📞

Dư luận xung quanh chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Mỹ với Iran

15:27 | 09/05/2019
Một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington đang gia tăng sức ép nhằm vào Tehran gần như hàng ngày, từ việc mở rộng trừng phạt cho tới việc triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52. 

Tuy nhiên, ngay cả khi chiến dịch gây sức ép của Mỹ thành công trong việc gây khó khăn kinh tế tại Iran, nhưng mục tiêu rộng lớn hơn hiện vẫn mơ hồ, khi mà chưa rõ "nước cờ cuối" sẽ như thế nào để có thể xoa dịu căng thẳng vốn làm dấy lên nỗi lo sợ về chiến tranh.

Iran - quốc gia suốt một năm qua kiên định với lập trường tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia vốn được đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama - hôm 8/5 cũng đưa ra tuyên bố bất ngờ rằng sẽ ngừng việc thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận.

Chính quyền Tổng thống Trump, vốn thường xuyên theo đuổi chiến dịch "gây sức ép tối đa", cùng ngày cũng cam kết chấm dứt toàn bộ hoạt động xuất khẩu thép và khoáng sản của Iran, sau khi đe dọa trừng phạt bất kỳ nước nào mua dầu mỏ - hàng hóa thiết yếu hàng đầu của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Một năm sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Washington đang gia tăng sức ép nhằm vào Tehran gần như hàng ngày, từ việc mở rộng trừng phạt cho tới việc triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52. (Nguồn: AFP)

Trong những ngày qua, Mỹ cũng công bố việc triển khai một nhóm tàu sân bay tác chiến và các máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới khu vực, cảnh báo đáp trả mối đe dọa "cận kề" từ Iran.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy thuộc Đảng Dân chủ đánh giá, chính sách của Tổng thống Trump hoàn toàn là "thảm họa" khi đẩy Iran tới con đường nối lại chương trình hạt nhân mà nước này từng tuyên bố chấm dứt.

Trong khi đó, bà Suzanne Maloney, Phó Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, đã giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh, cho rằng chính quyền Tổng thống Trump hiểu rõ mối nguy từ cuộc xung đột toàn diện với Iran.

Bà Maloney nhận định: "Những gì mà chính quyền Mỹ muốn là buộc Iran phải chịu sức ép tối đa trong một thời gian dài nhằm giảm thiểu hoặc thậm chí đảo ngược những lợi thế của nước này trên khắp khu vực".

Theo bà Maloney, các quan chức Mỹ tin rằng từ kinh nghiệm quá khứ, Iran "không khuất phục trước sức ép nhỏ", song có thể thay đổi nếu nước này đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy vậy, chuyên gia này hoài nghi việc Iran sẽ tuân theo yêu sách tự rút mình khỏi khu vực.

Một số chuyên gia tin rằng Mỹ có thể hoan nghênh việc thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, từ đó sẽ không cho phép Iran tự tin mình đang đứng trên lập trường đạo đức cao hơn khi tuân thủ thỏa thuận này.

Bà Dalia Dassa Kaye, Giám đốc Trung tâm Chính sách Công Trung Đông tại Tập đoàn RAND nhận xét, việc Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp chính quyền Mỹ có thêm ủng hộ để củng cố cách tiếp cận đối đầu hơn nữa.

(theo AFP)