|
Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, 10 năm trước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết (NQ) số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, nhìn lại thời điểm đó, ông đánh giá như thế nào về vai trò và ý nghĩa sự quyết tâm này của Bộ Chính trị ta? Trước hết, NQ đã khẳng định chủ trương hội nhập toàn diện, đây là bước phát triển mới và được coi là định hướng chiến lược lớn. Bên cạnh đó, NQ nhấn mạnh phải phát huy được nội lực nhưng đồng thời phải tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi và nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, NQ nêu bật tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt là tham gia xây dựng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử quốc tế. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, tháng 12/2021. |
Một nguyên tắc trong tiến trình hội nhập này, đó là phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, đi đôi với dựa trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. NQ cũng chỉ rõ rằng, trong hội nhập quốc tế, có cả mặt thuận lợi và bất lợi, nhiệm vụ là phải vừa tìm cách kiểm soát được mặt bất lợi, đồng thời phải tranh thủ được tối đa các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và bảo vệ Tổ quốc. NQ cũng đi kèm với những biện pháp phối hợp triển khai cụ thể. Nhìn lại 10 năm trước khi NQ “ra đời”, cũng xin được nêu thêm một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, thời điểm đó, chúng ta đã bước vào thời kỳ đổi mới. Từ năm 1986-2013 là quá trình chúng ta đạt được nhiều kết quả trong xây dựng và phát triển đất nước, về nhà nước pháp quyền cũng như trong hợp tác quốc tế. Thứ hai, liên quan đến hội nhập, chúng ta đã có 10 năm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn 2001-2011, với nhiều kết quả và bài học ý nghĩa. Theo đó, đất nước đứng trước vận hội mới và đủ năng lực để đưa hội nhập quốc tế bước sang giai đoạn mới, toàn diện, về kinh tế và trên tất cả các lĩnh vực khác. Thứ ba, với kết quả của đổi mới và hội nhập, đất nước cũng bước sang giai đoạn đầu của thu nhập trung bình, Việt Nam có thể đẩy mạnh tính tích cực và chủ động trong hội nhập quốc tế, bao gồm cả về tham gia xây dựng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung của khu vực, quốc tế. Cuối cùng, NQ ra đời vào thời điểm năm 2013, cho thấy sự nắm bắt xu thế và thời cơ về hội nhập và hợp tác quốc tế, ngay cả khi tình hình thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và các phức tạp trong quan hệ quốc tế. Điều có ý nghĩa quan trọng, đó là chủ trương kết hợp giữa nội và ngoại lực phục vụ cho phát triển, đồng thời, thông qua hợp tác và hội nhập quốc tế, tiếp tục củng cố và đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và giữ vững môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh và phát triển, cũng như nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. |
|
Thế nên, nếu như nhìn lại các thành tựu và hành trình 10 qua, kể từ năm 2013, rõ ràng NQ có ý nghĩa là bước đột phá tư duy chiến lược và thực tiễn cho giai đoạn hội nhập mới, đó là từ hội nhập lấy trọng tâm về kinh tế sang hội nhập toàn diện, kết hợp nội dung tranh thủ kinh tế cùng với hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực, từ đó phục vụ tốt nhất cho hai nhiệm vụ chiến lược về xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt chiến lược hội nhập là bảo vệ tốt nhất cho lợi ích quốc gia, đi đôi với hợp tác quốc tế và gìn giữ môi trường thuận lợi cho hòa bình, phát triển, phát huy vị thế của đất nước. Đó là nguyên tắc mà chúng ta thường nhấn mạnh, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Như vậy, thực tế 10 năm qua minh chứng rõ ràng là NQ đã tạo tiền đề chiến lược cho một thập niên phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, về hội nhập quốc tế và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. |
