Đồng USD mạnh đến ‘mức nguy hiểm’ đang cuốn châu Á vào khủng hoảng tài chính? (Nguồn: Globaltrademag) |
Dưới tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với biên độ lớn và đồng USD vọt lên mức cao mới, các đồng tiền châu Á nhìn chung đã rơi xuống mức thấp trong lịch sử.
Vòng luẩn quẩn
Trong Báo cáo cập nhật tại kỳ họp thường niên, IMF cảnh báo “Đối với nhiều thị trường mới nổi, sức mạnh của USD đang là một thách thức lớn”. Phản ứng thích hợp ở hầu hết các nước mới nổi và đang phát triển là điều chỉnh chính sách tiền tệ để duy trì ổn định giá cả, đồng thời để tỷ giá hối đoái điều chỉnh, bảo toàn dự trữ ngoại hối có giá trị cho khi điều kiện tài chính thực sự xấu đi".
Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp đã hoặc sắp lâm vào tình trạng nợ nần, thì việc thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm mọi thứ.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục mất đà và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, Fed chưa có ý định dừng thắt chặt chính sách tiền tệ, bởi họ không có nhiều lựa chọn ngoài tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát, đẩy giá trị đồng USD tăng.
Giáo sư Eswar Prasad tại Cornell, tác giả của một số cuốn sách về tiền tệ cho biết: “Đối với phần còn lại của thế giới, đây là một tình huống không ai có lợi”. Nhưng ông cũng cho rằng, Fed không có lựa chọn nào khác ngoài hành động tích cực để kiểm soát lạm phát, bởi, "bất kỳ hành động chậm trễ nào đều có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn”.
Nghiên cứu mới về tác động của đồng USD mạnh đối với các quốc gia mới nổi cho thấy rằng, nó kéo lùi sự tiến bộ kinh tế trên diện rộng. Mỗi quyết định của Fed là một hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia khác - đẩy giá cả lên cao, tăng quy mô thanh toán nợ và làm tăng nguy cơ suy thoái sâu.
Tuy nhiên, bất chấp tác động mà đồng USD mạnh đang gây ra, hầu hết các nhà kinh tế đều nói rằng, kết quả toàn cầu sẽ tồi tệ hơn nếu Fed không ngăn chặn được lạm phát ở Mỹ.
Trong một bài phân tích, tờ The New York Times nhấn mạnh hiện tượng suy yếu tiền tệ trên diện rộng này xuất hiện lần gần đây nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, để tránh một lần nữa rơi vào sóng gió, các nước đang ra sức ổn định tỷ giá hối đoái. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, có rất ít khả năng châu Á sẽ một lần nữa chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính.
Tikun, một người kinh doanh quán cà phê ở thành phố Penang, Malaysia, đang đối diện với hai khó khăn. Một là tỷ giá hối đoái của đồng Ringgit rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua và hai là giá cà phê hạt tính theo USD tăng mạnh, giá bơ và bột mỳ cũng leo thang chóng mặt khiến lợi nhuận của quán cà phê thu hẹp ít nhất 25%.
Tuy nhiên, vị chủ quán cà phê này không muốn mạnh tay điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm đồ uống và thức ăn, bởi sợ mất khách.
USD là đồng tiền giao dịch chủ chốt trên toàn cầu nên việc Fed tăng mạnh lãi suất đã thúc đẩy giá trị đồng USD tăng cao, khiến giá năng lượng, lương thực và các loại hàng hóa chiến lược vốn đã cao do dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine nay lại tiếp tục leo thang.
Chính phủ các nước châu Á đã lần lượt can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ. Tháng trước, Nhật Bản đã lần đầu tiên can thiệp hỗ trợ đồng Yen trong 24 năm qua. Ở Trung Quốc, tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất của 14 năm, buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC phải ban hành một loạt biện pháp để kiềm chế đà mất giá của Nhân dân tệ, bao gồm cảnh báo nhà đầu tư không đặt cược vào sự mất giá của đồng nội tệ Trung Quốc.
Một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 1997 có thể tái diễn?
