Đồng Yên yếu có khả năng buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lựa chọn tăng lãi suất. (Nguồn: The Economist) |
Đồng Yên giảm mạnh đẩy chi phí nhập khẩu lên cao, gây ra lạm phát, nhưng cũng làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng vốn đang ở mức yếu và ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Theo nguồn tin từ 5 quan chức chính phủ và các nguồn tin khác, nếu tình trạng tiêu dùng và kinh tế trì trệ kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp nhỏ không muốn tăng lương, BOJ có thể sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất ít nhất cho đến tháng 10.
Xu hướng tăng chậm
BOJ dự kiến điều chỉnh tăng dự báo lạm phát trong năm nay tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 26/4 và duy trì mục tiêu lạm phát 2% cho đến năm 2026. Điều này nhấn mạnh BOJ sẵn sàng nâng lãi suất từ mức 0% vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, BOJ có khả năng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay trong các quý mới, một phần do tiêu dùng và sản lượng nhà máy trì trệ.
Xu hướng tăng lãi suất chậm trái ngược với kỳ vọng của một số nhà giao dịch tiền tệ và người theo dõi BOJ. Họ cho rằng đồng nội tệ yếu là lý do khiến BOJ có thể sớm nâng lãi suất.
Kỳ vọng này một phần dựa trên những điều chỉnh chính sách kiểm soát lợi suất trái phiếu của BOJ vào năm ngoái, vì việc kiềm chế lãi suất dài hạn đã vô tình khiến đồng Yên giảm mạnh, dẫn đến sự phản đối từ các nhà hoạch định chính sách.
Cựu quan chức BOJ Nobuyasu Atago cho biết cách tiếp cận dựa trên dữ liệu mới của ngân hàng Trung ương đồng nghĩa với việc họ sẽ đợi đến ngày 15/8, khi dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 (tháng 4-tháng 6) được công bố, nhằm xác nhận liệu tăng trưởng có thực sự phục hồi hay không trước khi tăng lãi suất.
Ông Atago, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Rakuten Securities nhận định: “Trừ khi đồng Yên giảm giá nhanh, khả năng BOJ tăng lãi suất vào mùa Hè là rất thấp’.
Rủi ro nhãn tiền
Đồng Yên yếu kèm với rủi ro cho nền kinh tế. Mặc dù có thể thúc đẩy xuất khẩu nhưng sự sụt giảm của đồng Yên sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và nguyên liệu thô, gây tổn hại cho các hộ gia đình và nhà bán lẻ.
Những hậu quả từ đồng Yên yếu ập tới vào thời điểm nhạy cảm đối với BOJ. Sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài tám năm vào tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đang thận trọng đánh giá thời điểm thích hợp để tăng lãi suất trở lại.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, điều kiện then chốt để tăng lãi suất lần nữa là việc tăng lương mạnh ở các công ty lớn sang các doanh nghiệp nhỏ, giá dịch vụ cũng phải tăng cao để phản ánh chi phí lao động gia tăng. Tuy nhiên, mức tiêu dùng hiện nay giảm do chi phí sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng đến các hộ gia đình và khiến công ty không muốn đẩy giá và tiền lương lên cao.
Việc chờ đợi đến mùa Thu sẽ loại bỏ khả năng BOJ tăng lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 7 và sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Đồng Yên từng ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế và dẫn đến những thay đổi chính sách của BOJ trong quá khứ, nhưng chính sách này không nhắm mục tiêu trực tiếp vào tỷ giá hối đoái. Trong bối cảnh đó, ông Ueda cho biết, BOJ sẵn sàng ứng phó nếu động thái của đồng Yên có tác động lớn đến nền kinh tế và lạm phát.
Tuy nhiên, hiện tại, những lo ngại về nền kinh tế mong manh của Nhật Bản có thể khiến BOJ phải hành động thận trọng. Hai trong số chín thành viên hội đồng quản trị của BOJ không đồng tình với quyết định chấm dứt lãi suất âm hồi tháng 3. Ngay cả ông Naoki Tamura, nhà hoạch định chính sách theo quan điểm cứng rắn, cũng cho biết ông thích cách tiếp cận “chậm nhưng chắc chắn” từ thời điểm này.
Các yếu tố chính trị cũng tạo ra rào cản cho việc tăng lãi suất sớm. Vào ngày BOJ chấm dứt lãi suất âm, trước giới báo chí, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định “việc duy trì môi trường tiền tệ thuận lợi là điều thích hợp”, cho thấy ông đồng tình với việc duy trì lãi suất siêu thấp trong thời gian dài.