“Diện mạo” của đất nước, qua góc nhìn của Đại sứ, đã đổi thay như thế nào trong 1 thập niên qua khi Nghị quyết đi vào thực tiễn? Có lẽ, có 3 điều rất rõ ràng và quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt đất nước trong 10 năm triển khai hội nhập quốc tế. Một là, cùng với đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế đã tạo ra cho Việt Nam đà phát triển mới, cao hơn rất nhiều và toàn diện các mặt so với 10 năm trước đây. Những con số cụ thể nói lên điều đó. Ví dụ, GDP của Việt Nam vào 2013 chỉ là 212 tỷ USD nhưng sau 10 năm, đã tăng hơn gấp đôi, đến nay, vượt trên 400 tỷ USD. Thương mại (xuất-nhập khẩu) của Việt Nam hiện nay đạt mức trên 730 tỷ USD, độ mở của nền kinh tế được cho là xấp xỉ 200%. Theo đó, ngoài việc phát triển dựa vào nội lực và đổi mới, thì hội nhập quốc tế đã có những đóng góp vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực bên ngoài, từ thương mại, đến đầu tư, vốn FDI, quan hệ kinh tế với các nước. |
Hội nhập quốc tế đã góp phần thay đổi bộ mặt đất nước. |
Hai là, chúng ta đã tiếp tục củng cố và giữ gìn môi trường quốc tế thuận lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển của Việt Nam, để từ đó đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện tốt hai chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ba là, vai trò, vị thế của Việt Nam được các nước đánh giá rất cao ở khu vực và trên thế giới. Chúng ta dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ để đóng góp vào những hoạt động chung, vừa tranh thủ cho Việt Nam vừa đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Tựu chung lại, trong 10 năm qua, chúng ta đã tăng cường hơn nữa quan hệ các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác chủ chốt, với ASEAN, APEC, LHQ. Đến nay, Việt Nam đã có 30 đối tác chiến lược hay toàn diện. Cùng với đó là việc tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao, như CPTPP, EVFTA, RCEP… Chính điều này đã góp phần tạo những điều kiện rất thuận lợi cho phát triển và an ninh của đất nước, tạo các khuôn khổ quan hệ và hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài, hiệu quả và đan xen lợi ích với các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực, từ đó phục vụ cho phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, hội nhập cũng giúp chúng ta tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò quốc tế, nhất là tại các thể chế đa phương toàn cầu và khu vực. Điều đó được thể hiện rõ khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lần thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2021), Chủ tịch APEC 2017… Hiện nay, Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việt Nam thực sự đã phát huy được một vị thế mới trong việc tranh thủ quốc tế, cũng như đóng góp vào các công việc chung, về hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội, bao gồm xây dựng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế, cũng như về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhấn mạnh luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ... Qua đó, chúng ta đóng góp vào xây dựng các chuẩn mực và luật chơi của thế giới. 10 năm qua là hành trình Việt Nam “hòa mình vào biển lớn”, trong hành trình ấy, có những điểm nhấn nào Đại sứ thực sự ấn tượng? Điều ấn tượng thì rất nhiều. Nhưng nếu được bổ sung, xin có mấy ý chia sẻ về câu chuyện liên quan đến hội nhập và đối ngoại có thể rút ra như sau. Trước hết, đó là bài học về kết hợp nội lực và ngoại lực. Chúng ta càng làm tốt việc phát huy sức mạnh của chính mình