Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, đã tới dự.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên gặp mặt đông đủ những người “cốt lõi nhất”, quyết định vận mệnh của hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng đánh giá cao phản ứng chính sách của NHNN trong năm 2016. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng nhìn nhận năm 2016 đã đi qua với rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Những thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, mạch máu của nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa và giá các mặt hàng thiết yếu. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Tình trạng sở hữu chéo từng bước được xử lý, hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém dần phục hồi, tiếp tục củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Thủ tướng đánh giá cao phản ứng chính sách của NHNN trong năm 2016. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính sách tiền tệ.
“Những kết quả cụ thể mà ngành ngân hàng đạt được cũng như sự phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”, Thủ tướng nêu rõ.
Xử lý “điểm nghẽn” cốt lõi
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ngân hàng vẫn còn một số bất cập, hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo Thủ tướng, cần nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất, nợ xấu còn cao. Việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, chưa thực chất, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.Các chuyên gia ví đây là “điểm nghẽn cốt lõi” của nền kinh tế; nếu không xử lý triệt để thì sẽ không thể giảm được mặt bằng lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Kết quả xử lý nợ xấu của VAMC còn thấp do cơ chế, chính sách và năng lực của chính VAMC.
Rủi ro hoạt động tín dụng vẫn đáng lo ngại do nhiều tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đầu tư trung, dài hạn làm gia tăng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay.
Mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn chưa đồng đều giữa các nhóm dân cư và các tổ chức kinh tế. Đề cập đến tình trạng tín dụng đen phát triển mạnh ở vùng nông thôn xa xôi, Thủ tướng cho rằng việc tăng cường giáo dục kiến thức tài chính tín dụng cho người dân là vấn đề cấp thiết khi mà “lãi cao như thế mà vẫn lao vào vay, gây ra bao cảnh tang tóc, gia đình ly tán”. Thủ tướng cho rằng chi nhánh NHNN các địa phương, UBND các địa phương, ngân hàng thương mại phải lưu tâm khắc phục vấn đề này.
Giảm mệnh lệnh hành chính
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”. Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN cần đi tiên phong để góp phần thực hiện thành công mục tiêu này. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng, nhất là bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn thách thức.
NHNN trong năm 2017 phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát (dưới 4%), giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có đột phá trong xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đã đề ra. “Đây là các trọng trách Chính phủ giao cho các đồng chí trong năm 2017”, Thủ tướng nêu rõ.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau. Chính sách tiền tệ cần được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và sát thị trường hơn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao hơn, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, vàng và tăng dự trữ ngoại hối; giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Tư duy quản lý điều hành của NHNN phải có sự thay đổi căn bản theo hướng tăng tính thị trường, giảm tính mệnh lệnh hành chính, nhất quán, công khai và dễ dự báo để doanh nghiệp và người dân chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, đời sống.
Nhấn mạnh việc phản ứng nhanh nhạy của chính sách tiền tệ và diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải nâng cao hơn nữa tính chủ động trong dự báo tình hình để có các phương án dự phòng điều hành chính sách.
Không để cuối năm vất vả chạy dồn
Đi liền mục tiêu trên, cần chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm và hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát cơ cấu tín dụng. “Ngay trong quý I các đồng chí phải tăng trưởng tín dụng, đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả chạy dồn”, Thủ tướng nói. “Năm nào chúng ta cũng bị cái này”.
Thủ tướng lưu ý 2 vấn đề về cơ cấu tín dụng. Đó là chú trọng những ngành, lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, xuất khẩu như nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, chương trình khởi nghiệp quốc gia. Lưu ý thứ hai là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn trên 5.000 tỷ đồng.
Thủ tướng đề nghị đánh giá lại hiệu quả của tín dụng chính sách và đổi mới cơ chế triển khai, hạn chế xin-cho, gia tăng sự tham gia của nhiều ngân hàng theo cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch. NHNN cần hướng tới việc xây dựng cơ chế minh bạch hóa lãi suất, tránh việc doanh nghiệp và người dân khi vay, khi gửi tiền không biết thực tế lãi suất áp dụng thế nào. Các ngân hàng thương mại nên có gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao.
(Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ngành ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy định pháp lý nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, nhất là về quy trình, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, quyền của chủ nợ và trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay.
Xử lý nợ xấu phải gắn với triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu gia tăng. Bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Không để tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản
NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật. Vì vậy, hệ thống thanh tra giám sát không được để tình trạng đã vào thanh tra giám sát, đã kiểm soát đặc biệt mà vẫn rút tiền khống, cho vay sai quy định, vẫn để nợ xấu và tình hình tài chính tồi tệ hơn như đối với một số trường hợp trong thời gian vừa qua. Nâng cao năng lực cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống, hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô, vĩ mô của NHNN.
NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng và triển khai phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để bảo đảm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính. Các tổ chức tín dụng tích cực đổi mới, triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại an toàn và hiệu quả, có chất lượng; tăng cường an ninh mạng và bảo đảm an toàn tài sản cho khách hàng, không để tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản.
Có chính sách đột phá giảm thanh toán tiền mặt, trước hết là thanh toán giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế để chống trốn thuế, minh bạch tài sản, chống tham nhũng, rửa tiền.
Ngành ngân hàng phải phấn đấu là ngành đi đầu trong việc hưởng ứng thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng. “Đối với ngành ngân hàng, niềm tin có vai trò hết sức quan trọng, bản thân nghĩa của từ “tín dụng” cũng đã thể hiện điều đó”, Thủ tướng nói.
Cho rằng hoạt động ngân hàng từ việc gửi tiền, cấp tín dụng đều hàm chứa niềm tin trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN coi trọng công tác truyền thông, xây dựng niềm tin bởi khi xây dựng được niềm tin thì việc điều hành thuận lợi hơn. Không có niềm tin của công chúng thì chính sách khó thành công hoặc nếu thành công thì tốn kém rất nhiều chi phí và nguồn lực.
“Vừa qua, khi xem xét cơ cấu, tổ chức của NHNN, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Vụ Truyền thông để thực hiện nhiệm vụ đó”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, để làm tốt công tác truyền thông thì vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và các phóng viên ngoài ngành ngân hàng rất quan trọng. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần phối hợp tốt với NHNN để tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về chính sách tiền tệ cũng như chính sách kinh tế vĩ mô, để người dân không ngại đi vay tiền đầu tư nếu đầu tư đó có hiệu quả.
Trong năm 2017, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng phải nêu gương, đi đầu trong việc thực hiện Chủ đề năm 2017 mà Chính phủ đã đề ra “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”.