Nếu như trong nhiều năm qua, Singapore và Thái Lan luôn là hai thị trường dẫn đầu châu Á, khoảng 10 năm trở lại đây, Ấn Độ đã nhanh chóng bắt kịp và nổi lên như một ngôi sao trong lĩnh vực du lịch y tế với những trung tâm chất lượng cao như Chennai, New Delhi và Mumbai.
Một nghiên cứu khảo sát ở Ấn Độ cho thấy, doanh thu từ thị trường du lịch y tế của Ấn Độ sẽ tăng lên 7-8 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp đôi so với thời điểm hiện tại.
Chi phí thấp là yếu tố giúp Ấn Độ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch y tế. |
Nằm trên giường bệnh, Mahdi Rahman (19 tuổi) kể về công việc mơ ước và môn thể thao yêu thích: “Sau này, em muốn trở thành cảnh sát, biết võ để truy bắt tội phạm và có thể chơi bóng đá giống như Cristiano Ronaldo”.
Mahdi Rahman đã vượt gần 1.000 cây số từ miền quê Ghazni - một tỉnh thuộc miền Đông Afghanistan đến thành phố Gurgaon (Ấn Độ) điều trị bệnh tim bẩm sinh. Cậu là một trong hàng trăm ngàn bệnh nhân nước ngoài đến Ấn Độ chữa bệnh mỗi năm.
“Ở Afghanistan, các bệnh viện thường thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất cũng rất nghèo nàn. Năm ngoái, một bác sĩ tại Ghazni đã khuyên tôi đưa cháu đến Ấn Độ chạy chữa. Ở đây có những bệnh viện lớn, bác sĩ giỏi và chi phí phải chăng”, ông Abdullah Rahman, cha của Mahdi cho hay.
Hấp dẫn nhờ chi phí thấp
Vài năm trở lại đây, Ấn Độ nổi lên là một trong những điểm đến chăm sóc sức khỏe đặc biệt hút khách với tốc độ phát triển nhanh nhất toàn cầu. Phần lớn du khách đến Ấn Độ chữa bệnh từ những quốc gia có giao tranh hoặc hạ tầng y tế kém phát triển như Afghanistan, Iraq, Yemen, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Somalia. Hàng năm, ước tính, quốc gia Nam Á này đón khoảng 400.000 bệnh nhân nước ngoài, một nửa trong số đó đến từ các nước có chiến tranh, xung đột.
“Mỗi năm, bệnh viện của chúng tôi đã chữa trị cho khoảng 20.000 bệnh nhân đến từ Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh nhân từ các quốc gia khác ở châu Á, thậm chí cả châu Phi”, ông Anas Wajid, Giám đốc Marketing của Bệnh viện Max tại New Delhi nói.
Ông Anas Wajid lý giải, ở những nơi có chiến sự như Iraq hay Afghanistan, hệ thống y tế gần như tê liệt, cơ sở y tế không đáp ứng được việc điều trị cho bệnh nhân, buộc người dân phải tìm đường sang các nước có chất lượng dịch vụ y tế đảm bảo với chi phí chấp nhận được. Và Ấn Độ đáp ứng được điều này.
Chi phí thấp là yếu tố quan trọng giúp Ấn Độ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch y tế. Đa phần các bệnh nhân nước ngoài đến Ấn Độ để thực hiện các thủ thuật phẫu thuật kỹ thuật cao như cấy ghép tủy xương, phẫu thuật tái tạo, cấy ghép tim, điều trị ung thư, trị liệu chỉnh hình và thần kinh. Nếu như tại các nước châu Âu hay tại Mỹ, một ca phẫu thuật mất khoảng 100.000 USD thì tại Ấn Độ chỉ bằng 1/10.
Ấn Độ cũng đặc biệt hấp dẫn phái đẹp muốn tu sửa nhan sắc nhờ nền công nghiệp thẩm mỹ đang phát triển. Tiến sĩ Deepali Bhardwaj, bác sỹ thẩm mỹ tại New Delhi cho biết, nhiều bệnh viện ở nước lân cận như Bangladesh, Afghanistan không thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ như tiêm botox, nâng mũi, sửa cằm, cắt mí… nên phụ nữ ở các quốc gia này đã chọn đến Ấn Độ.
“Mỗi tháng, thẩm mỹ viện của chúng tôi đón khoảng 30-40 bệnh nhân từ nhiều nước đến theo diện thị thực y tế. Thậm chí nhiều du khách từ châu Âu cũng kết hợp làm thủ thuật thẩm mỹ do chi phí tại nước họ khá đắt đỏ”, bà Deepali Bhardwaj cho biết.
Thách thức về quản lý
Nắm bắt cơ hội, một loạt các bệnh viện tư nhân lớn của Ấn Độ như Fortis, Apollo và Max không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ bác sĩ để cung cấp những dịch vụ ngày càng toàn diện đáp ứng nhiều đối tượng bệnh nhân. Ngay khi bệnh nhân liên lạc với bệnh viện, họ sẽ được cung cấp chỗ ở, dịch vụ phiên dịch. Các nhu cầu khác như chế độ ăn uống hay văn hóa, tôn giáo…cũng được quan tâm.
Mặc dù liên tục tăng trưởng về quy mô và doanh thu, ngành du lịch y tế của Ấn Độ vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo ông Wajid, sự quan liêu của một số bộ phận viên chức gây sách nhiễu cho bệnh nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành này. “Không giống Thái Lan, thị thực y tế của Ấn Độ thường đắt hơn rất nhiều và yêu cầu những giấy tờ không cần thiết”, ông Wajid than phiền.
Ngoài ra, việc thiếu một cơ chế quản lý chặt chẽ đối với lĩnh vực du lịch y tế đang tạo kẽ hở cho trung gian, cò mồi làm phiền bệnh nhân. Để hạn chế tình trạng này, một số bệnh viện tư đã tổ chức đội ngũ đón tiếp ngay tại sân bay quốc tế với hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện.