📞

Đưa kết quả các thỏa thuận đến gần với người dân, doanh nghiệp

07:00 | 06/01/2017
Đó là điều được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiều lần nhấn mạnh với phóng viên báo chí ngày 5/1.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những việc "chưa làm được" trong công tác đối ngoại năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2016, chúng ta đã đạt nhiều thỏa thuận hợp tác với các nước, nhưng việc triển khai những thỏa thuận đó của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc ký kết được nhiều thỏa thuận trong các chuyến thăm cấp cao là hết sức quan trọng, nhưng sau đó, việc triển khai các thỏa thuận đòi hỏi phải tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Làm sao để đưa những kết quả thỏa thuận đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, chúng ta đã thương lượng, kí kết nhiều hiệp định, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) - trong đó có các FTA thế hệ mới. Nhưng làm sao để doanh nghiệp, người dân hiểu và áp dụng những thỏa thuận đó là trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương”.

Cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam với thị trường ASEAN “chưa đủ lớn”. Ảnh minh họa. (Nguồn: cafef)

Thách thức lớn trong APEC

Về Năm APEC Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, năm nay, Việt Nam là Chủ nhà APEC 2017 với một tâm thế khác và kì vọng của các nền kinh tế APEC đối với Việt Nam cũng khác so với năm 2006. Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên thế giới đang đặt ra thách thức rất lớn đối với quá trình liên kết kinh tế trong APEC.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đưa ra 4 ưu tiên của APEC là: tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực, và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, được các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ và nhất trí cao. Đây cũng là các ưu tiên phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

Việt Nam cũng đã hết sức tích cực chuẩn bị cho Năm APEC 2017 từ nội dung, tổ chức cho đến cơ sở vật chất, hạ tầng. Từ giữa năm 2015, chúng ta đã lập Ủy ban Quốc gia về APEC 2017. Chúng ta cũng đã liên kết tất cả Bộ, ngành, địa phương liên quan đến các nội dung của APEC; cũng như lựa chọn các tỉnh thành để tổ chức hàng trăm sự kiện và hoạt động trong năm 2017 - trong đó có 8 hội nghị Bộ trưởng.

“Một trong những mục đích trong Năm APEC Việt Nam 2017 là quảng bá hình ảnh của các địa phương, của đất nước Việt Nam đổi mới từ 2006 đến nay, với thế giới và khu vực. Nhưng quan trọng hơn nữa là làm sao đưa người dân, doanh nghiệp cùng tham gia các nỗ lực của APEC, vì đây là Diễn đàn liên quan phát triển kinh tế, đến lợi ích từ tự do hóa thương mại, đầu tư, có lợi ích cụ thể cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Chưa được như kỳ vọng

Về kết quả sau một năm hình thành Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2016, Cộng đồng ASEAN tạo dựng được cơ sở đồng nhất về thị trường với các hàng rào thuế quan được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho liên kết sản xuất trên các lĩnh vực.  

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, trong ASEAN vẫn có những vẫn đề “không được như những người xây dựng, hoạch định Cộng đồng kỳ vọng”.

Chẳng hạn, theo Tổng cục thống kê, tại Việt Nam, trên 80% các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, chế tạo đã cảm nhận được sự hiện hữu của Cộng đồng ASEAN nhưng tăng trưởng thương mại lại thụt lùi. So với năm 2015, năm 2016, thương mại của Việt Nam với ASEAN giảm 8%.

Đây không phải là điều chúng ta mong đợi bởi ASEAN là thị trường hết sức rộng lớn với 650 triệu dân. Hiện vẫn có nước trong ASEAN tận dụng được thị trường lớn để tăng cường thương mại nội khối. Điều đó cho thấy sức cạnh tranh, cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường ASEAN “chưa đủ lớn”. Bên cạnh đó, cũng có thể do doanh nghiệp Việt Nam chú trọng hơn đến các thị trường ngoài ASEAN, hoặc do hàng hóa của các nước trong khu vực không có tính bổ trợ khiến chúng ta không cạnh tranh được, Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, ASEAN tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới, dựa vào sự đoàn kết và vai trò trung tâm. Phó Thủ tướng nói: “Cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét lại Hiến chương ASEAN, nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Bất kỳ tổ chức nào sau hàng chục năm vẫn có thể phải xem xét lại Hiến chương của mình để hoạt động phù hợp hơn với tình hình. Nhưng trong thời điểm hiện nay, chưa có đề xuất nào trong ASEAN là sẽ xem xét lại Hiến chương”.