thì càng có điều kiện để tranh thủ được quốc tế. Khi chúng ta đã tranh thủ được quốc tế mà lại có sức mạnh nội tại thì càng phát huy vai trò được nhiều hơn. Vậy nên, câu chuyện kết hợp giữa trong-ngoài hay sức mạnh dân tộc - thời đại là quan hệ hữu cơ, tương tác cộng hưởng với nhau, không mặt nào tách biệt mặt nào. Ví dụ, chúng ta nhìn nhận hội nhập có hai mặt, cơ hội và thách thức. Khi ta mạnh hơn, thì vừa tranh thủ tốt hơn, cũng lại vừa hạn chế mặt nghịch hiệu quả hơn. Có lúc, chúng ta còn trăn trở, liệu hội nhập thì có “hòa tan”, có bị lép vế, có giữ được bản sắc hay không? Thì chính việc chúng ta mạnh, mới có cơ hội và năng lực để nắm bắt thời cơ và đỡ phải băn khoăn, nghĩ suy như vậy nữa. Hay khi kinh tế chúng ta phát triển cao hơn, thì chúng ta có thể tham gia được cả các chuỗi cung ứng thế hệ mới, tiêu chuẩn cao hơn, nhưng như vậy, lại sẽ tranh thủ được các cơ hội cho phát triển tốt hơn, chất lượng và bền vững hơn cho đất nước. |
Vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, được khẳng định qua vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021), tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023-2025)… |
Điều này càng phù hợp với điều kiện hiện nay, khi xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế bền vững, cùng với những chuyển đổi mạnh mẽ về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch. Vì vậy, càng tăng nội lực, càng nâng cấp nền kinh tế, với ba đột phá lớn về chính sách, hạ tầng, nhân lực, thì chúng ta càng có điều kiện để đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài. Tiếp đến là bài học xử lý các thách thức về hội nhập. Đó là dựa trên việc bảo đảm tốt nhất lợi ích quốc gia, đi đôi với dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, là nguyên tắc xuyên suốt, tạo thế hợp tác hai chiều, đôi bên cùng có lợi và đan xen lợi ích các nước, ổn định và bền vững. Đây cũng là bài học cho xử lý quan hệ khi các nước lớn gia tăng cạnh tranh như hiện nay, để tránh bị rơi vào thế kẹt cạnh tranh, chọn bên, trong khi vẫn tranh thủ mở rộng hợp tác được với các đối tác. Cuối cùng, đó là bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Thế giới hiện đang chuyển biến rất sâu sắc và phức tạp, có cả những điều rất mới và khó lường. Do vậy, đương nhiên chúng ta phải vừa bám rất sát các nguyên tắc, lại vừa phải có cách ứng xử linh hoạt, khôn khéo và phù hợp. Những chuyển động địa chiến lược trên thế giới hiện nay, nhất là cạnh tranh nước lớn, khác trước, khác thời Chiến tranh lạnh. Thế giới ngày nay không tập hợp theo tuyến, hệ thống biệt lập và đối đầu, mà đan xen giữa cạnh tranh, phân tách và tùy thuộc. Vì vậy, trong các sự kiện nảy sinh, trong mỗi vấn đề, hay các cặp quan hệ, đều đan xen phức tạp giữa các mặt thuận nghịch, giữa cơ hội và thách thức. Bám sát phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", còn phải được hiểu là phải làm sao vừa quản trị được mặt rủi ro, vừa tranh thủ được mặt thuận, mà trong đó điều quan trọng hơn là phải tranh thủ được và tốt nhất các cơ hội, nếu chậm trễ, sẽ dễ để lỡ cơ hội là vậy. Chính các điều này, khi làm tốt, cũng sẽ lại góp phần tăng cường vị thế của đất nước. Đó là những bài học rất có ý nghĩa của chúng ta, nhất là qua 10 năm qua. Riêng về đối ngoại, theo Đại sứ, Nghị quyết đã đóng vai trò như thế nào cho những bước chuyển mình thời gian qua? Rất lớn và chiến lược. Đó chính là bước đột phá về tư duy chiến lược và thực tiễn đối với Việt Nam trong hội nhập và quan hệ quốc tế. Trước hết, NQ tạo nền tảng cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại và tiên phong. Chúng ta có ngoại giao, đối ngoại toàn diện, bao gồm các lĩnh vực, kết hợp các kênh, các bộ, ngành, song hành với hội nhập quốc tế toàn diện. Thứ hai, ngoại giao có điều kiện vững chắc để tham gia tích cực, chủ động vào đời sống sinh hoạt quốc tế, bao gồm cả việc tham gia xây dựng các quy định, quy tắc chung của quốc tế, khu vực. Thực sự 10 năm qua đối ngoại chúng ta đã phát huy rất tốt điều này, như tham gia Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch APEC, ASEAN. |
