Đồng chủ trì họp báo với Tổng thư ký Quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường có Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến.
Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin với báo chí về những nội dung chính tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. (Ảnh: Duy Quang) |
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đã thông tin tới báo chí về chương trình dự kiến của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Kỳ họp dự kiến khai mạc tại Nhà Quốc hội vào ngày 4/1/2022 và bế mạc vào ngày 11/1. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp).
Theo ông Vũ Minh Tuấn, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, nội dung được quan tâm và trông chờ nhất tại Kỳ họp bất thường lần này là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Duy Quang) |
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến, việc xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chính sách hỗ trợ kịp thời, có sự đột phá và lan tỏa, triển khai nhanh, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.
Tại Kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến nghị quyết về việc bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực.
Cùng với đó, quy mô của gói chính sách phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực; được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa; có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế.
Gói chính sách phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.