📞

Đồng hành từ những bước đầu tiên

11:05 | 30/09/2016
Dù non trẻ nhưng báo TG&VN điện tử sớm được độc giả quan tâm, đón nhận và góp ý xây dựng chân thành. Những ý kiến này sẽ đồng hành với TG&VN điện tử không chỉ ở ngày đầu “chập chững” mà cả trên con đường lớn lên và trưởng thành.

Hoàng Anh Tuấn - Đại sứ Việt Nam tại Indonesia

Làm việc với các bạn báo TG&VN khá lâu, nhưng đến gần đây thấy hoạt động trên mạng của bộ phận quản lý, điều hành, biên tập viên, phóng viên... bám khá sát tình hình thời sự và "sản xuất" bài rất nhanh.

Có rất nhiều sự kiện các bạn TG&VN cập nhật rất kịp thời và cung cấp nhiều tin độc quyền với thời gian thực. Chỉ một ví dụ là nội trong tuần qua thôi, các bạn xem trang FB của mình, phỏng vấn "nóng" ngay khi mình vừa đặt chân tới Natuna, rồi edit hai status của mình thành bài báo.

Trước đây, chỉ ước phóng viên nhà cập nhật tin tức nhanh như các báo khác, thì nay điều này đã dần trở thành hiện thực.

Xin chúc mừng TG&VN.

Bùi Trung Thướng - Trưởng bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

Mặc dù mới biết đến báo, nhưng tôi thấy hình thức bắt mắt và nội dung khá cập nhật và phong phú về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam cũng như các hoạt động của cơ quan đại diện, người Việt Nam ở nước ngoài, về phong tục, tập quán, chính sách mới của các nước.

Báo TG&VN điện tử có điểm mạnh là thông tin mới, cập nhật. Khi tìm đến báo, tôi muốn đọc các thông tin về hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ ngành và các địa phương. Tuy vậy, báo cần tăng cường tương tác, quảng bá rộng rãi hơn nữa đến đối tượng bạn đọc là công nhân viên chức và sinh viên.

Trong tương lai, báo nên phát triển theo hướng liên kết, quảng bá với các trang điện tử khác của các Bộ, ngành, địa phương, trường Đại học, cao đẳng...

Bùi Nguyên Bảo - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tôi nhìn thấy sự phát triển liên tục của phiên bản điện tử của TG&VN, thể hiện qua nỗ lực cập nhật tin tức liên tục, cạnh tranh tính thời sự với các báo điện tử khác. Những thông tin trên TG&VN điện tử là nguồn tham khảo quí báu cho công tác nghiên cứu và học tập.

Điểm mạnh của báo chính là năng lực biên dịch, phân tích của đội ngũ biên tập viên, phóng viên được đào tạo song song về kỹ năng làm truyền thông - báo chí lẫn quan hệ quốc tế. Do đó, độ tin cậy từ các tác phẩm trên báo TG&VN rất cao. Ngoài ra, tôi thấy báo TG&VN giờ đây cũng đã chịu khó cập nhật xu thế, tăng cường tương tác với độc giả qua mạng xã hội.

Báo TG&VN điện tử nên phục vụ tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào. Tôi mong báo có thể xây dựng một kho dữ liệu biên dịch và sớm số hóa những dữ liệu lịch sử liên quan đến đối ngoại Việt Nam. Đây sẽ là nguồn tham khảo quan trọng đối với độc giả, nhất là những người nghiên cứu.

Thế hệ phóng viên mới của báo phải biết: viết, chụp ảnh, sử dụng các phần mềm tích hợp báo chí đa phương tiện, không dựa quá nhiều vào người khác để cho ra đời tác phẩm. Báo cũng nên có những nhân sự làm được các công việc: biên tập clip (edit, cut, paste, effect…); sản xuất được Radio. Như vậy, mới có thể đủ thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn nữa, báo cần có chiến lược hình thành đội ngũ phóng viên đối ngoại nhạy cảm tin tức, có tư duy báo chí.

Việc báo TG&VN kết hợp với Vietnamnet làm talkshow vừa qua cho thấy báo đang lấy lại đúng vị trí lợi thế, nâng cao uy tín cho chính mình. Trong tương lai, báo điện tử cũng cần có những “đặc sản” như Chuyên trang, Giao lưu trực tuyến, Radio, Kho tư liệu ngoại giao phục vụ học thuật.

Mặt khác, báo cần tiến tới tổ chức sự kiện mang tên báo và kiến tạo các giá trị cho mình, chẳng hạn: tổ chức cuộc thi viết, cuộc thi ảnh, giải giao hữu thể thao mang Cúp TG&VN; trao giải thưởng Ngoại giao TG&VN... Đồng thời, báo cũng có thể trở thành một trung tâm học thuật về các vấn đề quốc tế hoặc thông qua tổ chức Talkshow, Hội thảo khoa học… bằng cách chủ trì hoặc liên kết với một hoặc vài đơn vị khác.

