Tập thể cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc) |
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc được thành lập từ năm 1950, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Đến nay, Đại sứ quán đã trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển.
Về chức năng nhiệm vụ, Đại sứ quán là cơ quan đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Việt Nam tại Trung Quốc.
Về tổ chức bộ máy, Đại sứ quán có 49 cán bộ, nhân viên công tác tại 3 Phòng trực thuộc (Phòng Chính trị, Phòng Kinh tế, Phòng Quản trị - Hành chính) và 4 cơ quan bên cạnh Đại sứ quán (Phòng Tùy viên Quốc phòng, Văn phòng Đại diện Bộ Công an, Bộ phận Thương vụ, Bộ phận Khoa học Công nghệ).
Trong 5 năm qua, trên cơ sở quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Chương trình hành động của các Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, lần thứ 30, tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã khắc phục khó khăn, thách thức, tích cực chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Về ngoại giao chính trị, Đại sứ quán đã chủ động tham mưu, tích cực thúc đẩy triển khai tốt nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt là thu xếp tốt các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước hai bên, bao gồm 9 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao ta tới Trung Quốc; 3 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Việt Nam; hỗ trợ thu xếp và phục vụ gần 600 đoàn các cấp của Việt Nam sang thăm, làm việc tại các địa phương Trung Quốc (trung bình mỗi năm hơn 100 đoàn).
Đại sứ quán đã triển khai nhận thức chung cấp cao, tích cực thúc đẩy quan hệ chính trị - an ninh - quốc phòng và các cơ chế trao đổi, hợp tác quan trọng giữa hai nước. Đồng thời, Cơ quan trực tiếp tham gia và có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam tại Biển Đông; phối hợp thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác, văn kiện song phương, phối hợp xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quan hệ hai nước.
Đại sứ quán cũng làm tốt công tác ngoại giao đa phương và quan hệ với đoàn ngoại giao tại Bắc Kinh, đặc biệt là với 49 Đại sứ quán các nước kiêm nhiệm Việt Nam; thông qua kênh ngoại giao đa phương tại địa bàn để đóng góp tích cực cho các sự kiện chính trị đối ngoại lớn của đất nước như: tổ chức thành công Năm APEC 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương APPF-26 (tháng 1/2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội (tháng 2/2019), vận động các nước kiêm nhiệm bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về ngoại giao kinh tế, triển khai thực hiện “Chỉ thị 03/CTBT/2017 của Bộ trưởng Ngoại giao về đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế giai đoạn 2017-2020”, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng tại Hội nghị Ngoại giao 30, Đại sứ quán đã triển khai hiệu quả, thành công nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế lớn; đồng hành với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai các cam kết, thỏa thuận đã ký kết.
Về ngoại giao văn hóa, Đại sứ quán tích cực phối hợp với bộ, ngành văn hóa và các cơ quan, hiệp hội liên quan của hai bên, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đối ngoại lớn nhân dịp các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước; phối hợp thu xếp nhiều chuyến thăm, giao lưu của các đoàn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, cơ quan văn hóa - nghệ thuật - thể thao hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng tổ chức tốt các hoạt động quảng bá văn hóa nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (năm 2020); tích cực triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại dưới nhiều hình thức linh hoạt, không ngừng cải tiến, đổi mới về nội dung và phương thức, đa dạng hóa về hình thức, biện pháp thực hiện, phù hợp với điều kiện của địa bàn; tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam trên các nền tảng ứng dụng di động, mạng xã hội của sở tại.
Về công tác nghiên cứu, tham mưu, công tác nghiên cứu tình hình, dự báo động thái, tham mưu chính sách được tiến hành thường xuyên, liên tục và không ngừng nâng cao về chất lượng. Bên cạnh việc theo dõi báo chí sở tại, điểm tin hằng ngày, Đại sứ quán đã tăng cường tiếp xúc, trao đổi với các cơ quan nghiên cứu, học giả Trung Quốc, Đoàn ngoại giao, báo chí quốc tế tại địa bàn để nắm bắt thông tin đa chiều xung quanh những vấn đề chính trị đối nội, đối ngoại lớn của Trung Quốc, tình hình thế giới, khu vực. Đại sứ quán luôn được ghi nhận là cơ quan đại diện trọng điểm về công tác nghiên cứu, tham mưu.
Về công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã triển khai tốt trong bối cảnh giao lưu đi lại giữa người dân hai nước ngày càng mật thiết, số lượng công dân Việt Nam sang Trung Quốc học tập, làm việc, du lịch ngày một tăng cao, theo đó các vụ việc phức tạp như vi phạm pháp luật hình sự, cư trú, lao động, xuất nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam tại Trung Quốc cũng ngày một gia tăng, khối lượng công việc ngày càng lớn.
Đặc biệt, đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Đại sứ quán đã nỗ lực khắc phục khó khăn, kịp thời hỗ trợ đưa 30 công dân, lưu học sinh Việt Nam từ tâm dịch Hồ Bắc về nước, đồng thời làm tốt công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Đại sứ quán cũng thường xuyên tiến hành công tác vận động kiều bào người Việt hướng về Tổ quốc, tham gia đóng góp xây dựng đất nước.
Với những thành tích nổi bật như trên, trong 5 năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu thi đua - khen thưởng của Bộ Ngoại giao và của Chính phủ, cụ thể: Liên tục nhận “Cờ thi đua của Chính phủ” và “Cờ thi đua của Bộ Ngoại giao” các năm từ 2015 đến 2019; Được nhận “Huân chương Lao động hạng Nhất” năm 2016; “Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao” các năm 2016, 2019.