Từ trái qua phải: Lãnh đạo khối thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Phó Tổng thống Kamala Harris, Tổng thống Joe Biden, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 27/2. (Nguồn: USA Today) |
Reuters và nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ đưa tin, 4 lãnh đạo của Quốc hội gặp ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris gồm Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, Lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries và Lãnh đạo khối thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang đứng trước áp lực phải thông qua dự luật an ninh quốc gia trị giá 95 tỷ USD nhằm tăng cường viện trợ cho Ukraine, Israel cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hồi đầu tháng 2, dự luật này được Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu 70-29 sau một số thất bại trước đó.
Tổng thống Biden đã kêu gọi các đảng viên hàng đầu của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội nhanh chóng thông qua ngân sách nhằm gửi vũ khí đến Ukraine và tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần.
Tại Phòng Bầu dục, cho biết "có rất nhiều việc phải làm”, ông Biden nhấn mạnh, nguồn viện trợ đối với Kiev ngày càng trở nên cấp bách hơn, đồng thời nêu rõ: "Hậu quả của việc không hành động là rất thảm khốc".
Phát biểu sau cuộc gặp, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết, ông "rất lạc quan" về khả năng Quốc hội sẽ ngăn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa trước thời hạn chót vào ngày 1/3 tới.
Chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa là đến thời hạn quan trọng để gia hạn ngân sách liên bang, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu quá trình chính thức chuẩn bị cho việc chính phủ đóng cửa một phần.
Các bên đang đàm phán một thỏa thuận chi tiêu lưỡng đảng, nhưng vấp phải hàng loạt bất đồng xung quanh vấn đề viện trợ cho Ukraine và an ninh biên giới, cùng các vấn đề chính sách khác.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang phải chịu sức ép rất lớn từ phe cực hữu của đảng Cộng hòa yêu cầu phải đưa vào dự luật ngân sách những chính sách bảo thủ, dù chắc chắn sẽ bị đảng Dân chủ phản đối.
Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/3, một loạt bộ, ngành, tương đương 20% chính phủ liên bang, sẽ không còn ngân sách hoạt động.
Dự kiến các cơ quan chịu tác động gồm các Bộ Nông nghiệp, Năng lượng, Giao thông vận tải, Cựu chiến binh, Nhà ở và Phát triển đô thị, cùng một số dự án xây dựng cho quân đội.