📞

Động lực đưa quan hệ Việt-Mỹ lên tầm cao mới

Nhất Phong 06:03 | 10/09/2023
Kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, các Tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden là “sự tiếp nối trong cách Mỹ nhìn nhận mối quan hệ với Việt Nam”.
Động lực đưa quan hệ Việt-Mỹ lên tầm cao mới.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt-Mỹ, vốn trải qua những thăng trầm của lịch sử…

Không lâu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Tổng thống Harry Truman đề cập mối bang giao “hợp tác đầy đủ” với nước Mỹ. Hơn 50 năm sau, với nhiều nỗ lực của cả hai phía, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và 18 năm sau, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ được xác lập.

Dấu mốc 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện trong năm nay được tô điểm với chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden. Sự hiện diện của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ tại Hà Nội tiếp thêm kỳ vọng vào một mối bang giao tốt đẹp giữa hai dân tộc như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh 78 năm trước.

Tiếp nối “truyền thống”

Trả lời phỏng vấn của TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều dành thời gian thăm đất nước hình chữ S. Chuyến thăm tiếp nối “truyền thống” tốt đẹp này của Tổng thống Joe Biden đặc biệt ý nghĩa khi diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).

Với đà phát triển toàn diện, sâu rộng của quan hệ hai nước, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đánh giá, chuyến thăm kéo dài hai ngày sẽ tạo thêm khuôn khổ và động lực đưa quan hệ Việt-Mỹ phát triển lên tầm cao mới. Đây cũng chính là tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden thống nhất tại cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi về hợp tác trên nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, kinh tế - thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhân dịp này, hai bên dự kiến ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng có thể trị giá hàng tỷ USD. Kết quả của chuyến thăm, theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam dần khẳng định vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Ông Biden không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là điều chưa có tiền lệ và bản thân điều đó cũng nói lên tầm quan trọng của chuyến thăm này. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, các đời Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này cho thấy nội bộ Mỹ đã đồng thuận khá cao về tăng cường quan hệ với Việt Nam trong những năm tới”.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2011-2014) Nguyễn Quốc Cường

Thể hiện sự tôn trọng

Chia sẻ với báo chí ngày 6/9 về việc Tổng thống Joe Biden nhận lời mời thăm Việt Nam từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, hai nhà lãnh đạo đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp từ năm 2015, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên gặp ông Joe Biden, lúc đó còn là Phó Tổng thống.

Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, “ngay từ đầu, họ đã chia sẻ mối quan hệ cá nhân tốt đẹp khi cùng nhau trò chuyện, trích dẫn những câu thơ trong Truyện Kiều”. Kể từ đó, hai bên tiếp tục trao đổi thư từ. Tại cuộc hội đàm ngày 29/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam.

Như vậy, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden phản ánh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo và sự tôn trọng của Mỹ dành cho người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, điều sẽ mang lại lợi ích cho mối quan hệ song phương. Đại sứ Marc Knapper tin tưởng, chuyến thăm sẽ “thành công, với nhiều dấu ấn tích cực, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo nói riêng và Việt-Mỹ nói chung”.

Điểm lại những chuyến thăm cấp cao từ phía Mỹ sang Việt Nam tính từ đầu năm 2023, Đại sứ Marc Knapper liệt kê có tới năm quan chức cấp cao, chiếm một phần tư nội các Mỹ, bao gồm Đại diện thương mại Katherine Tai, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và mới đây, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Chưa kể nhiều đoàn nghị sĩ, doanh nghiệp đã đến thăm Việt Nam. Tháng Sáu vừa qua, tàu sân bay USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng…

Do đó, sự nối mạch của những chuyến thăm sẽ là “cách tốt nhất” để khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước, theo Đại sứ Marc Knapper.

“Hai bên cần nhau và rõ ràng có thể bổ sung cho nhau. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden thể hiện rõ câu chuyện đó. Việt Nam đang hướng tới phát triển một giai đoạn hội nhập mới, theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII hướng tới giai đoạn 2030-2045. Việt Nam đang chuyển đổi rất mạnh về phát triển kinh tế; về phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển số và phát triển sạch, điều này song trùng với những lợi ích của nước Mỹ và các tập đoàn, công ty Mỹ. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong đà quan hệ và tâm thế như vậy sẽ tạo ra những đột phá, sức bật mới cho quan hệ hai nước trong những thập kỷ tới, cả về về chính trị, ngoại giao và các lĩnh vực khác; tạo ra những đột phá và động lực cho những đột phá, đặc biệt là quan hệ kinh tế bền vững và chất lượng cao hơn, dựa vào công nghệ và chuyển đổi xanh”.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014-2018) Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ Phạm Quang Vinh

Những bước tiến dài

Nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ lạc quan về sự phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong thập niên qua, mạnh mẽ và toàn diện, cho dù là thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, y tế, năng lượng, văn hóa, giao lưu nhân dân, công nghệ, biến đổi khí hậu, không gian…

Từ góc độ nghiên cứu, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, có nhiều yếu tố để hai nước có những bước tiến dài, nhưng trước hết, đó là kết quả của tầm nhìn, quyết tâm, đóng góp của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vượt qua quá khứ, dần thu hẹp khác biệt, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ là nhờ vào sự vươn lên mạnh mẽ cả về thế và lực của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tầm trung với quy mô kinh tế đứng thứ 36 thế giới, thành viên của 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của khu vực và thế giới, vừa qua đã lọt vào tốp 30 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới, đóng vai trò ngày càng tích cực ở nhiều thể chế đa phương khu vực và quốc tế. Nền kinh tế đang trỗi dậy, thị trường 100 triệu dân và vị thế ngày càng tăng của đất nước là yếu tố quan trọng khiến các đối tác, trong đó có Mỹ, coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tương xứng với Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng nữa, đó là việc triển khai nhất quán và hiệu quả đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đem lại sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ của Việt Nam với các nước nói chung và Mỹ nói riêng trong thời gian qua.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tin rằng, cũng như 28 năm từ khi bình thường hóa quan hệ và 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, tới đây, những gì hai nước cùng hợp tác sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào các mục tiêu phát triển của Việt Nam mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra cho các mốc rất quan trọng đến năm 2030 và năm 2045.

Lịch sử đã chứng minh rằng khi quan hệ Việt-Mỹ phát triển tích cực, ổn định sẽ không chỉ phục vụ lợi ích thiết thực của người dân hai nước, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của quan hệ ASEAN-Mỹ, cũng như việc duy trì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.