📞

Đông Nam Á tiếp tục đối mặt với mối đe dọa từ IS

22:24 | 23/12/2016
Các quốc gia Đông Nam Á cần nỗ lực đề cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thất thủ ở Trung Đông.

Mục tiêu mới

Ngày 22/12, tờ Straits Times của Singapore dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nhận định rằng IS hiện đang thất thủ và có thể đang nhắm đến khu vực Đông Nam Á như một cứ điểm khủng bố tiếp theo của tổ chức này thay vì khu vực Trung Đông.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Hussein cho biết: "Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf và các nhóm khủng bố khác đã tuyên bố ủng hộ IS. Nếu các tay súng IS tháo chạy khỏi Iraq và Syria, như những gì đang xảy ra ở Aleppo, Mosul và Raqqa, tôi hy vọng sự hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á có thể được tăng cường vì có khả năng IS sẽ thiết lập một vương quốc Hồi giáo (caliphate) ở khu vực chúng ta".

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia viện dẫn một ví dụ của hợp tác Đông Nam Á về vấn đề này là hiệp định 3 bên giữa Malaysia, Indonesia và Philippines. Theo đó, 3 nước sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra phối hợp, tuần tra chung và truy đuổi ngoài khơi bang Sabah trên đảo Borneo của Malaysia và miền Nam Philippines.

Trước đó, đầu tháng 12, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Gatot Nurmantyo, đã cảnh báo rằng IS đang xây dựng căn cứ của lực lượng này ở đảo Mindanao, miền Nam Philippines.

Đe dọa an ninh khu vực

Cuộc chiến chống khủng bố của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, những diễn biến mới nhất cho thấy, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy, khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố.

Thực tế, IS cũng đang nhắm đến việc tạo ra một nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Philippines, sau đó có thể lan sang Singapore và nhiều nước khác. Dường như các nhóm IS ở Đông Nam Á đang có kế hoạch gắn kết các cuộc tấn công trong khu vực. Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia, những nước có đa số người dân theo đạo Hồi. Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh phải hứng chịu những tổn thất nặng nề ở Syria, các thủ lĩnh của IS buộc phải tìm kiếm địa bàn hoạt động mới và chúng muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để “quảng bá thương hiệu” trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây.

Không những vậy, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhận định rằng, Đông Nam Á đang trở thành một điểm nóng chiêu mộ chiến binh của IS. Thêm vào đó, sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội có thể giúp IS tăng nhanh số lượng phiến quân thánh chiến đến từ các quốc gia Hồi giáo Đông Nam Á.

Cần chia sẻ thông tin tình báo

Trên thực tế, theo ước tính của Liên hợp quốc năm 2016, 516 người Indonesia đã rời bỏ quê hương tới Syria để chiến đấu cho IS. Như vậy, Indonesia cũng phải đối mặt với mối đe dọa đó là việc công dân nước mình gia nhập IS ở Syria, có kinh nghiệm khủng bố rồi trở về tổ chức các cuộc tấn công. Kể từ năm 2000 đến nay, Indonesia đã hứng chịu một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu do các nhánh của al-Qaeda thực hiện, trong đó vụ đánh bom tại Bali năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng. Indonesia tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công khủng bố khi hồi tháng 1/2016, IS đã thực hiện 7 vụ đánh bom liên hoàn và xả súng tại trung tâm thương mại Sarinah ở Jakarta làm 8 người thiệt mạng và 20 người bị thương.

Loạt vụ nổ bom và đấu súng bên ngoài trung tâm mua sắm Sarinah, thủ đô Jakarta, Indonesia hôm 14/1. (Nguồn: EPA)

Đến tháng 4, IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Singapore sẽ nằm trong các mục tiêu tấn công tiếp theo. Ngày 5/8, Singapore đã rúng động trước âm mưu tấn công bằng rocket nhằm vào khu Marina Bay, một trong những địa điểm trung tâm thu hút đông đảo khách du lịch nhất của Singapore. Ngày 6/8, cảnh sát Indonesia cho biết họ đã xác định Gigih Rahmat Dewa, 31 tuổi, một công nhân nhà máy, xuất thân từ thành phố Solo của Indonesia, là thủ lĩnh nhóm 6 đối tượng bị bắt giữ hôm 5/8 tại đảo Batam, Indonesia vì tình nghi âm mưu bắn rocket từ đảo Batam sang Singapore. Các nhà điều tra khẳng định rằng nhóm đối tượng này đã liên lạc trực tiếp với Bahrun Naim, một phần tử thuộc IS ở Syria và chính Naim đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công khu Marina Bay.

Trước tình hình đó, các nước này cũng tăng cường các biện pháp đối phó với nạn khủng bố. Mới đây nhất, ngày 21/12, cảnh sát Indonesia đã đập tan các âm mưu của một nhóm có liên quan đến IS nhằm tiến hành đánh bom liều chết vào dịp lễ Giáng sinh, sau khi lực lượng này phát hiện ra nơi cất giấu bom tại một ngôi nhà ở ngoại ô thủ đô Jakarta và tiêu diệt 3 nghi can. Vụ việc này diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi cảnh sát Indonesia bắt giữ 4 phiến quân IS, gồm một đối tượng nữ đánh bom liều chết tại Bekasi, phía Đông Jakarta. Những phần tử thánh chiến cực đoan này đang âm mưu đánh bom nhằm vào một trong những chốt an ninh tại Dinh Tổng thống.

Cùng ngày, cảnh sát Malaysia cho biết đã bắt giữ 7 đối tượng, trong đó có 4 người nước ngoài và 3 người Malaysia có liên hệ với IS và lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công tại Malaysia và Myanmar. Một trong số này nhận lệnh của tên Muhammad Wanndy Jedi, một người Malaysia bị cảnh sát cho là đang chiến đấu cho IS tại Syria, tấn công tại nhiều điểm vui chơi giải trí ở thủ đô Kuala Lumpur và thành phố Malacca.

Việc Đông Nam Á đang trở thành mục tiêu để IS phát triển các cơ sở mới sẽ đặt ra những thách thức vô cùng lớn đối với khu vực. Điều này đòi hỏi các nước Đông Nam Á cần đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin tình báo để đối phó với mối đe dọa này.

(theo Straitstimes)