📞

Đột phá tư duy và sức bật thể chế

07:15 | 23/02/2019
Năm 2019 có nhiều cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi cả nước có thêm nhiều nỗ lực và sức bật thể chế, chủ động đổi mới và sáng tạo, hội tụ và lan tỏa từ nỗ lực chuyển động chung của cả bộ máy quản lý và hệ thống chính trị...

Năm 2018, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm qua, vượt mọi dự báo lạc quan nhất.

Hiệu quả từ đột phá tư duy

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN) 2018, Việt Nam đã được Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey xếp vào nhóm 18 nước “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi toàn cầu. Đồng thời, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 10 chỉ số được đánh giá, Việt Nam có 6 chỉ số tăng điểm; 3 chỉ số giữ nguyên điểm và có 1 chỉ số tụt hạng, trong đó chỉ số Đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng 2 bậc so với năm trước.

Năm 2018, Việt Nam có 36 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, sản xuất và xuất khẩu... nên cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên tinh hơn và ngày càng đa dạng hóa. Năm 2018, Việt Nam có 36 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tỷ trọng các mặt hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu giá trị cao (như điện thoại, máy tính, máy ảnh, hàng điện tử và linh kiện) chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa so với mức chỉ 5% trong năm 2010.

Đặc biệt, nhờ cải thiện môi trường đầu tư, tỷ trọng và vai trò khu vực tư nhân tăng mạnh, trở thành động lực ngày càng quan trọng của nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư xã hội năm 2018, chiếm 43,3%, tăng 18,5% so với năm 2017, so với con số tương ứng của khu vực FDI là 23,4% và 9,6%, của khu vực nhà nước là 33,3% và 3,9%.

“Không ngủ quên trên cành nguyệt quế”

Với những đột phá tư duy và thể chế tạo động lực mạnh và sức bật mới, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa những chuyển biến lớn, đạt được mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ được ổn định vĩ mô, chuẩn bị cho đất nước phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả hơn, với nhiều kỳ vọng lớn lao và tự tin hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, “không ngủ quên trên cành nguyệt quế” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam vẫn rất cần tỉnh táo và thận trọng nhìn thẳng vào những thách thức: Thâm hụt ngân sách và nợ công, nợ xấu, áp lực lạm phát vẫn ở mức cao. Tình trạng nhập siêu, nông dân bỏ ruộng, thiếu hợp tác trong sản xuất liên doanh liên kết còn đáng quan ngại. Tệ nạn xã hội, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, các vi phạm về môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn.

Đặc biệt, Việt Nam đang đối diện xu hướng mất dần lợi thế giá nhân công rẻ và suy giảm một số ngành truyền thống; gia tăng áp lực thất nghiệp sau tuổi 35 trước làn sóng công nghệ 4.0. Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 4,4% của Singapore và 17,4% của Malaysia, và tốc độ tăng lương bình quân đang vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất vốn của Thái Lan là trên 700%, Trung Quốc và Ấn Độ gần 300% và của Nga là 300%, trong khi của Việt Nam chỉ khoảng 160%. 

Năm 2018, các Bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3346/6191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17,5 triệu ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Song, như Thủ tướng yêu cầu, việc cắt, giảm các điều kiện kinh doanh cần thực chất hơn; cần hoàn thiện nhanh hơn các thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng, thương hiệu và tài sản công ty; sớm điều chỉnh các quy định về thuế phù hợp Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa...

 Động lực và sức bật thể chế cho phát triển năm 2019 cũng cần được khơi thông, hội tụ và lan tỏa từ nỗ lực chuyển động chung của cả bộ máy quản lý và hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ “bàn tay” Nhà nước và “bàn tay” thị truờng; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp và chính sách, với phương châm “hành động, kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả”; đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực phát triển; tăng năng lực phản ứng chính sách, phản ứng thị trường kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến trong nước, quốc tế; quyết liệt tháo gỡ các thể chế kinh tế lạc hậu, cũ kỹ, cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng tự do hóa và quản lý cạnh tranh lành mạnh, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển; giảm nhẹ gánh nặng chi phí, thúc đẩy khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác dự báo, nhận diện và thích ứng kịp thời các rào cản kỹ thuật; nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, để tinh thần cởi mở, sự hứng khởi và niềm tin của doanh nghiệp và người dân lan tỏa trong xã hội và thị trường Việt Nam, cần thực sự đẩy mạnh công tác cán bộ, coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng.