Gia tăng các dự án
Nhà máy chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR với số vốn 280 triệu USD là dự án FDI lớn nhất trong 4 tháng đầu năm nay. Dự án tại Tây Ninh này thuộc về một doanh nghiệp Trung Quốc.
Công ty Goertek (Hong Kong – Trung Quốc) cũng vừa quyết định rót thêm 260 triệu USD vào tỉnh Bắc Ninh để phát triển dự án thứ 2 của mình tại địa phương này, sau khi đã có nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại di động, flycam… cách đây 7 năm. Dự án mới của nhà đầu tư này sẽ được thực hiện tại Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ nhằm chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động và trở thành một trong những nhà cung cấp cho Samsung tại Việt Nam.
Lũy kế đến ngày 20/4, số dự án còn hiệu lực của Trung Quốc là hơn 2.300 với tổng số vốn 14,86 tỷ USD. (Nguồn: Báo Doanh nhân) |
Trong khi đó, Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd (Trung Quốc) sẽ rót 214,4 triệu USD vào tỉnh Tiền Giang để thực hiện dự án sản xuất vỏ xe, cao su và các sản phẩm liên quan.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nếu tính cả đăng ký thêm và góp vốn mua cổ phần, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 4 từ vị trí thứ 5 (năm 2018) về tổng lượng vốn đầu tư rót vào Việt Nam trong 4 tháng với 1,69 tỷ USD. Lượng vốn Trung Quốc trong 4 tháng bằng 70% mức thu hút từ các doanh nghiệp nước này trong cả năm 2018.
Lũy kế đến ngày 20/4, số dự án còn hiệu lực của Trung Quốc là hơn 2.300 với tổng số vốn 14,86 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam. Với lượng vốn đầu tư xấp xỉ, tuy nhiên, số dự án của Malaysia chỉ bằng 1/4 Trung Quốc.
Cuộc chiến Mỹ - Trung là “cú hích”
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời điểm này là một bước chuyển đầu tư khá mạnh mẽ vào Việt Nam của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trên thực tế, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác đã diễn ra từ những năm qua, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần này có thể coi là “cú hích” để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) nhận định, sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc là hiện tượng có thể thấy từ 2 quá trình. Về dài hơi là sự dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc từ ngay chính các doanh nghiệp của nước này. Trong ngắn hạn, sự dịch chuyển dòng vốn của các doanh nghiệp để ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chiến lược “Vành đai - con đường” và đón đầu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể coi là “cú hích” để sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác diễn ra nhanh hơn. (Nguồn: VnEconomy) |
Bên cạnh yếu tố từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng tăng trưởng suy giảm là một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 6,6%, thấp nhất trong vòng 28 năm qua. Nhiều chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt 6,3% năm 2019.
Tuy nhiên, trên thực tế, con số hơn 1 tỷ USD vẫn là khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của nhà đầu tư Trung Quốc, vốn luôn đứng đầu về đầu tư ra nước ngoài ở châu Á. Theo GS TSKH Nguyễn Mại, tiềm năng này cần được khai thác. Bởi ngoài chuyện kiểm soát các dự án kém chất lượng, hoặc các dự án đầu tư vào Việt Nam nhằm “lẩn tránh” xuất xứ hàng hóa, thì dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vẫn rất đáng quý.
“Không có lý do gì để chúng ta không có định hướng tận dụng lợi thế của Việt Nam, như gần gũi về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư… để thu hút đầu tư từ Trung Quốc”, GS-TSKH Nguyễn Mại khẳng định.