Áp lực mà các đồng tiền châu Á đối diện hiện nay khiến mọi người liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Khi đó, các nhà đầu cơ mạnh tay bán tháo đồng Bath, mặc dù Ngân hàng trung ương Thái Lan đã tung dự trữ ngoại hối đề bảo vệ đồng nội tệ, nhưng cuối cùng dự trữ cạn kiệt, tỷ giá hối đoái của đồng Bath tiếp tục lao dốc dẫn đến một phản ứng dây chuyền ở châu Á.
Đồng tiền các nước mất giá, thị trường chứng khoán rơi thẳng đứng, các doanh nghiệp ồ ạt phá sản, kinh tế châu Á suy thoái nghiêm trọng.
Nhà kinh tế trưởng của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN và Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc (AMRO) Hoe Ee Khor nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tài chính năm đó đã gây ra tổn thất nặng nề. Chính vì vậy những nước này đã quyết tâm thúc đẩy rộng rãi cải cách tài chính sau khi "cơn bão" đi qua.
Do vậy, hầu hết các chuyên gia kinh tế và các nhà phân tích trên thị trường tài chính đều cho rằng khả năng tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á của 25 năm trước là rất thấp, bởi vì nền tảng kinh tế châu Á hiện nay là chắc chắn hơn trước đây.
Các nước cũng đã rút được bài học kinh nghiệm, thiết lập cơ chế tài chính có khả năng chống chịu địa chấn mạnh hơn, bao gồm việc giúp nền kinh tế nước mình ít chịu ảnh hưởng từ xu hướng đồng USD mạnh lên, chẳng hạn như giảm vay nợ bằng đồng USD.
Hiện nay, tổng quy mô thị trường trái phiếu bằng nội tệ của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ước tính tương đương khoảng 123% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước này, cao hơn mức 74% của năm 2000.
Nhiều nước châu Á vốn neo vào đồng USD đã thực hiện chế độ tỷ giá cố định đã thay đổi và chuyển sang thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, giúp đồng nội tệ dao động theo thị trường. Mặc dù điều này sẽ khiến biến động tỷ giá mạnh hơn, nhưng có lợi cho việc giảm nhẹ áp lực tích lũy, tránh xảy ra khủng hoảng.
Ngoài ra, thu nhập ngoại hối của hầu hết các nước châu Á lớn hơn chi tiêu, do đó họ đã tích lũy được một lượng lớn dự trữ ngoại hối, có thể mang ra sử dụng khi cần thiết để duy trì xuất khẩu và ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ. Giáo sư Kinh tế Sayuri Shirai của Đại học Keio, Nhật Bản nhấn mạnh rằng chính vì có sự cải cách nói trên nên tình hình hiện nay của châu Á tốt hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, đồng USD mạnh vẫn thách thức năng lực chống chịu của châu Á, các ngân hàng trung ương ở châu Á đã lần lượt buộc phải sử dụng quỹ dự trữ, bán USD mua vào nội tệ để ổn định tỷ giá hối đoái. Theo ước tính của Nomura Holdings, Ấn Độ và Thái Lan đã lần lượt sử dụng 75 tỷ USD và 27 tỷ USD để can thiệp vào thị trường trong năm nay, tương đương với ít nhất 10% dự trữ ngoại hối của hai nước này.
Đối diện với tình trạng đồng nội tệ mất giá, lợi nhuận bị thu hẹp, các doanh nhân châu Á buộc phải có sự điều chỉnh. Một nhà bán lẻ nội thất ở Seoul mỗi năm nhập khẩu sản phẩm nội thất từ nước ngoài trị giá 15-20 triệu USD, nhưng do tỷ giá giữa đồng Won và USD suy yếu nên công ty này đã bắt đầu giảm 10% hàng hóa nhập khẩu từ tháng 5/2022.
Một nhân viên kinh doanh lo ngại nói rằng, công ty sẽ buộc phải sa thải nhân viên nếu đồng USD tiếp tục duy trì xu thế mạnh lên và lạm phát vẫn neo ở mức cao.