Diễn ra đồng thời điểm với VME 2017, hai triển lãm “Vietnam Sheet Metal” và “Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” sẽ mang đến hơn 200 thương hiệu hàng đầu từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với 5 khu gian hàng quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
Các Triển lãm sẽ trưng bày các công nghệ tiên tiến mang tính ứng dụng cao, tập trung vào công nghệ đo lường và lắp ráp tự động hóa. Những thương hiệu hàng đầu về công nghệ đo lường và lắp ráp tự động hóa như Hexagon, Nikon, Scantech, Misumi… sẽ giới thiệu những công nghệ phục vụ sản xuất thông minh ngay tại chương trình.
Tại buổi họp báo giới thiệu về các hoạt động của Triển lãm chuyên ngành VME 2017 ngày 23/3, ông Isara Burintramant, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, đơn vị tổ chức VME 2017, cho biết các doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng vào cách mạng công nghiệp 4.0 Chi phí hoạt động sẽ giảm xuống 3,6% và tăng hiệu suất lên 4,1% mỗi năm nhờ cách mạng công nghệ này. Tất cả lĩnh vực công nghiệp đều kỳ vọng chi phí sẽ giảm ở mức nhiều hơn.
Họp báo giới thiệu về VEM 2017. (Ảnh: H.H) |
“Nền sản xuất của Việt Nam đã chuyển từ các danh mục sản xuất truyền thống sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn. Trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và thay đổi đáng kể của nền công nghiêp Việt Nam, hiện nay vẫn đang có dấu hiệu phát triển, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, khi mà cả thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0”, ông Burintramant khẳng định
Ông Burintramant dẫn thống kê của tổ chức quốc tế We Are Social cho thấy, trong năm 2016, có thêm 3 triệu người ở Việt Nam được sử dụng Internet, chiếm 53% dân số. Số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng di động tăng 41%.
“Nguồn nhân lực của Việt Nam đã sẵn sàng để học hỏi và bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 là việc phải bắt đầu, mặc dù chỉ là những bước nhỏ với việc lập ra chiến lược, dự án thí điểm…”, ông Isara Burintramant nói.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng tính khả thi của công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ, đơn giản và được thực hiện ngay, thiết yếu nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực, sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ và tránh đầu tư chồng chéo.
Ông Thụ dẫn ví dụ cụ thể từ kế hoạch kinh doanh phức hợp của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) trong việc xây dựng KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, sẽ được đưa vào hoạt động năm 2018. Trong đó, nhà máy được đầu tư công nghệ hàn lazer và công nghệ sơn tân tiến nhất, công suất 1 năm 100.000 xe hơi, 100.000 xe tải, 5.000 xe bus. Kế hoạch này đi kèm giải pháp kết nối các doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dạng miền Trung.
VME 2017 sẽ trưng bày các công nghệ tiên tiến mang tính ứng dụng cao, tập trung vào công nghệ đo lường và lắp ráp tự động hóa. (Nguồn: Kinh tế Việt Nam) |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiêu chuẩn quốc tế trong công nghiệp, ông Lê Khánh Tường – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt – Đức (HwC) cho rằng, một hệ thống quản lý chất lượng với lao động có trình độ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn sản phẩm, có thể đáp ứng với quy định của các nước đưa ra đơn hàng, đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khuôn khổ triển lãm, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ phối hợp với Reed Tradex tổ chức Hội thảo “Những ứng dụng thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm cơ khí”, quy tụ khoảng 100 doanh nghiệp cơ khí với các tham luận chuyên ngành cơ khí chế tạo, ứng dụng thiết bị, công nghệ nhằm đổi mới và nâng cao năng lực chế tạo của ngành cơ khí trong nước.