Nhỏ Bình thường Lớn

Đồng hành cùng doanh nghiệp: Ứng phó thách thức để phát triển

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ TP. Hà Nội (Hanoisme) về những nỗ lực của Hiệp hội chung tay cùng các doanh nghiệp thành viên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua những thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ TP. Hà Nội.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ TP. Hà Nội.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chắc chắn là đối tượng chịu nhiều tác động nhất do đại dịch Covid-19?

Nhìn vào tình hình chung của xã hội hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội mà hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều phải chịu những tổn thất do đại dịch Covid-19 xét từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Một số doanh nghiệp nhập xuất khẩu, cũng như doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng không thiết yếu trong Hiệp hội đã phải tạm dừng hoạt động bởi những chính sách giãn cách và quy định về phòng chống dịch Covid-19. Thêm vào đó là lực lượng lao động giảm sút, công nhân làm việc bị giảm năng suất do các áp lực cũng như môi trường làm việc chuyển qua dạng trực tuyến.

Mô hình “3 tại chỗ” cũng gây nhiều khó khăn trong các hoạt động sản suất. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn các doanh nghiệp lớn cũng phải cắt giảm nhân công, chỉ có thể hoạt động cầm chừng.

Hanoisme đã chung tay, chung sức tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cùng các doanh nghiệp. Hiệp hội giúp các doanh nghiệp kết nối, tạo cầu nối hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng tổ chức nhiều buổi tọa đàm tìm hướng đi mới, biến thách thức thành hành động, chia sẻ kinh nghiệm quản trị rủi ro cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Những thiệt hại lớn nhất và cũng dễ dàng nhận thấy nhất là thiệt hại về kinh tế, xã hội. Rất nhiều doanh nghiệp xin phá sản và hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay vòng vốn, xử lý các khoản chi phí để duy trì doanh nghiệp cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh. Những thiệt hại không nhìn thấy được có thể kể đến như đại dịch Covid-19 đã làm chậm nhịp phát triển kinh tế trên toàn thế giới dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn.

Chuyển từ quan điểm “zero Covid” sang “Chung sống an toàn với Covid-19”, Chính phủ và TP. Hà Nội đã có những động thái cụ thể để hỗ trợ khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Trong vòng hơn 10 ngày, TP. Hà Nội đã ba lần ban hành văn bản nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch. Việc Hà Nội từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới được nhiều người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá là phù hợp. Thực tế cho thấy, các quyết sách này rất phù hợp với thực tế. Việc phong tỏa quá lâu trên diện rộng sẽ làm cho các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn như không thể sản xuất, kinh doanh, mất thị trường…

Cùng với việc nới lỏng giãn cách, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế. Đặc biệt, Hà Nội đang tăng cường việc tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn, từng bước tạo miễn dịch cộng đồng. Các chính sách này là hoàn toàn đúng đắn, giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất, phục hồi kinh doanh, từng bước vượt khó và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông, còn vấn đề gì cần sớm thay đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó, Hà Nội thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Mặc dù được sản xuất trở lại, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Hà Nội cần đẩy mạnh việc hướng dẫn doanh nghiệp làm các thủ tục liên quan đến chính sách miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT.

Kiến nghị với Chính phủ về việc giảm tiền điện, nước, cước viễn thông; giảm phí công đoàn, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh xây dựng nhà lưu trú/nhà ở xã hội cho người lao động; ưu tiên, hỗ trợ kinh doanh mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long năm 2020.
Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long năm 2020.

“Chung sống an toàn với Covid-19” có nghĩa là tự doanh nghiệp cũng sẽ phải có cách nhìn mới, cách làm mới và cả những chiến lược mới để tồn tại và phát triển... Ông đánh giá thế nào về sự chuyển biến của các thành viên trong Hiệp hội?

Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội nói riêng cũng đã tìm cho mình các hướng đi mới để phù hợp với tình hình. Các doanh nghiệp đã tăng cường việc ứng dụng CNTT để có thể làm việc online mà vẫn đảm bảo tiến độ; tổ chức các buổi đào tạo nhân lực để các nhân viên tiếp cận với cách làm mới, công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu công việc.

Đặc biệt, từ tình hình thực tiễn các doanh nghiệp đã và đang tiến hành tái cấu trúc lại doanh nghiệp để có được chiến lược, hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội kinh doanh sau đại dịch đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Những hệ lụy do đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp là vô cùng lớn. Bởi vậy, để vượt qua thử thách này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội vẫn có thể thấy được những cơ hội phát triển và cải thiện năng lực.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đây là khoảng thời gian vàng để các doanh nghiệp có thể chú trọng vào việc đào tạo nhân sự hay khai thác các lợi thế từ việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những đột phá trong sản xuất và kinh doanh.

Cũng do đại dịch nên các tập đoàn lớn trên thế giới đã chuyển hướng đầu tư và mở nhà máy tại Việt Nam, ví dụ như tập đoàn Apple của Mỹ. Điều đó đã giúp thúc đẩy được các chuỗi giá trị cung ứng, giải quyết được tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là thời kỳ sau đại dịch khi mà việc làm trở thành một trong những mối quan ngại của các cấp chính quyền.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước cũng có những cơ hội kinh doanh mới như đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ viễn thông hay các ngành dịch vụ khác.

Thưa ông, vai trò của Hiệp hội trong lúc này thể hiện như thế nào? Sự kết nối, vai trò và trách nhiệm giữa các thành viên với nhau và với người lao động, để cùng nhau vượt qua đại dịch?

Thời gian qua, Hanoisme, với chức năng hỗ trợ doanh nghiệp, đã có những hành động cụ thể để giúp đỡ doanh nghiệp vượt khó như: Tập hợp ý kiến doanh nghiệp, doanh nhân để gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội đề xuất việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó...

Nhiều ý kiến đã được các cơ quan quản lý đánh giá cao và có những thay đổi về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đã chuyển tải các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền đến doanh nghiệp kịp thời, đồng thời hướng dẫn thực hiện các chính sách một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp thành viên tổ chức các hoạt động đào tạo, tọa đàm trực tuyến thu hút sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp trong mỗi chương trình.

Thông qua các hoạt động này, Hiệp hội đã mời các chuyên gia uy tín trong nước hướng dẫn, trao đổi doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp xác định được hướng đi đúng đắn.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, kinh tế khó phát triển, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối trong việc xúc tiến thương mại nội khối. Theo đó, các doanh nghiệp nội khối đã tăng cường hợp tác, trao đổi hàng hóa với nhau, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Doanh nghiệp cần thực hiện mục tiêu kép: 'Bền để vững'!

Doanh nghiệp cần thực hiện mục tiêu kép: 'Bền để vững'!

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh trả lời phỏng ...

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành 'sếu đầu đàn' hậu Covid-19

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành 'sếu đầu đàn' hậu Covid-19

Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong ...