📞

Đưa tri thức vào doanh nghiệp: Chung một mối lo, chung một khát vọng

14:35 | 08/07/2016
Bước sâu vào sân chơi toàn cầu, nếu so sánh với các đối thủ trong khu vực (AEC) và quốc tế (đơn cử trong TPP) thì doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) yếu kém HƠN hẳn về mọi mặt.

Luôn ở thế yếu

Về năng lực khoa học - công nghệ, DNVN tụt hậu khá xa so với các nước láng giềng. Chỉ tính riêng số lượng các công bố quốc tế, theo thống kê của Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm (1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/6 của Malaysia (75.530), và 1/10 của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái Lan. Về năng suất lao động, ước tính đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan. Về môi trường kinh doanh, Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 99/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về kinh tế tri thức cho thấy, chỉ số giáo dục của Việt Nam năm 2012 là 2.99, xếp thứ 133 thế giới, thấp hơn mức bình quân 5.26 của khu vực. Trong khi Hàn Quốc là 9.09; Malaysia là 5.22.

Các đại biểu dự Tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững” ngày 24/6/2016, tại Hà Nội.

Đó là chưa kể cơ sở hạ tầng của Việt Nam kém phát triển, năng lực tài chính yếu, công nghiệp hỗ trợ chưa định hình, trình độ quản trị còn lạc hậu, văn hóa công nghiệp thấp, tư duy tiểu nông, tùy tiện, thiếu kỷ luật…

Với hàng loạt FTA thế hệ mới, các nước đang ào ạt đầu tư vào Việt Nam, thành lập các doanh nghiệp FDI để tận dụng các lợi thế mới, lại được chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước càng có thêm nhiều thuận lợi.

Trong khi đó, hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cần có tư duy, chiến lược kinh doanh mới; cần có năng lực khoa học - công nghệ, trình độ kỹ thuật hiện đại; công nghệ quản trị tiên tiến, năng lực lãnh đạo điều hành mới, đội ngũ lao động chuyên nghiệp và kỹ năng cao… Điều đặc biệt quan trọng là, dù có khắc phục được các điểm yếu này, thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ có tiềm lực khoa học - công nghệ, nề nếp quản trị tiên tiến, kinh nghiệm thương trường, vốn liếng, chuỗi cung ứng và thị trường sẵn có, đã đi trước chúng ta nhiều chục năm. Thế yếu, vì thế, luôn nghiêng về phía chúng ta.         

Khó khăn mang tính hệ thống

Có rất nhiều khó khăn trong quá trình đưa tri thức quản trị hiện đại vào doanh nghiệp. Đặc biệt, các DNNVV nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời thì hậu quả thật khó lường.

Đó là khó khăn đến từ sự đơn độc trong cạnh tranh với cả bên trong và bên ngoài, đủ các cấp hạng. Đó là sự lúng túng, mất phương hướng về phương diện quản trị trong một rừng các công cụ hỗ trợ. Đó cũng là khó khăn cho thấy giới quản trị doanh nghiệp đang bị mắc kẹt giữa tư tưởng Đông và Tây, chưa kết hợp hài hòa giữa nhân trị và kỹ trị.

Tiếp theo là rào cản từ văn hóa ỷ lại, tư duy đặc thù, cách tồn tại theo bản năng của người Việt trong việc áp dụng mô hình quản trị mới, một công cụ mới, nói cách khác là thay đổi, hoàn thiện hoặc xóa bỏ cách làm cũ.

Cuối cùng là thực trạng “trên thông nhưng dưới chưa chuyển” khiến mọi thay đổi đều khó đạt được mục tiêu. Và quan trọng hơn tất cả, nếu chúng ta không phát triển được một đội ngũ phù hợp để triển khai thì mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa. Để đưa được kiến thức quản trị mới vào doanh nghiệp cần sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết liệt hành động trong toàn hệ thống.

Đề xuất với các bên

Để vượt lên khó khăn, tiếp tục thực hiện thành công tiến trình biến tri thức thành động lực phát triển bền vững, có thể tìm giải pháp ở một số gợi ý sau:

Trước hết, về phía doanh nghiệp, phải chủ động phát huy tinh thần tự lực, tự cường, triển khai mô hình Cộng hưởng giá trị Đông - Tây. Vì thực lực còn yếu nên dù có tinh thần tự lực đến đâu cũng không thể chuyển ngay yếu thành mạnh được nên phải biết kết hợp. Như cây tre, dù có dẻo dai đến bao nhiêu, nếu đứng một mình cũng dễ dàng bị bão gió uốn cong, nhưng lũy tre thì khác. Kết hợp Đông - Tây, cộng hưởng các giá trị nhỏ thành sức mạnh lớn.

Để biến tri thức thành động lực phát triển bền vững về phía doanh nghiệp, phải chủ động phát huy tinh thần tự lực, tự cường, triển khai mô hình Cộng hưởng giá trị Đông - Tây.

Kết quả của quá trình chuyển hóa tri thức là từng bước hình thành tri thức của doanh nghiệp - tài sản trí tuệ của riêng doanh nghiệp đó. Đây mới là thứ tài sản cần được bảo hộ.