|
Thứ ba, tạo khuôn khổ chỉ đạo thống nhất các kênh trong đối ngoại và hội nhập, với những nguyên tắc chỉ đạo về lợi ích quốc gia, luật pháp quốc tế, kết hợp nội lực và ngoại lực, tạo thế đan xen lợi ích, hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với quá trình đó, trong 10 năm qua, nguồn nhân lực và đội ngũ làm đối ngoại của Việt Nam đã trưởng thành lên rất nhiều, đáp ứng tốt những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới. Là người trực tiếp làm công tác đối ngoại dưới “hơi thở” của NQ, với cá nhân Đại sứ, Nghị quyết đã có ý nghĩa như thế nào? Chắc chắn có rất nhiều cảm nhận và bài học, như khi làm về ASEAN, về quan hệ với khu vực, với các nước lớn, rất nhiều! NQ là quá trình thừa kế, đúc kết và phát triển về chiến lược của Việt Nam về hội nhập quốc tế rất lớn. Cũng phản ánh quá trình từng bước tham gia hội nhập quốc tế của chúng ta, từ trọng tâm hội nhập kinh tế, đến hội nhập kinh tế đi đôi với hợp tác trên các lĩnh vực khác, đến hội nhập quốc tế chung, và ngày nay là hội nhập toàn diện, sâu rộng và tham gia định hướng. Theo đó, xin có một vài suy nghĩ. Thứ nhất, tôi rất tâm đắc với việc gọi đây là đột phá về tư duy chiến lược và tư duy thực tiễn, trong chủ trương chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ đó tạo đà cho ngoại giao có thể đột phá về quan hệ quốc tế, trên tất cả các mặt, cả về mặt chính trị, kinh tế, an ninh và hợp tác khác. Ý nghĩa đột phá về tư duy chiến lược và tư duy thực tiễn có giá trị rất lớn đến hiện nay và sắp tới. Thứ hai, NQ là nền tảng cho đối ngoại Việt Nam trong 10 năm qua và tiếp tục phát triển trong thời gian tới, từ đó giúp cho đối ngoại đóng góp hiệu quả vào việc thúc đẩy môi trường quốc tế thuận lợi cho hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Câu chuyện vừa qua về ngoại giao vaccine là một ví dụ. Trong bối cảnh cấp bách của dịch bệnh, chúng ta đã tranh thủ được nguồn lực vaccine rất lớn, nhờ vậy có thể kiểm soát được dịch, mở cửa và tiếp tục tham gia vào các hoạt động quốc tế cũng như mở lại sản xuất. Từ đây, Việt Nam đã trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Bên cạnh đó, suốt 10 năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, tích cực trong phát huy vai trò, vị thế, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung. Có lẽ, Việt Nam có bước phát triển rất lớn trong việc tham gia vào các hoạt động chung của quốc tế, đa phương, từ hòa bình, phát triển, đến các vấn đề như về biến đổi khí hậu, môi trường khi có những cam kết rất mạnh mẽ liên quan đến việc giảm khí phát thải. Vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình hay Chủ tịch APEC khi Việt Nam đảm nhiệm đều được đánh giá cao. Cuối cùng, tác động từ NQ và đà phát triển của 10 năm qua chắc chắn sẽ tạo xung lực mới cho giai đoạn phát triển sắp tới của hội nhập và đối ngoại Việt Nam, theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII là đối ngoại tiên phong, tức là đối ngoại đi trước để tìm nguồn lực cho phát triển đất nước; tạo mối quan hệ hữu nghị ở khu vực và xung quanh Việt Nam để có môi trường thuận lợi cho hòa bình, phát triển đất nước; ngăn ngừa rủi ro, hàm ý bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tạo vị thế mới cho Việt Nam. Xin cảm ơn Đại sứ! Thực hiện: Phạm Hằng | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: TTX, TGVN… |