📞

Đưa HTX thực sự trở thành nòng cốt phát triển của nền kinh tế

21:00 | 18/06/2017
Chiều 17/6 tại tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, chủ trì buổi sơ kết của 16 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Nhìn nhận đúng năng lực của HTX để định hướng phát triển

Cách đây 15 năm, việc phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã được xác định tại Nghị quyết số 13 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về phát triển kinh tế tập thể. Năm 2012, Quốc hội đã sửa đổi, ban hành Luật HTX mới, là căn cứ quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất quan trọng này.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã xác định kinh tế tập thể là 1 trong 3 nòng cốt (cùng kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân) để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Việc sơ kết thực hiện Luật HTX năm 2012 sẽ có ý nghĩa rất lớn để thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng trong thời gian qua.

Với vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, dù chỉ chiếm 22% diện tích cả nước nhưng mật độ tập trung dân số rất cao. Cư dân ở nông thôn có khoảng 17 triệu người và 3 triệu hộ gia đình là điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX, nhất là trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Thời gian qua, các tỉnh trong vùng cũng là các địa phương đi đầu cả nước về tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Toàn vùng có hơn 91% số HTX chuyển đổi sang mô hình mới theo Luật HTX năm 2012, tương ứng 5.500 HTX với hơn 2 triệu thành viên.

Tuy nhiên, các HTX ở đây đều thiếu vốn nên gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm; việc tiếp cận nguồn vốn hạn chế do không có tài sản thế chấp... Quy mô HTX nhỏ lẻ, manh mún, trình độ quản trị còn hạn chế, thậm chí nhiều HTX không có kế toán, kỹ sư. Hạ tầng phục vụ sản xuất xuống cấp, lạc hậu. Ít doanh nghiệp liên kết bảo đảm đầu vào, đầu ra. Vai trò chỉ đạo, giám sát hướng dẫn của đơn vị chức năng chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, 5 năm qua, Bộ chưa nhận được phản hồi về điều chỉnh, bổ sung Luật HTX năm 2012.

Lãnh đạo các tỉnh trong vùng cũng nêu kiến nghị cụ thể để bổ sung hành lang pháp lý, hỗ trợ HTX phát triển về các vấn đề như: Quy định thanh lý tài sản khi HTX giải thể, việc chuyển đổi HTX kiểu cũ sang loại hình tổ chức khác không mất nhiều thủ tục, về chức năng quản lý Nhà nước đối với HTX, thực hiện quy định HTX được vay tín chấp tối đa 500 triệu đồng, tăng vốn góp của thành viên lên 40% vốn điều lệ, thay vì 30% như hiện nay, chuyển đổi HTX thành doanh nghiệp,…

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần quan tâm tới việc bồi dưỡng năng lực cho cán bộ điều hành của HTX nhằm bảo đảm tính năng động của HTX.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoặc sửa đổi chính sách liên quan

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của HTX trong giai đoạn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn tuyên truyền nội dung, quan điểm các quy định trong Luật HTX năm 2012 tới cán bộ, chính quyền và người dân.

“Nhiều cán bộ không hiểu rõ về HTX kiểu mới. Bản chất của mô hình là liên kết sản xuất nhưng dựa trên nền tảng là kinh tế hộ gia đình, làm gia tăng giá trị kinh tế hộ gia đình chứ không triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị gắn tuyên truyền về HTX kiểu mới với hoạt động xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng cho biết trong văn kiện Đại hội Đảng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua đều nhắc đến kinh tế hợp tác và phần lớn các Thành ủy, Tỉnh ủy đều có nghị quyết chuyên đề về HTX kiểu mới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chưa hài lòng khi tại hội nghị có tính chất “đại sự” như thế này mà có tới 6 địa phương không có lãnh đạo tỉnh tham dự. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục phát triển nghị quyết Đại hội Đảng của địa phương, căn cứ nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ để triển khai.

Đặc biệt, các địa phương phải quan tâm tới vai trò của quản lý Nhà nước trong kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng. Các cơ quan liên quan tới phát triển HTX như kế hoạch và đầu tư, NN&PTNT, Liên minh HTX phải cùng vào cuộc phát triển HTX.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nghị định của Chính phủ về hỗ trợ các ngành nghề ở nông thôn, nghị định giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.

Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ sửa Nghị định 193/2013/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012; tạo thuận lợi cho vay HTX, hộ nông dân trong gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao; sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bộ Tài chính sớm sửa đổi Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp, HTX; rà soát, tổng kết và xử lý nợ tín dụng và nợ ngân sách của HTX để tạo điều kiện cho HTX chuyển đổi sang HTX kiểu mới và các mô hình hoạt động khác.

Đối với 16 tỉnh trong vùng, Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu mô hình tổ chức dịch vụ có tính công ích như thủy nông, bảo vệ thực vật, nước sạch, môi trường nông thôn để giúp các HTX tham gia bình đẳng hơn, tốt hơn; khuyến khích các HTX làm dịch vụ đầu ra (số này hiện chỉ chiếm 9% tổng số HTX của cả nước); khuyến khích phát triển HTX thành doanh nghiệp hoặc thí điểm phát triển doanh nghiệp trong HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012.

Lãnh đạo Chính phủ chốt thời hạn hoàn thành việc đăng ký lại HTX chưa chuyển đổi trong năm 2017. Trong năm 2018 hoàn thành giải thể các HTX ngừng hoạt động; thúc đẩy thành lập các quỹ phát triển HTX cấp tỉnh; tăng cường kiểm tra, thanh tra thị trường phân bón, vật tư, tạo điều kiện cho HTX tham gia các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cho biết tháng 9 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 để đưa HTX thực sự trở thành nòng cốt phát triển của nền kinh tế.

Những điểm mới căn bản của HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012:

I. Đối tượng tham gia

Trong HTX nông nghiệp kiểu cũ, thành viên chỉ gồm các cá nhân. Còn trong HTX nông nghiệp kiểu mới, thành viên gồm cả cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân.

II. Sở hữu

Trong HTX kiểu mới, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân của thành viên được phân định rõ. Sở hữu tập thể (sở hữu của HTX) bao gồm: Các nguồn vốn tích lũy tái đầu tư; các tài sản do tập thể mua sắm để dùng cho hoạt động của HTX; tài sản trước đây được giao lại cho tập thể sử dụng; tài sản do Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ làm tài sản không chia và các quỹ không chia,…

III. Quan hệ giữa xã viên với HTX

Trong các HTX kiểu mới, quan hệ giữa HTX và thành viên là quan hệ bình đẳng, thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

IV. Quan hệ giữa Nhà nước với HTX

Trong các HTX kiểu mới, mọi trói buộc cứng nhắc của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được gỡ bỏ.

V. Phân phối thu nhập

Trong các HTX kiểu mới, hình thức phân phối được thể hiện trên nguyên tác công bằng, cùng có lợi, vừa theo vốn góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ.

(Nguồn: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam)