📞

Đóng góp cho sứ mệnh AIPA, tạo đột phá với Indonesia và Iran

Khải Hằng 06:01 | 04/08/2023
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4-10/8.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Phiên họp Đại hội đồng AIPA-43 tại Campuchia, tháng 11/2022. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Indonesia và Iran khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam trong AIPA, đồng thời thể hiện mong muốn củng cố quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia và quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Iran.

Một AIPA chủ động thích ứng

AIPA-44 với chủ đề “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng” diễn ra đúng vào dịp ASEAN kỷ niệm ngày thành “mái nhà chung” (8/8/1967) với khát vọng “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng”. ASEAN đang tập trung nỗ lực hoàn tất Kế hoạch Tổng thể 2025 và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, chú trọng nâng cao năng lực thể chế, thúc đẩy hợp tác theo các xu hướng lớn hiện nay như phục hồi và tăng trưởng bao trùm, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. ASEAN tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất và có các bước đi, nỗ lực nhằm nâng cao vai trò trung tâm của khối, song cũng phải đối mặt nhiều thách thức do tác động của cạnh tranh nước lớn, các điểm nóng xung đột, thách thức an ninh phi truyền thống.

Việc lựa chọn chủ đề AIPA-44 thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Indonesia, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA 2023 đề cao vai trò của ASEAN nói chung và các nghị viện ASEAN nói riêng trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, tăng cường khả năng chống chịu và phát triển bền vững, bao trùm của khu vực, đưa ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng.

Chia sẻ ý nghĩa việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự AIPA-44, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết, sự tham gia này “góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp của ASEAN, đóng góp những sáng kiến quan trọng của Việt Nam cho tiến trình tăng cường hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên ASEAN nhằm mục tiêu xây dựng ASEAN thành một trung tâm tăng trưởng của kinh tế thế giới, góp phần duy trì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động, bao trùm, hoà bình, hợp tác và phát triển”.

Sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại AIPA-44 tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy các ưu tiên, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới. Qua đó, góp phần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao chung của Đảng và Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA, cùng các Nghị viện thành viên AIPA củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA với các đối tác, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN…

Trong khuôn khổ AIPA-44, Việt Nam một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận và định hình kết quả. Việt Nam đề xuất ba dự thảo nghị quyết nhằm giải quyết các thách thức chính của khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA. Các đề xuất thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi số tập trung vào phụ nữ. Là quốc gia có số lượng nghị sĩ nữ cao nhất trong số các thành viên AIPA, Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy phụ nữ khu vực ASEAN tham gia chính trị nhiều hơn nữa.

Từ khi trở thành thành viên chính thức của AIPA (tháng 9/1995), Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ động, đóng góp trách nhiệm cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, phát huy trách nhiệm, vai trò của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Đồng thời kiên trì, khéo léo lồng ghép và thúc đẩy các quan tâm và ưu tiên của Việt Nam, đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực được các nghị viện thành viên đánh giá cao.

Làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược

Chuyến thăm chính thức Indonesia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tới Indonesia kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tháng 3/2010. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023) và hướng tới kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Trong bối cảnh đó, theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng, ủng hộ của Việt Nam đối với Indonesia và cá nhân Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani trước thềm AIPA-44 và trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, từ đó đóng góp quan trọng vào củng cố sự tin cậy chính trị, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Trong chuyến thăm Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến hội kiến Tổng thống Joko Widodo; hội đàm với Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân dân Indonesia (DPR-Hạ viện) Puan Maharani; gặp Chủ tịch Đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDI-P); dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; phát biểu chính sách tại Viện Cộng đồng nghiên cứu chính sách Đại học Indonesia...

Theo Đại sứ Tạ Văn Thông, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia đã và đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc. Năm 2017, chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Đảng thăm Indonesia kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959. Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên tới Indonesia trên cương vị Thủ tướng.

Các chương trình hành động được ký kết đã đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hai bên đang hoàn tất chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 để ký kết trong thời gian sớm nhất.

Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật là những nền tảng quan trọng để triển khai các nội dung hợp tác cụ thể. Về kinh tế, hai nước phấn đấu đạt mục tiêu thực hiện kim ngạch thương mại song phương lên tới 15 tỷ USD trong năm nay.

Cột mốc mới trong quan hệ với Iran

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Iran từ 8-10/8 có ý nghĩa quan trọng. Đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2018. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Khẳng định chuyến thăm là cột mốc quan trọng mới trong quan hệ hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Iran Lương Quốc Huy nhấn mạnh, đây là dịp để hai bên điểm lại những thành tựu trong năm thập kỷ qua, trao đổi các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, định hướng phát triển cho những năm tiếp theo và tạo bước đột phá mới cho quan hệ song phương. Qua chuyến thăm lần này, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể hiện coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Iran.

Trong chuyến thăm Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến hội kiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi; hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Qalibaf; tham dự và phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Iran; phát biểu chính sách tại Viện Nghiên cứu chính trị và quốc tế, Bộ Ngoại giao Iran...

Đại sứ Lương Quốc Huy khẳng định, chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, khai thác tốt hơn những tiềm năng sẵn có trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kĩ thuật… Có thể nói, ngoại giao nghị viện là điểm sáng nổi bật của quan hệ Việt Nam-Iran. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn Quốc hội trong những năm qua, như Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm Iran năm 1999, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm Iran năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thăm Iran năm 2022 và Chủ tịch Quốc hội Iran Larijani thăm Việt Nam năm 2018.

Trong chuyến thăm, Quốc hội hai bên dự kiến ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp. Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan trong các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, thể thao và một số thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được ký kết.

Có thể khẳng định, các chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này thể hiện rõ nét sự coi trọng của Việt Nam trong ưu tiên phát triển và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống tại châu Á, Trung Đông, nhằm mở ra các cơ hội mới trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn quốc tế. Đồng thời, chuyến công tác một lần nữa minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, tích cực của Việt Nam trong “mái nhà chung” ASEAN, đúng dịp Hiệp hội kỷ niệm 56 năm ngày ra đời.