Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cùng dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các hiệp hội doanh nghiệp và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tin liên quan |
Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, hiệu quả |
Tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế
Phát biểu định hướng Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 một cách tích cực, bài bản, nền nếp.
Thủ tướng đánh giá cao việc ngành đối ngoại đã thực hiện tốt công tác ngoại giao vaccine đã góp phần giúp nước ta kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa sớm trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, thấp hơn trần quy định (tương ứng là 60% GDP và 50% GDP).
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang đứng trước “6 cơn gió ngược” với cường độ mạnh, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội trong và ngoài nước: suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; các nước đang phát triển có khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực, đặc biệt là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp…
Hội nghị có sự tham dự trực tuyến của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thủ tướng nêu rõ, trong quý II/2023, tăng trưởng GDP đạt 4,14%, 6 tháng đầu năm đạt 3,72%; do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra (từ 6-6,5%) thì phải cố gắng rất lớn, nỗ lực rất cao. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần qua các tháng, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư - gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI, xuất khẩu).
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp cụ thể để thúc đẩy các động lực tăng trưởng thông qua thu hút đầu tư chất lượng cao; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát huy các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường ngách, thị trường tiềm năng, đẩy nhanh ký kết các FTA, thúc đẩy hàng hóa Việt Nam vào thị trường Halal…
Nhắc lại chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua là “triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại”, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kết nối các tỉnh thành, kết nối các cơ quan đại diện tại nước ngoài, kết nối các doanh nghiệp để tận dụng tối đa mọi cơ hội, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản và trung tâm của các hoạt động đối ngoại
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, toàn ngành Ngoại giao luôn quán triệt và nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng chiến lược, nội dung cơ bản và định hướng công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bám sát tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Chỉ thị 15, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngoại giao đã xác định, quán triệt ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản và trung tâm của các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và hoạt động ngoại giao kinh tế với phương châm quyết liệt, thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương là trung tâm phục vụ, thiết thực đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu ý kiến dẫn đề tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, ngành Ngoại giao luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cũng như sự ủng hộ và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị này, ngành Ngoại giao cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp rà soát, đánh giá toàn diện, thực chất công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai từ đầu năm 2023 đến nay, nhất là các nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư.
Từ đó, làm rõ những mặt đã làm tốt, những việc còn làm chưa tốt, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học, trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, biện pháp cụ thể, nhất là các hướng đi và cách làm mới hiệu quả hơn để công tác ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực hơn nữa vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ đã đề ra cho năm 2023.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng đã nêu bật một số kết quả mà công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được thời gian qua.
Đáng chú ý, công tác ngoại giao kinh tế đã tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với các đối tác; đưa kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại Cấp cao song phương và đa phương.
Trong gần 30 hoạt động đối ngoại của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, hơn 50 hoạt động tiếp xúc, làm việc của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành với các tập đoàn kinh tế trong 6 tháng đầu năm, các nội dung kinh tế được thúc đẩy và kết quả nhiều quan trọng và thực chất, với trên 70 văn kiện được ký kết, thiết lập các khuôn khổ và lĩnh vực mới mang tính đột phá; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngoại giao kinh tế cũng tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các các cơ chế hợp tác đa phương, qua đó mở rộng không gian phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Ngoại giao kinh tế cũng đã hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Ngoại giao đã tổ chức 5 hoạt động kết nối địa phương trong nước với các đối tác lớn; hỗ trợ các địa phương xây dựng hơn 50 thỏa thuận hợp tác, 50 hồ sơ xây dựng, triển khai các quy hoạch ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động cập nhật, thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp về các xu thế và các quy định mới.
Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với 9 bộ, ngành, trên 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ thẩm tra, xác minh, tháo gỡ các vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Ngoại giao kinh tế cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu - tham mưu về kinh tế trên cơ sở bám sát nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước, qua đó đóng góp tích cực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, ngoại giao kinh tế cũng đã đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp và triển khai, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn lực. Triển khai hiệu quả giao ban ngoại giao kinh tế định kỳ giữa các địa phương, doanh nghiệp trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Định kỳ hàng quý tổ chức giao ban với các cơ quan đại diện theo khu vực, trong đó ngoại giao kinh tế là một nội dung trọng tâm.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất nhiều ý kiến và một số các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiệu quả trong hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam phát biểu trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã chuyển biến mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng.
Nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm đã ngày càng được nâng cao. Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai ngày càng đồng bộ, toàn diện. Nội dung hợp tác kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thay mặt Lãnh đạo Chính phủ, một lần nữa, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các nỗ lực và kết quả của ngành ngoại giao, các bộ, ngành, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao kinh tế thời gian qua
Thủ tướng chia sẻ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về những vất vả, khó khăn trong triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế thời gian qua. Vượt lên những khó khăn, các đồng chí đã bám sát địa bàn, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong nước, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nêu rõ 3 bài học kinh nghiệm, đó là phải chủ động, kịp thời, các doanh nghiệp phải linh hoạt, bám sát tình hình. Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, linh hoạt thích ứng tình hình; phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế, tình hình kinh tế, và nhu cầu phát triển, thế mạnh ở trong nước; tham mưu, đề xuất, tháo gỡ, vượt qua thách thức; phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tránh đùn đẩy, ỷ lại, trông chờ; phải phối hợp chặt chẽ với nhau - các cơ quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp; phát huy và khai thác lợi thế quan hệ của Việt Nam với mỗi nước, thúc đẩy quan hệ này lên tầm cao hơn, khai thác quan hệ này có lợi nhất trong ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó chúng ta phải nỗ lực đoàn kết, thống nhất, vượt qua; phải triển khai tốt công tác ngoại giao kinh tế; các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải triển khai tốt công tác này.
Các cơ quan phải quán triệt và bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, chỉ đạo tại Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế. Tiếp tục tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.
Ta cần tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời phải bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng trên tinh thần chân thành, tin cậy, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe và thấu hiểu; cân bằng ngoại giao an ninh, quốc phòng.
Thủ tướng nêu rõ, phải lấy lợi ích quốc gia-dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu; đề cao đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương (cách tiếp cận toàn cầu); người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là động lực (cách tiếp cận toàn dân)… bảo đảm sát tình hình Việt Nam.
Ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn…), thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chủ trương đi liền với chính sách, phát huy thế mạnh của đất nước, tận dụng cơ hội, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng lưu ý, hiện nay trong thương mại quốc tế, chính sách bảo hộ đang gia tăng. Do đó, chúng ta phải khôn khéo, hiệu quả, phát huy kinh nghiệm ngoại giao vaccine, “cái gì có thể làm được là làm”; kết nối với các địa phương trong nước, các hiệp hội ngành nghề; tích cực đấu tranh chống bán phá giá, góp phần xử lý các vụ kiện liên quan phòng vệ thương mại.
Tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý một số nội dung.
Thứ nhất, tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; có chương trình, sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, có tính khả thi; mỗi lần đoàn cấp cao về thì các bộ, ngành phải cụ thể hóa ngay nhiệm vụ.
Thứ hai, nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực ta có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay (như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...); đẩy mạnh các chương trình ODA với các nước, như ODA thế hệ mới với Nhật Bản; thúc đẩy kết nối chiến lược về phát triển và cơ sở hạ tầng với Trung Quốc; Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg; chuẩn bị ký FTA với Israel, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện với UAE...
Thứ ba, thúc đẩy thu hút vốn đầu tư FDI, phát triển thị trường xuất khẩu; thị trường du lịch, thị trường lao động; cụ thể hóa Luật Xuất nhập cảnh, mở rộng diện các nước được miễn visa, nâng cấp hoạt động visa điện tử của các bộ liên quan; sửa Nghị định liên quan visa lao động; tăng cường xuất khẩu lao động, vừa giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với một số nước; nghiên cứu tham mưu chiến lược, phát triển ngành nghề có hệ thống, bài bàn, khi tình hình thay đổi thì chiến lược, chiến thuật phải thay đổi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả.
Thứ tư, tháo gỡ cho các ngành dệt may, da giày, thủy sản, gỗ…. ; phát huy các ngành có thế mạnh như rau củ quả, phải bảo đảm lợi ích trước mắt, vừa tính đến lợi ích lâu dài.
Với tinh thần khẩn trương, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Thủ tướng kêu gọi cần đột phá hơn nữa trong ngoại giao kinh tế, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa giải quyết vấn đề chiến lược, ổn định các thị trường, các mặt hàng xuất khẩu, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu; yêu cầu đã hành động quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn nữa, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa.
| Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ biển trong hỗ trợ phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu Từ ngày 5-9/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Hội nghị lần thứ 23 của Tiến trình tham vấn không chính ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng thư ký OIF và tiếp Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế và thương mại Hong Kong Ngày 7/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tới thăm trụ sở Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và làm việc với ... |
| Khu Công nghiệp Bá Thiện II hòa nhịp phát triển bền vững cùng đất nước Toạ lạc tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, Khu Công nghiệp Bá Thiện II phục vụ các ngành công nghiệp nhẹ, điện tử và ... |
| Đại sứ Phan Chí Thành: Cột mốc mới cho hợp tác hiệu quả Việt Nam-ESCAP, thúc đẩy phát triển bền vững tại châu Á-Thái Bình Dương Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành chia sẻ với TGVN ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thư ký ... |
| Giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ và lâm sản Giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế nhằm đánh giá những thách thức, cơ hội, tác động của chính sách, quy định mới ... |
| Ngoại giao kinh tế hỗ trợ các doanh nghiệp dược, mỹ phẩm thâm nhập thị trường Nam Phi và Malaysia Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao vừa tổ chức buổi làm việc giữa Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và gần 20 ... |
| Công tác ngoại giao kinh tế được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, hiệu quả Chiều 3/6, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng ... |