Vũ Thành Chung - Phóng viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Báo TG&VN điện tử khá mới mẻ nhưng kế thừa nội dung sâu sắc từ báo giấy. Chất lượng tốt được thể hiện dưới hình thức hiện đại sẽ là thế mạnh của báo khi ra mắt bạn đọc.

Tôi thường tìm đến các bài viết đánh giá về Trung Quốc, Mỹ, các nước thành viên ASEAN, EU, Nhật Bản, Campuchia... đặc biệt là các bài viết có tính phân tích chuyên sâu về Ngoại giao Việt Nam và các quốc gia có lợi ích liên quan.

Báo có đội ngũ các nhà báo - chuyên gia đối ngoại với bề dày kinh nghiệm và kiến thức về ngoại giao của nước nhà. Các đề tài rất phong phú đi liền với việc thể hiện được bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam trong mỗi bài viết.

Thời gian đầu khi chuyển từ tuần báo sang thành báo điện tử với yêu cầu cao về tính thời sự sẽ là sức ép không nhỏ đối với các phóng viên, biên tập viên, có thể ảnh hưởng tới chất lượng tin bài.

Báo nên thu hút thêm độc giả là đối tượng thuộc các doanh nghiệp, các cán bộ công chức viên chức ở các Bộ ngành khác. Để gần gũi hơn nữa, báo nên sử dụng thêm nhiều hình ảnh vì ảnh ngoại giao sẽ có tác động rất lớn tới bạn đọc quan tâm tới chính trị quốc tế.

Nguyễn Thu Phương - Biên tập viên báo điện tử Vietnamnet

Tôi thường tìm kiếm những bài viết bình luận chuyên sâu, có tính dự báo thể hiện bản sắc riêng của TG&VN ở phiên bản điện tử. Đặc biệt là những câu chuyện, phóng sự sinh động về đời sống người Việt Nam ở nước ngoài.

Báo TG&VN điện tử có giao diện thoáng, dễ đọc, dễ nhìn nhưng chưa đẹp, bắt mắt, hiện đại và hấp dẫn. Nội dung báo phong phú trải dài trên nhiều lĩnh vực, có những điểm nhấn nổi bật ở các mục ngoại giao đặc thù. Tuy nhiên, các mục này chưa hay, chưa cập nhật được những nội dung mới, chẳng hạn như mục Bình luận hay mục Người Việt năm châu.

Dù thông tin phong phú, đa dạng, đặc biệt là rất cập nhật tin về ngành, các hoạt động đối ngoại nhưng báo còn chưa có những bài viết thể hiện bản sắc riêng. Tại những mục như Bình luận, Chuyện ngoại giao, nên có những bài bình luận, phân tích sâu, độc đáo, cập nhật liên tục theo các sự kiện quốc tế hoặc những bài viết về hậu trường ngoại giao…

Mục Người Việt năm châu hiện đơn thuần đưa tin hoạt động, cần những bài phóng sự, phản ánh sâu câu chuyện về đời sống vật chất, tinh thần người Việt ở nước ngoài.

Trong tương lai, ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung với những bài báo có hàm lượng tri thức cao, báo cần phát triển thêm mảng nội dung đa phương tiện (ảnh, video…), xây dựng giao diện có hình thức đẹp, có điểm nhấn, bắt mắt, hiện đại, thể hiện sự tương tác với bạn đọc tốt và trở thành tờ báo của người Việt ở nước ngoài.

Đỗ Nguyệt Hương - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Báo TG&VN điện tử nhìn chung đáp ứng được nhiệm vụ phản ánh các hoạt động đối ngoại của nước ta. Mặc dù có chất lượng tốt nhưng nội dung báo cần phong phú hơn. Nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài còn thiếu thông tin chính thống về các mặt hoạt động đối ngoại trong mọi lĩnh vực. Để đáp ứng yêu cầu của những người làm công tác đối ngoại, yêu thích ngành đối ngoại, báo cần điều chỉnh để góp phần định hướng tầm nhìn đối ngoại của đông đảo độc giả hơn nữa.

Lĩnh vực tin bài đối ngoại cần mở rộng sang cả hoạt động văn hoá nghệ thuật, giáo dục, doanh nghiệp, giới thiệu truyền thống văn hoá đời sống, sinh hoạt của người Việt Nam ở trong nước, nước ngoài… với thế giới.

Bên cạnh đó, nên tích cực khai thác mục các cán bộ ngoại giao (đã nghỉ hoặc đang làm việc) viết về những kỷ niệm, những kinh nghiệm công tác và sự giúp đỡ, đoàn kết, hợp tác… của nhân dân các nước đối với nước ta.

Nếu cải tiến, việc đầu tiên cần làm là: mở rộng mạng lưới cộng tác viên, không chỉ chọn những đối tượng “hàn lâm”, tất nhiên phải đảm bảo chất lượng và chức năng đối ngoại, đường lối chính trị đối ngoại.

Rất mong báo TG&VN điện tử hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho và ngày một phát triển lớn mạnh, rộng rãi hơn.

(ghi)