Tiềm năng lớn
Báo cáo “Vai trò của châu Á-Thái Bình Dương trong Chuỗi cung ứng toàn cầu” mới đây của tập đoàn Cushman & Wakefield Việt Nam (C&W) cho thấy, sức mạnh thương mại nội vùng ở châu Á sẽ đưa vai trò của châu lục này trên bản đồ thương mại toàn cầu thay đổi, khi những thương vụ giao dịch nội vùng ngày càng mạnh mẽ.
Theo ông Tim Foster - Giám đốc bộ phận tư vấn Chuỗi cung ứng và Hậu cần, C&W châu Á Thái Bình Dương: “châu Á sẽ tiếp tục là khu vực cung cấp nguồn hàng thành phẩm chính cho các thị trường tiêu dùng trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ sẽ dẫn đầu trong việc tăng cường sản xuất linh kiện và lắp ráp phụ. Đồng thời, những quốc gia này sẽ tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị và bắt đầu sản xuất nhiều sản phẩm hoàn thiện hơn trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn từ nhu cầu trong nước”.
Nhờ sức mạnh thương mại nội vùng, đưa vai trò của châu Á trên bản đồ thương mại toàn cầu thay đổi (Ảnh: C&W) |
Ông Tim Foster chia sẻ thêm, nhu cầu sản xuất hàng thành phẩm cũng sẽ tăng mạnh ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép và đồ nội thất. Trong đó, các nền kinh tế châu Á như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Indonesia… sẽ là những thị trường được hưởng lợi nhiều nhất.
Bên cạnh đó, những mặt hàng chuyên dụng và chịu mức phí vận chuyển cao như cao su, nhựa, thủy tinh, hóa chất và xi măng… sẽ được giao dịch mạnh hơn trong nội khu vực, cũng sẽ góp phần đưa khu vực này từng bước trở thành ngôi sao trong mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các sản phẩm về ngành hàng thực phẩm và đồ uống cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội vùng mạnh mẽ, do những mặt hàng này có tính dễ hư hỏng và khách hàng luôn có nhu cầu truy xuất nguồn gốc của sản phẩm cũng như chuỗi lưu trữ lạnh.
Do vậy, các nước Indonesia, Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ là những thị trường chủ chốt trong quá trình lưu kho và luân chuyển hàng hóa. Hậu cần kho lạnh là loại tài sản rất thu hút trong thời gian gần đây, nhờ vào làn sóng xuất nhập khẩu thuốc và vaccine trong thời gian qua, cùng với sự gia tăng đột biến của thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm”, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc C&W Việt Nam nhận định.
Cần hoàn thiện chuổi kết nối
Hai thành phần chính của thị trường hậu cần hiện tại là kho lạnh thương mại và các cơ sở tự vận hành. Các công ty cạnh tranh dựa trên các thông số khác nhau như sức chứa nhà kho, số lượng pallet, đội xe với xe tải chuyên nghiệp, phạm vi nhiệt độ, phạm vi mạng lưới và địa điểm.
Tuy nhiên, theo bà Trang Bùi, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á đang hưởng nhiều lợi thế của cả vùng, nhưng thị trường hậu cần lạnh ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn khá non trẻ và phát triển rời rạc.
Mặc dù vậy, báo cáo của C&W cũng dự báo thị trường dây chuyền lạnh ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với khoảng 169 triệu USD vào năm 2019, để đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025, tương ứng với mức tăng trưởng khoảng 12%/năm, nhờ sự bùng nổ đón đầu cung cấp vaccine, tăng trưởng trong chế biến thủy sản và nhu cầu tiêu dùng.
Kho lạnh thương mại chính là yếu tố quyết định thành công chuỗi cung ứng (Ảnh: C&W) |
Rõ ràng, với tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại nội vùng, các tập đoàn trong khu vực cũng cần phải thiết kế và xây dựng lại mạng lưới hậu cần và công nghiệp của họ. Doanh nghiệp nào bắt kịp được tốc độ tiếp cận thị trường và khoảng cách giao hàng tới khách hàng sẽ là giành nhiều cơ hội chiến thắng.
Bên cạnh đó, với chi phí BĐS công nghiệp ngày càng tăng, và thực tế giai đoạn thiết kế chuỗi cung ứng sẽ quyết định 80% giá trị và chi phí của mạng lưới, báo cáo của C&W cũng đã đưa ra 03 yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư BĐS công nghiệp nhằm giúp nhà đầu tư tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong toàn khu vực, gồm (1) Thiết kế mạng lưới sẽ theo nhu cầu của doanh nghiệp; (2) Vị trí của cơ sở sẽ phụ thuộc nhiều vào ngành nghề mà doanh nghiệp hoạt động; (3) Thông số kỹ thuật của tòa nhà chính là thích ứng với tốc độ đổi mới công nghệ, phù hợp nhu cầu của khách hàng, yêu cầu kinh doanh và các quy trình, trình tự bố trí và tự động hóa của cơ sở.
Ngoài ra, những năm gần gần đây, các doanh nghiệp đã có thêm các yêu cầu về ESG (Environmental, Social, và (Corporate) Governance), là những yếu tố sản xuất và xây dựng công nghiệp bền vững.
Như vậy, tiềm năng lớn nhưng để hưởng lợi và phát huy sức mạnh, trở thành “ngôi sao” hàng đầu trong mạng lưới cung ứng, điều quan trọng đầu tiên là thiết kế mạng lưới chuỗi cung ứng tối ưu, sau đó thực hiện các yêu cầu về bất động sản. Việc kết hợp các yếu tố này lại với nhau một cách chặt chẽ cung cấp cách tiếp cận mạnh nhất để điều hướng sự chuyển đổi trong ngắn hạn và dài hạn", ông Foster nhận định.
| Định vị lại kinh tế Việt Nam: Vượt qua thách thức từ đại dịch Covid-19, bắt nhịp với các xu thế của thế giới Covid-19 đang tạo ra những thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, gây nên cú sốc lớn cả phía cung và cầu, ... |
| Vẽ lại bức tranh lợi thế so sánh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu Sự đứt gãy và hồi phục của các chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch sẽ chỉ là cơ hội cho nền kinh tế ... |