TIN LIÊN QUAN | |
Trại hè Canada 2016 – trải nghiệm hè đáng nhớ | |
Tìm hiểu du học nghề tại Đức | |
Tìm hiểu hệ thống đại học Mỹ |
Lớn lên ở Trung Quốc nhưng Hailun "Helen" Zhou luôn xác định cô phải tốt nghiệp trung học ở Mỹ bằng bất cứ giá nào. "Đó là điều tất cả mọi người đều phải làm" - cô gái 17 tuổi quê ở tỉnh Tứ Xuyên, người đã trải qua hai năm học tại California và sẽ tốt nghiệp trong năm nay cho biết. "Tất cả các bạn của cha tôi đều gửi con đi du học. Đó là xu thế hiện nay”.
Zhou là một trong số ngày càng nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc đang đổ xô tới Mỹ học trung học với mong muốn tiếp cận nền giáo dục hiện đại và cũng để tìm kiếm cơ hội học tập tại các trường đại học Mỹ sau này, cuối cùng là tìm được một công việc tốt ở quê nhà.
Học sinh Trung Quốc tại một trường học ở Mỹ. |
Theo nhiều chuyên gia, việc theo đuổi “giấc mơ Mỹ” có thể nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng, do phần đông những thanh thiếu niên này sống một mình ở Mỹ, thiếu sự giám sát của cha mẹ hoặc gia đình và rất có thể gặp rắc rối, thậm chí phải vào tù.
Theo Viện Giáo dục quốc tế Washington, khoảng 304.000 (31,2%) trong tổng số gần một triệu sinh viên quốc tế ghi danh vào các trường công lập và tư nhân ở Mỹ trong năm học 2014-2015 vừa qua đến từ Trung Quốc. Khoảng 30.000 trong số này đang theo học tại các trường trung học, ít hơn 1.000 so với một thập kỷ trước. Đa số các em nằm trong độ tuổi từ 14 đến 19 tuổi, sinh sống tại Nam California và học tại các trường Công giáo do Chính phủ Mỹ hạn chế cho sinh viên nước ngoài học tại các trường công lập.
Tại các thành phố nhỏ như Murrieta, ở phía Tây Nam quận Riverside, California, số lượng sinh viên Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các trường học cũng như các hộ gia đình cho các thiếu niên này lưu trú.
Một sự đầu tư nhiều rủi ro
Mong muốn con thành đạt, nhiều phụ huynh không ngần ngại mở “hầu bao” và coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình, mỗi gia đình có con du học ở Mỹ sẽ phải tiêu tốn ít nhất 50.000 USD/năm. Theo ông Lim, lãnh đạo một công ty du học, "nếu ba năm trước, chúng tôi chỉ có 40 học sinh Trung Quốc tại các trường trung học ở Murrieta thì hiện nay, con số này là 300 học sinh và vẫn tiếp tục tăng". Thành phố nhỏ này có khoảng 105.000 cư dân, phần đông đã nghỉ hưu và khác xa với các siêu đô thị bị ô nhiễm ở Trung Quốc.
Các học sinh mới tới trường thường hay bối rối bởi sự tự do mà họ bắt đầu được hưởng trong quá trình học tập, rất khác với những gì đang diễn ra trong hệ thống giáo dục nghiêm ngặt ở Trung Quốc. "Nếu có một từ để mô tả cuộc sống ở đây, đó là "tự do". Bạn có rất nhiều sự lựa chọn và nhiều tự do hơn để nghiên cứu những gì bạn quan tâm”, Junheng "Carl" Li, 19 tuổi, học sinh của một trường Công giáo ở Murrieta cho biết.
Hai học sinh Trung Quốc (ở giữa) và bố mẹ nuôi trước nhà tại Murietta, California. |
Một thực tế là phần lớn phụ huynh của các em thuê người giúp các em nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ. Thế nhưng, các em vẫn chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống cần thiết để thích ứng với các thay đổi về văn hóa ở Mỹ. Tháng Ba vừa qua, ba thiếu niên Trung Quốc đang theo học tại một trường tư thục ở Rowland Heights, một khu phố ở Los Angeles có một cộng đồng lớn người Trung Quốc, đã bị kết án tù do tấn công hai thiếu niên khác. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận ở Trung Quốc và gây xôn xao về việc có nên gửi con tuổi vị thành niên đi học ở nước ngoài mà không có sự giám sát của cha mẹ và hoặc gia đình không.
"Bạn không nên gửi con đi xa nhà 8.000km trước khi tìm hiểu rõ về trường học và những người sẽ ở với con bạn" - ông Lim nói. "Có nhiều đứa trẻ bị ném vào một môi trường hoàn toàn xa lạ và không được chuẩn bị để tự bảo vệ mình".
Luật sư Evan Freed đại diện cho một trong ba thiếu niên bị kết án 13 năm tù nói trên cho biết đây là lời cảnh tỉnh với các bậc cha mẹ mong ước cho con mình một tương lai tươi sáng. "Thân chủ của tôi nói với tòa án - cô ấy cảm thấy mất mát, cảm thấy buồn vì gia đình cô không ở đây, và cô ấy đã lạm dụng sự tự do mà mình có" - ông Freed nói.