Trong phiên đối thoại đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2017 diễn ra mới đây, Tổng Giám đốc của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam Vinacapital Don Lam cũng đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về hiện tượng này. “Vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài? Số tiền đưa ra nước ngoài rất lớn có phải cho thấy doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam?”, ông Don Lam bày tỏ.
Người Việt chi hơn 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ. (ảnh minh họa) |
Trả lời câu hỏi của ông Don Lam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dòng tiền đưa ra nước ngoài đã minh chứng Việt Nam là môi trường tự do kinh doanh rất tốt. Song, việc đưa tiền ra nước ngoài cũng là hiện tượng cần suy nghĩ.
Nhận định về dòng tiền này, giới chuyên gia cho rằng, có rất nhiều cách chuyển tiền chính thức mà người Việt có thể đã áp dụng để chuyển tiền ra nước ngoài như “núp bóng” chuyển tiền mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh, du học... Tuy nhiên, vẫn còn những cách chuyển một số tiền lớn không chính thức, nhưng cũng không phạm luật. Nhưng tại thời điểm này, quy định của luật pháp chưa nêu rõ cách chuyển này là hợp pháp hay bất hợp pháp. Vì thế, cần sự lên tiếng, cũng như hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý - Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.
Trong tương lai, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và cả những dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài cho học tập, chữa bệnh và nghỉ ngơi của Việt Nam đang và sẽ ngày càng đa dạng về hình thức và lĩnh vực, mở rộng phạm vi và tăng về quy mô và luôn có tác động hai mặt. Điều này đòi hỏi cần diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, nhất là cần ngăn chặn hiệu quả “sự chạy trốn” ra nước ngoài của những dòng tiền có được từ tham nhũng, buôn lậu và từ các hoạt động bất minh khác đã, đang và sẽ gây tổn hại cho lợi ích quốc gia.