Cách thức tạo sự cộng hưởng này được triển khai theo hai hướng. Hướng thứ nhất đi từ dưới lên thông qua các cải tiến nhỏ, thường xuyên, hàng ngày của tất cả mọi người, với phương châm tích tiểu thành đại, lượng biến thành chất, nhiều cải tiến nhỏ sẽ tạo nên bước tiến lớn. Hướng thứ hai đi từ trên xuống với tư duy đổi mới, sáng tạo, tạo ra các bước đột phá. Cải tiến và đổi mới; nhân trị và kỹ trị; phương thức quản trị Đông và Tây, tất cả được tích hợp và phát triển thành chủ thuyết quản trị Cộng hưởng giá trị vi mô.

Thứ hai, để triển khai được chủ thuyết trên, nhà quản trị cần mở lòng, mở trí để tiếp thu kiến thức theo lộ trình: Hiểu - vận dụng - sáng tạo - làm chủ tri thức - biến tri thức bên ngoài thành tri thức của doanh nghiệp mình. Mở lòng là thành tâm, cầu thị, tiếp thu kiến thức. Mở trí là tư duy có hệ thống và suy nghĩ thật thấu đáo.

Với các nhà khoa học quản trị đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, xin đề xuất rằng hãy cố vượt qua thành trì hàn lâm, chấp nhận luật chơi khắc nghiệt của thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần các kiến thức của họ, nhưng doanh nghiệp cũng rất mong các nhà khoa học hiểu và thích nghi với quy luật thị trường.

Một ví dụ điển hình là cách làm của Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông rất đáng để tham khảo. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại đây được chia làm ba nhóm: nghiên cứu nền tảng với các định hướng cơ bản lâu dài; nghiên cứu triển khai - thực hiện các đặt hàng của Công ty, kết quả cụ thể; nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như là phần trách nhiệm của Trung tâm với Công ty. Sáng tạo trong kỷ luật kinh doanh là năng lực mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng sẵn sàng chấp nhận. Vì vậy khoảng cách giữa Trường, Viện và Doanh nghiệp tuy gần mà lại rất xa.

Với các chuyên gia và các công ty tư vấn quản trị, rất cần sự cam kết đồng hành đến tận cùng và đạt hiệu quả. Có rất nhiều phương thức triển khai hoạt động tư vấn. Cách nghĩ chung là: “Tiền nào của ấy”. Có ý kiến cho rằng các dự án tư vấn ở Việt Nam quản trị dưới 300 triệu đồng - có thể khẳng định là không hiệu quả vì quá rẻ. Nhưng DNNVV không có nhiều nguồn lực tài chính. Nếu dự án có hiệu quả, nhiều tiền hơn nữa doanh nghiệp vẫn sẵn sàng. Nhưng cam kết hiệu quả là điều mà các nhà tư vấn muốn tránh, không phải vì nhà tư vấn thiếu trách nhiệm, hoặc thiếu niềm tin vào công cụ của mình - mà chủ yếu là người ta lo lắng các vấn đề phát sinh khi triển khai, đặc biệt là cam kết của doanh nghiệp. Có những nhà tư vấn đã rất thành công với mô hình cùng thắng với cam kết từ cả hai bên về chia sẻ lợi nhuận đạt được từ kết quả tư vấn. Và nhất là cần thiết phải có một lộ trình tư vấn dễ thực hiện hơn, như: Đào tạo - triển khai - vận hành - bảo hành.

Có thể thấy quyết tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới: Xây dựng một Chính phủ Liêm chính và Kiến tạo. Nhưng khó khăn từ việc “trên thông nhưng dưới khó chuyển” sẽ khiến cả đất nước phải chờ đợi nhiều năm nữa. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần có tiếng nói chung, cần phát huy vai trò thực sự của các tổ chức Nghiệp, Hội. Điều này cũng phù hợp với các yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Với Chính phủ và cơ quan Bộ, ban ngành, các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng, Phó Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp như thời gian vừa qua cần được tiến hành thường xuyên hơn, không phải hàng năm như doanh nghiệp đề xuất mà là hàng tháng. Mong Chính phủ gần doanh nghiệp hơn, thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và thực hiện đúng những gì đang cam kết.

Những câu hỏi đặt ra

Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam- Liên minh Á-Âu, đặc biệt là TPP), cùng với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/2016, Việt Nam thực sự đã bước vào một giai đoạn hội nhập mới với những cơ hội và thách thức to lớn.

Muốn tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới - khu vực hóa, quốc tế hóa, bên cạnh việc đổi mới tư duy kinh doanh, xây dựng lộ trình phát triển công nghệ, xây dựng mô hình quản trị chiến lược và áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến, DNVN còn cần phải tìm cách vượt qua khó khăn, trả lời được các câu hỏi: Làm thế nào để làm chủ được tri thức quản trị tiên tiến khi nền tảng trình độ của đội ngũ cán bộ còn yếu? Làm thế nào để áp dụng các công cụ quản trị hiện đại vào điều kiện thực tế Việt Nam, phù hợp trình độ công ty và văn hóa Việt Nam? Làm thế nào để tổ chức hiệu quả hoạt động của các nhà khoa học bên ngoài để vừa đáp ứng được nhu cầu tự do sáng tạo đồng thời đảm bảo kỷ luật kinh doanh của doanh nghiệp? Làm thế nào để huy động được sự cộng hưởng giá trị trong cộng đồng?

Đây là mối lo chung của cả cộng đồng DNNVV Việt Nam, của những doanh nghiệp làm ăn tử tế, luôn mang trong mình khát vọng vươn lên hội nhập cùng bạn bè thế giới.

Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế - Đại học Ngoại thương