📞

Động đất liên tiếp: “chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên”

10:30 | 10/03/2010
Chưa đầy ba tháng đầu năm 2010, động đất xảy ra dồn dập ở Haiti, Chile, Nhật Bản, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, gây thiệt hại lớn và cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người. Nhịp độ này là dấu hiệu bất thường của khí hậu? Có phải ngày tận thế sắp đến? Giới khoa học khẳng định: không.

Ngày 12-1, cơn địa chấn 7 độ Richter đã cướp đi sinh mạng hơn 230.000 người ở Haiti. Trận động đất 8,8 độ Richter - mạnh thứ năm kể từ năm 1990 - kèm theo sóng thần vào ngày 27-2 cũng làm hơn 900 người ở Chile thiệt mạng. Trận động đất 6,9 độ Richter ở ngoài khơi đảo Okinawa, Nhật Bản ngày 27-2 và trận động đất 6,4 độ Richter ở Đài Loan ngày 4-3 không gây thương vong, nhưng cơn địa chấn 6 độ Richter ngày 8-3 lại cướp đi cuộc sống của 51 người tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những hình ảnh nhà cửa đổ nát, thi thể tràn ngập trên các kênh truyền hình và các trang báo khiến mọi người lo sợ số lượng các trận động đất đang tăng vọt, và một thảm họa toàn cầu đang đến gần.

"Động đất không hề giết người, thủ phạm là các tòa nhà"

Chuyên gia Paul Earle , Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ

Số lượng “bình thường”

“Tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng thế giới sẽ không bị hủy diệt”, chuyên gia về kiến tạo địa tầng Bob Holdsworth ở ĐH Durham, Anh mạnh mẽ tuyên bố. Còn nhà nghiên cứu địa chấn Jonathan Lees thuộc ĐH North Carolina, Mỹ khẳng định: “Những trận động đất vừa qua chẳng có gì bất thường mà ngược lại là hoàn toàn bình thường”. Nhà khoa học Bernard Doft từ Viện Khí tượng hoàng gia Hà Lan cũng nhấn mạnh các cơn địa chấn tàn phá Haiti, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ chẳng liên quan gì với nhau bởi chúng xảy ra ở những vị trí cách nhau quá xa.

Theo thống kê của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), mỗi năm thế giới ghi nhận được khoảng 134 cơn địa chấn từ 6-6,9 độ Richter, 17 cơn địa chấn từ 7-7,9 độ Richter và một cơn địa chấn từ 8 độ Richter trở lên. Trong chưa đầy ba tháng đầu năm 2010 đã có tới 40 cơn địa chấn từ 6-6,9 độ Richter. Một con số cao? Nhưng theo chuyên gia Paul Earle của USGS, nguyên nhân đơn giản là do trận động đất 8,8 độ Richter ở Chile tự nó đã tạo ra một loạt các đợt dư chấn mạnh.

Chuyên gia Jonathan Lees cũng cho biết động đất không diễn ra theo xu hướng nào bởi “động đất xảy ra khắp nơi trên thế giới. Sẽ luôn luôn có khả năng xảy ra động đất lớn ở Chile, không hôm qua thì hôm nay hoặc ngày mai”.

Vấn đề nằm phía trên mặt đất

Theo các nhà khoa học, không phải số lượng các trận động đất khiến người ta lo sợ mà chính là số người thiệt mạng đang ngày càng gia tăng. “Vấn đề không nằm ở những hoạt động dưới lòng Trái đất, mà là những gì diễn ra trên bề mặt”, chuyên gia Paul Earle khẳng định.

Những năm gần đây, ở tất cả các quốc gia, ngày càng nhiều người đổ dồn đến các thành phố lớn sinh sống. Kéo theo đó là sự gia tăng bùng nổ của các ngôi nhà không đạt tiêu chuẩn an toàn trong xây dựng. Trên thế giới có 130 thành phố có hơn 1 triệu dân, hơn một nửa trong số đó nằm trên những đường nứt gãy lớn của các mảng kiến tạo địa tầng.

Giáo sư địa chất Tim Dixon từ ĐH Miami, Mỹ cho rằng thảm họa Haiti là ví dụ điển hình: có quá nhiều người đổ dồn vào một thành phố (thủ đô Port-au-Prince) vốn không được xây dựng để chứa một số lượng người đông đúc đến vậy, bản thân thành phố lại được xây dựng trên giao điểm của những mảng kiến tạo địa tầng, chất lượng xây dựng do nhiều nguyên nhân, kể cả tham nhũng, lại quá thấp. Tệ hại hơn, các nước đang phát triển thường là những nơi có dân số bùng nổ nhưng lại ít chú tâm vào phòng chống động đất và tăng cường chất lượng xây dựng.

“Khi mà còn phải lo đến cái ăn cái mặc, người ta sẽ không lo chuyện động đất”, nhà địa chất học Roger Bilham thuộc ĐH Colorado, Mỹ nhận xét. Ông cho biết khi đến Haiti sau cơn địa chấn ngày 12-1, ông hi vọng chính quyền và người dân sẽ xây dựng loại nhà chống động đất. Nhưng đáng buồn là người dân vẫn xây theo cách thiếu an toàn như trước, đơn giản vì họ chỉ muốn có một chỗ để trú mưa trú nắng.

Chính do những nguyên nhân này, các trận động đất ngày nay có khả năng tàn phá khủng khiếp hơn nhiều so với trong quá khứ. Theo giáo sư Debarati Guha-Sapir, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ thảm họa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những trận động đất lớn gần đây, ví dụ như trận động đất năm 1999 ở Izmit, Thổ Nhĩ Kỳ làm 20.000 người chết, và trận động đất năm 2001 ở Bhuj, Ấn Độ làm 20.000 người chết, có thể đã không gây ra những hậu quả nặng nề đến thế nếu xảy ra 30 năm trước đây. Bởi lẽ “30 năm trước, dân số của các thành phố này chỉ bằng 30% so với năm 1999-2001. Mật độ dân số tăng vọt đã biến một thiên tai nhỏ trở thành một thảm họa”. Theo Tuổi Trẻ