Một pha bóng trong trận chung kết Thái Lan – Trung Quốc. Ảnh: VSI |
Có lẽ rõ ràng nhất là tính chuyên nghiệp của bóng chuyền Thái nói riêng và nền thể thao đã chuyên nghiệp hóa - xã hội hóa triệt để. Từ hai năm nay, những tuyển thủ QG của Thái Lan như S. Pleumjit, Onuma, Wilavan, Nootsara, Malika... đều không qua Việt Nam thi đấu nữa, rất có thể với suy nghĩ, tại đây họ không thể nâng cao trình độ.
Bóng chuyền châu Á đang đổi thay dần theo xu thế chung, nghiêng về việc săn lùng các “khủng long” đánh xa lưới, tầm bóng cao, chơi dãn biên, sau vạch 3m... Nhưng Kiatipong- kiến trúc sư trưởng của bóng chuyền Thái Lan lại có cách nghĩ khác.
Do hạn chế về chiều cao với tầm vóc trung bình thấp hơn cả tuyển Việt Nam, tuyển thủ Thái phải lấy sự nhanh nhẹn, tinh khôn, dẻo dai và khai thác sự xoay trở chậm của đối phương để tấn công quyết liệt bằng giàn hỏa lực dồi dào, ra đòn chắc nịch và rất thông minh.
Dù chơi theo phong cách truyền thống song thắng lợi của đội Thái Lan tiếp tục khẳng định chân lí: Khi người ta chưa hội đủ những yếu tố để chơi hiện đại, hãy biết sử dụng thật tốt lối chơi truyền thống.
Hôm rồi ở Nhà thi đấu Quần Ngựa, những cú đánh sau vạch ba mét của Onuma, quả lách tay chắn ở số bốn của Wilavan hay cú đánh nhanh tại chân số hai của Pleumjit đều lợi hại, làm chao đảo “bức tường” Trung Quốc và dẫn đến thành công của một tư duy bóng chuyền mang phần mềm Thái Lan. Xem người lại buồn cho ta.
Không những không có lối đánh riêng hiệu quả, đội tuyển Việt Nam còn bộc lộ những điểm yếu chí mạng. Một, là thể lực kém, kéo theo sức bền chuyên môn kém. Nhưng tại sao Thái Lan, cũng có giải quốc gia, vừa tham dự giải Grand Prix với tần suất và cường độ thi đấu cao hơn hẳn mà bây giờ vẫn rất khỏe và dẻo dai?
Hai, là dấu hiệu không ổn định về chuyên môn. Bước một kém, dễ bị tâm lí và phát bóng hỏng. Bài toán chuyền hai ở tuyển Việt Nam cũng có vấn đề: Một thực tế là lâu nay người ta rất ưa thích những chuyền hai chỉ biết cách cung cấp bóng cho phụ công Ngọc Hoa. Nếu phong độ của vận động viên này thấp là có chuyện ngay. Điều này là tệ hại, vì lẽ ra chuyền hai phải lo cho cả đội chứ không phụ thuộc bất kì ngôi sao nào.
Ba, là sự sa sút của các chủ công. Bùi Huệ có dấu hiệu chững lại ở mùa giải này và Đỗ Thị Minh còn non. Phạm Thị Yến lại chưa lành chấn thương.
Cuối cùng là trách nhiệm của BHL. Nói rộng ra là của liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, khi chưa có một chiến lược thật căn cơ cho đội bóng.
Thái Lan mạnh là thế song họ nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn nhiều khi đem cả bộ máy kỹ thuật chuyên môn sang dự giải với bốn HLV, hai chuyên viên đem theo máy tính có cài phần mềm rất hiện đại và chính xác, khác hẳn những bản thống kê chưa chuẩn xác của chủ nhà, lại bố trí bốn camera ở hai khán đài để ghi hình...
Chia tay giải châu Á, bóng chuyền Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm ngay trước Indoor Games và SEA Games, nếu muốn giữ vững ngôi á quân.
Theo Tiền Phong