13/11. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngay trước và trong thời gian chuyến thăm của Thủ tướng Đức, các cơ quan hai bên đã ký ba văn kiện hợp tác về quốc phòng, chuyển đổi năng lượng và lao động, đào tạo nghề, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của cả hai nước mở rộng và làm sâu sắc khuôn khổ Đối tác chiến lược.
Các nhà lãnh đạo thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn để đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai nước. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác. Về kinh tế - thương mại, Việt Nam và Đức khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Hai nước nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như khoa học-công nghệ, quốc phòng-an ninh, y tế-giáo dục, đào tạo nghề và lao động, cũng như đẩy mạnh phối hợp cùng giải quyết các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với G7 để các bên sớm nhất trí về Tuyên bố chính trị về Cơ chế đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích.
Đối với quan hệ Việt Nam-New Zealand, các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển hiệu quả và thực chất của quan hệ song phương thời gian qua. Chương trình Hành động giai đoạn 2021-2024.
Hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ; khuyến khích giao lưu nhân dân, kết nối địa phương; nghiên cứu mở thêm các khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới; tìm kiếm cơ hội mở rộng sang các lĩnh vực khác như công nghiệp quốc phòng, quân y, tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Nguồn: TTXVN) |
Bắt tay cùng phát triển
Hợp tác đa phương cũng được hai Thủ tướng Đức và New Zealand nhấn mạnh trong chuyến thăm Việt Nam lần này.
Cụ thể, Việt Nam và Đức khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Đức và EU cũng như hợp tác trong khuôn khổ ASEM, Liên hợp quốc…
Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định, New Zealand coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa New Zealand với ASEAN và luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; tiếp tục tích cực hỗ trợ hợp tác tiểu vùng Mekong theo cơ chế “Những người bạn Mekong”; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước với các nước khu vực đảo Nam Thái Bình Dương.
Trao đổi về tình hình Biển Đông, các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, ngày 14/11. (Ảnh: Anh Sơn) |
Bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Đức hay Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand là điểm nhấn nổi bật cho thấy quyết tâm tạo nhiều đột phá mới.
Về quan hệ kinh tế Việt Nam-Đức, các nhà lãnh đạo cùng nhận định, dư địa hợp tác giữa hai nước là rất lớn với nhiều nhân tố thuận lợi.
Việt Nam bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Đức chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam; đề nghị Quốc hội Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng chiến lược; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam; tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào thị trường Đức.
Về phần mình, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định, hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên; đề nghị tiếp tục đa dạng hóa quan hệ kinh tế; chia sẻ mong muốn sớm thông qua Hiệp định EVIPA; đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam chuyển đổi nghề cá bền vững.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh, sự quan tâm đến Việt Nam với chính trị ổn định, môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng... “Tôi mong muốn doanh nghiệp hai nước hãy bắt tay nhau để hai nước cùng phát triển”, Thủ tướng Đức kêu gọi.
Đối với quan hệ kinh tế Việt Nam-New Zealand, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác thương mại, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD trong năm 2024; nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do khu vực mà hai nước đều là thành viên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Nguồn: Quochoi.vn) |
Việt Nam nhấn mạnh khuyến khích doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, công nghệ chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng; đồng thời đề nghị New Zealand hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt đầu tư tại New Zealand.
Chuyến thăm của Thủ tướng Jacinda Ardern tới Việt Nam có phái đoàn doanh nghiệp lớn của New Zealand, cho thấy sự quyết tâm từ phía New Zealand trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam. Nhân dịp này, New Zealand chính thức công nhận mở cửa thị trường đối với chanh và bưởi Việt Nam; đồng thời nhất trí tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường New Zealand trong thời gian tới.
Thủ tướng Olaf Scholz kết thúc chuyến thăm của mình. Chắc chắn ông sẽ trân trọng bức thư pháp: “Hòa bình, hữu nghị cùng phát triển” do một thầy đồ kính tặng khi thăm đền Ngọc Sơn.
Còn Thủ tướng Jacinda Arden, chia sẻ với báo chí rằng lẽ ra bà đã đến thăm Việt Nam từ tháng 4/2020 nhưng do đại dịch mà bây giờ mới có thể thực hiện được. Bốn ngày ở Việt Nam lần này đã làm bà hài lòng về một hành trình được ấp ủ từ lâu!
Sau hơn 10 năm triển khai Đối tác chiến lược, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đã tăng gấp đôi. Tính đến hết tháng 9 năm nay, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt trên 9,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2021. Thương mại Việt Nam-New Zealand đã tăng gần 60% trong thời gian 5 năm gần đây. Theo thống kê của New Zealand, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 2,2 tỷ NZD, tăng 14,7% so với năm 2020. Trong khi đó, kim ngạch thương mại hai chiều cả năm tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, đạt khoảng 2,39 tỷ NZD, cho thấy trao đổi kinh tế, tăng trưởng thương mại giữa hai nước tiếp tục duy trì tăng một cách bền vững. |