Tuyên bố của ICAV nêu rõ: Phán quyết của Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của Công ước luật Biển (UNCLOS) 1982 về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông, đảm bảo các quy định của UNCLOS 1982 mà các bên đã tham gia ký kết, đồng thời nhấn mạnh quyết định này có hiệu lực pháp lý đối với tất cả các bên có liên quan.
Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện chiều ngày 12/7. (Ảnh minh họa - Nguồn: PCA) |
ICAV cũng bày tỏ mong muốn các nước liên quan phải tuân thủ phán quyết, có trách nhiệm bảo vệ hòa bình theo quy định của luật pháp quốc tế và phản đối các hoạt động gây căng thẳng tại Biển Đông như: tăng cường sự hiện diện, lắp đặt thiết bị quân sự; xây dựng các đảo nhân tạo; cản trở các quyền chính đáng của ngư dân và tự do hàng hải.
Cùng ngày, hãng truyền thông Equilibrium Global của nước này cũng đăng bài phân tích của chuyên gia các vấn đề quốc tế Vanina Fattori đánh giá cao phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông.
Theo chuyên gia Fattori, Trung Quốc cần thực thi quy định của luật pháp quốc tế. Ông cho rằng, trước những năm 40 của thế kỷ trước, Bắc Kinh chưa từng có tuyên bố chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với hai quần đảo có vị trí địa chiến lược quan trọng này.
Tác giả bài viết cũng nêu ra những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua như việc tàu cá Trung Quốc được 2 tàu tuần tra hộ tống đã cắt cáp của tàu nghiên cứu thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam năm 2012 trong Vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hay như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014.